MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trường ĐH sinh ra “ông trùm ngành ô tô Việt” Trần Bá Dương: 98% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm, học phí cao nhất hơn 800 triệu/năm, điểm chuẩn “có một không hai”

11-04-2024 - 09:36 AM | Sống

Ngôi trường này luôn được đánh giá là một trong những cơ sở đào tạo đại học hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật.

Tỷ phú Trần Bá Dương, người sáng lập và là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) là một trong 6 tỷ phú USD của Việt Nam thuộc danh sách người giàu nhất hành tinh năm 2023. Theo Forbes, giá trị tài sản tính đến 1/4/2024 của "ông trùm ngành ô tô Việt" là 1,2 tỷ USD. 

Để nằm trong số ít những tỷ phú Việt giàu lên nhờ đầu tư ngành công nghiệp nặng mà không phải là đất, Chủ tịch Trần Bá Dương đã có quãng thời gian học tập tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM với chuyên ngành máy nâng chuyển bốc xếp. Từ bệ phóng này, "ông trùm ngành ô tô Việt" làm công nhân sửa chữa ô tô rồi dần tích lũy kinh nghiệm và dồn nguồn lực gây dựng nên thương hiệu ô tô Trường Hải. 

Kể từ đó đến nay, Thaco đã trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, cùng với linh kiện phụ tùng xe tại Việt Nam. Và, ngôi trường mà tỷ phú Trần Bá Dương theo học vẫn là một trong những trường đại học thuộc top đầu Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật với điểm xét tuyển mỗi năm rất cao. 

Theo đó, tiền thân của Trường Đại học Bách Khoa TP. HCM là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật, được thành lập ngày 29/6/1957. Đến năm 1976, Trung tâm được đổi tên thành Đại học Bách khoa TPHCM với 5 khoa chuyên ngành: Xây dựng, Điện-Điện tử, Thủy lợi, Cơ khí và Hóa học. Năm 1996, ngôi trường này trở thành thành viên của Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Hơn 65 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM luôn phấn đấu để trở thành cơ sở đào tạo đại học đạt trình độ cao với đa ngành đa lĩnh vực, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hàng đầu của khu vực miền Nam nói riêng và của cả nước nói chung. 

Với đội ngũ cán bộ công nhân viên chức gồm hơn 930 người, trong đó có 9 giáo sư, 103 phó giáo sư, hơn 338 Tiến sĩ, hơn 443 Thạc sĩ và 99 Giảng viên có trình độ đại học, ngôi trường này đang từng bước nâng cao chất lượng giảng viên để xây dựng một trường đại học vững mạnh, phục vụ đất nước.

Đầu vào “khó nhằn”

Không giống với những trường ĐH khác, ở kỳ tuyển sinh 2023, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tuyển sinh thông qua 5 phương thức. Đây cũng là năm thứ hai ngôi trường này thực hiện phương thức xét tuyển nhiều tiêu chí gồm học lực (90%), thành tích cá nhân (5%) và hoạt động xã hội, văn thể mỹ (5%). Trong đó, tiêu chí học lực bao gồm kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia TP.HCM hoặc Đại học Quốc gia Hà Nội (trọng số 75%), kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT (trọng số 20%), kết quả quá trình học tập THPT (trọng số 5%).

Với phương thức tuyển sinh khác biệt này, điểm chuẩn của trường cũng có cách tính đặc biệt. Cụ thể, điểm chuẩn từng ngành được tính như sau:

Điểm xét tuyển = [điểm thi đánh giá năng lực quy đổi] x 75% + [điểm thi tốt nghiệp THPT quy đổi] x 20% + [học lực THPT] x 5% (công thức này chưa tính điểm cộng thêm).

Trong đó:

Điểm thi đánh giá năng lực quy đổi = điểm thi đánh giá năng lực x 90/990

Điểm thi tốt nghiệp THPT quy đổi = điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp xét tuyển x 3.

Học lực THPT = tổng điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của 3 năm học 10, 11, 12.

Trường ĐH sinh ra “ông trùm ngành ô tô Việt” Trần Bá Dương: 98% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm, học phí cao nhất hơn 800 triệu/năm, điểm chuẩn “có một không hai”- Ảnh 1.

Trường ĐH sinh ra “ông trùm ngành ô tô Việt” Trần Bá Dương: 98% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm, học phí cao nhất hơn 800 triệu/năm, điểm chuẩn “có một không hai”- Ảnh 2.

