"Trút giận" vào phiên ATC, một bộ phận nhà đầu tư đang bị cảm tính dẫn dắt
Một bộ phận nhà đầu tư đã "trút giận" vào phiên ATC sau khi chứng kiến thị trường vận động khác thường trong các phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu.
Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, biến động thị trường trở nên khó lường với những vận động khác thường khi bước vào quãng giao dịch ATC.
Ở phiên ngày thứ Năm, một loạt các cổ phiếu Bluechips như MWG, SSI, HPG, SAB, GVR, SHB, STB, HDB, VJC, GAS, MSN, VPB… đồng loạt đóng cửa ở mức thấp của phiên giao dịch. Cả thị trường đã bị ảnh hưởng nặng khiến nhiều cổ phiếu giảm sàn còn VN-Index cũng mất hơn 25 điểm.
Tới phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhà đầu tư lại bị "tra tấn" trong phần lớn thời gian giao dịch rồi chỉ số lại đảo chiều tăng điểm ngay trong phiên ATC.
Tóm tắt lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đưa nhà đầu tư lên một "chuyến tàu lượn cảm xúc" trong 2 phiên giao dịch khiến thị trường xuất hiện các quan điểm khá gay gắt về việc nên xem xét bỏ các phiên khớp lệnh định kỳ (ATO, ATC) do nghi ngờ có hành động làm giá, tạo cung cầu ảo, gây lũng đoạn thị trường.
Dù vậy, theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cần hiểu bản chất của vấn đề không nằm ở phiên ATC mà do đặc tính của thị trường. Trong trường hợp không có phiên ATC, nếu nhà đầu tư muốn bán ra khối lượng cổ phiếu lớn để tác động đến thị trường thì nhóm này vẫn có thể dùng lệnh MP hoặc bán ở mức giá sàn trong phiên khớp lệnh liên tục. Hiện tượng này cũng không ít lần diễn ra trong quá khứ nên việc bỏ phiên ATC không triệt để giải quyết được vấn đề.
Còn ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng chúng ta không nên tranh luận về chủ đề này vì thực sự một bộ phận nhà đầu tư đang bị cảm tính dẫn dắt và chưa được truyền thông đúng.
Ở nhiều thị trường lớn, lệnh ATC, phiên ATC vẫn chiếm vai trò quan trọng và giữ trọng số lớn trong tổng giá trị khớp lệnh. Điển hình như tại sàn NYSE của Mỹ trong 6 tháng gần đây.
Phiên "Auction" (phiên ATO, ATC) chiếm khoảng 40% khối lượng giao dịch trong đó các lệnh tương tự ATC chiếm khoảng 15% khối lượng giao dịch được khớp.
Phiên ATC bản chất là phiên cho chúng ta thời gian cuối ngày để “quyết mua/quyết bán”. Thị trường Việt Nam biến động mạnh phiên ATC do tỷ trọng nhà đầu cá nhân cao, tỷ trọng người đánh theo kỹ thuật (một cách dứt khoát) cũng cao, đòn bẩy cao, đặc biệt là từ các "kho".
Do đó quán tính giá theo ngày, hay ngắn hơn là trong phiên, cho đến phiên ATC cũng đều cao. Biến động mạnh diễn ra cả chiều lên, lẫn chiều xuống và không riêng gì những phiên thị trường giảm điểm.
"Việc đào tạo, nâng cao kiến thức cho cộng đồng nhà đầu tư và kiểm soát các sản phẩm đòn bẩy cao là việc cần bàn hơn thay vì bỏ đi một cơ chế vẫn được cả thế giới áp dụng. Chúng ta nên học cách thích nghi hơn là cách của một bộ phận nhỏ thị trường đang "trút giận", đưa ra ý kiến cảm tính và không có căn cứ", ông Huy nói.
Theo Thị trường Tài chính Tiền tệ