Trường Hải, Honda, Toyota… đồng loạt hiến kế giúp ngành ô tô Việt “cất cánh”
Chiều 28/2 đông đảo các doanh nghiệp, chuyên gia đã tham dự buổi toạ đàm về ngành công nghiệp ô tô tại Bộ Công thương nhằm tìm ra giải pháp phát triển ngành này.
- 28-02-2017Thuế ô tô 0%: Tính giá tiền, chọn ngày mua xe năm 2018
- 27-02-2017Vì sao ô tô Trung Quốc “mất hút” ở thị trường Việt Nam?
- 23-02-2017Ngành ô tô Việt Nam cần làm gì để tiếp cận thị trường khu vực?
- 22-02-2017Lý do ô tô Ấn Độ giá rẻ, hút khách
Thị trường lớn không thể bỏ qua
Tại buổi toạ đàm,Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh Việt Nam là một thị trường tiềm năng mà không một doanh nghiệp sản xuất ô tô nào có thể bỏ qua. Bởi lẽ, quy mô dân số Việt Nam đang gần 100 triệu người, GDP bình quân đầu người và tỉ lệ dân số tầng lớp trung lưu ngày một tăng khiến cho thị trường ô tô Việt Nam có đà tăng trưởng tốt với tốc độ tăng bình quân hai năm gần đây đạt gần 40%.
Trong năm 2016, tổng số xe mới đưa vào lưu thông tại thị trường Việt Nam là 459.634 chiếc, trong đó sản xuất trong nước: 341.077 chiếc, nhập khẩu 118.557 chiếc. Hiện tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô đạt khoảng 500.000 xe/năm. 12 hãng có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210 ngàn xe/năm trong năm 2016.
Cũng theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp. Đồng thời, một số loại sản phẩm cũng đã xuất khẩu sang một số thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…
Tuy nhiên, Bộ Công thương nhấn mạnh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng đang tồn tại một số hạn chế như giá thành cao, chất lượng dù có cải tiến nhưng chưa bằng xe nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản; Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra;Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp… Do đó, cần phải xác định rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu để đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Giải pháp nào cho ngành công nghiệp ô tô?
Các doanh nghiệp đánh giá cao những vấn đề được đại diện Bộ Công Thương nêu. Điều này cho thấy cơ quan quản lý luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, để nắm bắt tình hình thực tế để kịp thời tháo gỡ những khó khăn.
Đại diện VAMA cho rằng sức ép cạnh tranh sau năm 2018 là rất lớn và đang đến gần, do vậy, Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ. Nếu không, các nhà sản xuất sẽ đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí là không tồn tại được trước sức ép xe nhập khẩu khi thuế được kéo về 0%.
Ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải cho rằng cuộc gặp hôm nay giữa Bộ Công Thương và các doanh nghiệp mới chỉ là bước khởi đầu. Nhưng để giải quyết khó khăn cho cả ngành công nghiệp thì cần rất nhiều việc khác nữa, trong đó có việc rà soát thực tế doanh nghiệp sản xuất để có đánh giá những điểm được, chưa được và giải thích rõ lý do vì sao.
Trên cơ sở đánh giá này các cơ quan quản lý xác định nền công nghiệp ô tô có nên tiếp tục phát triển hay không nếu tồn tại thì nên như thế nào. Khi đã thống nhất chủ trương rồi thì các chính sách đưa ra mới nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Các đại biểu dự cuộc họp cũng khẳng định cần có sự phát triển đồng bộ các ngành liên quan, hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững thị trường ô tô tại Việt Nam.
Ông Toru Kinoshita, TGĐ Toyota Việt Nam cho biết trong 20 năm kinh doanh lĩnh vực ô tô tại Việt Nam, Toyota đã luôn cố gắng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đang giảm dần từ 5 dòng xe xuống còn 4 dòng xe, từ 4 dòng xe này sẽ tăng số lượng sản xuất, đảm bảo tính tập trung và đem lại hiệu quả kinh tế hơn.
Theo ông, từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô về mức 0%, xét về góc độ thị trường thì đây là tín hiệu tốt song đối với nền sản xuất trong nước thì đây lại là áp lực lớn. Như vậy, "làm thế nào để mức thuế đó trở thành cú hạ cánh mềm là một câu hỏi rất lớn cần giải đáp?" - Đại diện Toyota Việt Nam nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, ông Kayano Kiwamu cũng chia sẻ mong muốn phát triển sản xuất tại thị trường trong nước.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề gặp khó khăn do thị trường nhỏ, hạ tầng chưa đồng bộ, chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng. Lãnh đạo Honda Việt Nam khẳng định sẽ tập trung phát triển những sản phẩm phù hợp tại Việt Nam, có sức cạnh tranh lớn.
Để phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, đại diện Honda đề xuất cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, hỗ trợ phát triển thị trường ô tô; bên cạnh đó Chính phủ cũng cần ban hành các văn bản nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chênh lệch giá xe trong và ngoài nước bằng cách điều chính thuế tiêu thụ đặc biệt một cách phù hợp, rút ngắn khoảng cách, nâng cao tính cạnh tranh.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại toạ đàm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng muốn tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô thì cần phải làm và làm quyết liệt công nghiệp hỗ trợ. Bởi nếu không có công nghiệp hỗ trợ thì khó phát triển công nghiệp ô tô.
Thứ trưởng cũng khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe, sát cánh cùng doanh nghiệp để kiến nghị Chính phủ kiến nghị các giải pháp, trên cơ sở thực tế phát triển đất nước, các cam kết quốc tế và quyền lợi của người dân.