Với công thức đó, điểm chuẩn của trường dao động 54-79,84/100. Trong đó, ngành Khoa học máy tính có điểm chuẩn cao nhất, tăng gần 4 điểm so với năm 2022. Kỹ thuật máy tính xếp sau với 78,26 điểm, tăng 11 điểm. Thấp nhất là nhóm ngành Quản lý tài nguyên môi trường, Kỹ thuật môi trường lấy 54 điểm, giảm hơn 6 điểm.

Chương trình học chất lượng cùng học phí "xắt ra miếng"

Kể từ năm 2014 chương trình đào tạo của trường Đại học Bách Khoa TP.HCM được xây dựng mới theo hướng tiếp cận CDIO (Conceive Design Implement Operate) đáp ứng chuẩn đầu ra. Năm học 2023-2024, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM công bố mức học phí với từng chương trình đào tạo cụ thể như sau:

Chương trình tiêu chuẩn dạy bằng tiếng Việt, học phí khoảng 30 triệu đồng/năm 2 học kỳ. Chương trình tiên tiến dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, học phí khoảng 80 triệu đồng/năm 2 học kỳ.

photo-1712738757715

Học phí trường Đại học Bách Khoa TP. HCM.Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Thongtintuyensinh.vn

Chương trình chuyển tiếp quốc tế (Úc, New Zealand) dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Học phí 2-2,5 năm đầu học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM khoảng 80 triệu đồng/năm 2 học kỳ và 2-2,5 năm cuối chuyển tiếp sang ĐH đối tác Úc/ New Zealand khoảng 566-807 triệu đồng/năm.

Chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) học bằng tiếng Việt, học phí khoảng 30 triệu đồng/năm 2 học kỳ. Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, học phí khoảng 80 triệu đồng/năm 2 học kỳ.

Chương trình định hướng Nhật Bản, dạy chuyên môn theo chương trình tiêu chuẩn kết hợp đào tạo tiếng Nhật giao tiếp chuyên ngành, một số môn chuyên ngành dạy bằng tiếng Nhật, học phí khoảng 60 triệu đồng/năm 2 học kỳ. Chương trình chuyển tiếp quốc tế (Nhật Bản) 2,5 năm đầu học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, học phí khoảng 60 triệu đồng/năm 2 học kỳ; 2 năm cuối chuyển tiếp sang ĐH đối tác Nhật học phí khoảng 112 triệu đồng/năm.

Như vậy với chương trình đào tạo chất lượng, học phí năm học 2023-2024 của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thấp nhất ở mức khoảng 30 triệu đồng/năm. Học phí chương trình chuyển tiếp quốc tế cao nhất khoảng 80 triệu đồng/năm khi học tập trong nước và hơn 800 triệu đồng/năm khi học ở trường đối tác nước ngoài.

Trường ĐH sinh ra “ông trùm ngành ô tô Việt” Trần Bá Dương: 98% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm, học phí cao nhất hơn 800 triệu/năm, điểm chuẩn “có một không hai”- Ảnh 4.

Theo dữ liệu cập nhật đến ngày 31-10-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về số chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Theo đó trong tổng số 58 cơ sở giáo dục đại học với 451 chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài thì Trường đại học Bách khoa TP.HCM có đến 50 chương trình (trong đó có 6 chương trình đào tạo thạc sĩ) của nhiều tổ chức kiểm định quốc tế như AUN-QA, ASIIN, CTI, ABET, AQAS, FIBAA.

Không những thế, là một trong những trung tâm giáo dục hàng đầu về kỹ thuật, ngôi trường này còn nằm trong top những trường đại học có cơ hội việc làm cao nhất TP.HCM. Theo thông tin từ phía nhà trường, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM đạt mức ấn tượng với 98% (năm 2022). Hầu hết sinh viên có cơ hội việc làm liên quan đến chuyên ngành của mình.

Trong tương lai, ĐH Bách Khoa TP.HCM hứa hẹn sẽ ngày càng củng cố CSVC, phát triển năng lực đội ngũ giảng viên và sinh viên, xây dựng một môi trường đào tạo lý tưởng cho nhân tài Việt. Từ đó đào tạo ra không ít cán bộ, kỹ sư tài giỏi cho tổ quốc.

(Tổng hợp)

Trường ĐH sinh ra “ông trùm ngành ô tô Việt” Trần Bá Dương: 98% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm, học phí cao nhất hơn 800 triệu/năm, điểm chuẩn “có một không hai”- Ảnh 5.

 

Ánh Lê

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên