Truy việc găm hàng, chờ xăng tăng giá
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết việc cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa chỉ là hiện tượng cục bộ, có thể do nhu cầu tăng cao thời gian gần đây.
- 27-05-2020Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói gì về thông tin "găm hàng" xăng dầu chờ tăng giá?
- 27-05-2020Ngày mai, giá xăng dự kiến tăng hơn 1.000 đồng/lít?
- 14-05-2020Giá xăng giảm nhưng cước vận tải vẫn đứng im, hành khách chịu thiệt
Ngày 27-5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ này kiểm tra tất cả địa bàn có cửa hàng xăng dầu thông báo hết hàng. Qua đó, làm rõ có hay không tình trạng găm hàng chờ tăng giá?
Không nhập được hàng?
Cùng ngày, một số cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội vẫn bán hàng nhỏ giọt, thậm chí khống chế mỗi khách hàng đi xe máy chỉ được mua 30.000 đồng.
Trong khi đó, một cây xăng trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) treo biển hết hàng, lý do không nhập được hàng. Đại diện cây xăng cho biết đã liên hệ với các thương nhân đầu mối để nhập hàng nhưng kết quả chỉ nhỏ giọt, đủ phục vụ trong vòng vài giờ mỗi ngày.
Một người dân tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng phản ánh việc cửa hàng xăng dầu Tuấn Thắng số 2 tại xã Bá Thiện đã không bán hàng từ ngày 26-5 đến nay. Khi người dân địa phương thắc mắc thì nhận được lý do không nhập được hàng để bán.
Một cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội thông báo hết hàng. (Ảnh chụp ngày 27-5) Ảnh: MINH PHONG
Việc các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu khó nhập hàng để bán làm dấy lên nghi vấn các DN đầu mối găm hàng chờ tăng giá. Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã có 8 lần điều chỉnh giảm giá, đưa giá xăng về mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Tại kỳ điều hành giá gần nhất (ngày 13-5), liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng nhẹ giá xăng. Kỳ điều hành giá tiếp theo sẽ vào ngày 28-5.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng có biểu hiện găm hàng chờ tăng giá tại một số cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu bởi nhiều dự báo cho thấy kỳ điều hành ngày 28-5 giá sẽ tăng mạnh sau hàng loạt lần giảm giá liên tiếp. Biểu hiện găm hàng không phải lần đầu tiên xảy ra. Đây là diễn biến của thị trường khi sắp đến kỳ tăng giá mạnh, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng xuống thấp như vừa qua khiến nhiều DN kêu lỗ. Ông Long cũng nói để phát hiện hành vi găm hàng ở các cửa hàng bán lẻ sẽ rất khó khăn, do DN tìm cách đối phó.
Về phía DN đầu mối, ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), khẳng định đơn vị không găm hàng chờ giá mà đang cung cấp đủ số lượng cho các DN bán lẻ. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng điểm bất cập là không ít DN bán lẻ có nhiều mối nhập hàng, trong khi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định mỗi đại lý bán lẻ chỉ được ký hợp đồng với một đầu mối.
"Các cây xăng thường nhập hàng từ nhiều nguồn khác nhau vì lợi nhuận. Khi không thể nhập được các nguồn khác, đại lý quay lại đơn vị đầu mối đã ký hợp đồng, khi đó nhu cầu tăng đột biến khiến DN khó để xoay xở" - ông Dương nêu bất cập.
Chỉ là hiện tượng cục bộ?
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết việc cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa chỉ là hiện tượng cục bộ, nguyên nhân có thể do nhu cầu tăng cao thời gian gần đây.
Ông Đông khẳng định đủ nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu trong nước. Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với các thương nhân đầu mối để bổ sung hàng tại địa phương và có phương án điều hành ngay từ các đầu mối hoạt động tại các địa phương khác để bảo đảm nhu cầu thị trường. Đồng thời, xử lý nghiêm những cửa hàng, đại lý, thương nhân phân phối, đầu mối không bán hàng để chờ tăng giá. Vụ Thị trường trong nước đã liên tục có các văn bản gửi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về bảo đảm nguồn cung trên thị trường. Qua đó, đề nghị thương nhân chủ động tìm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của DN.
Tổng cục QLTT cho biết kết quả kiểm tra bước đầu tại một số địa phương như Bắc Giang, Đắk Lắk, Hải Dương, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng… thể hiện tình trạng cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa không bán chỉ xảy ra cục bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do không nhập được hàng để bán hoặc lượng hàng nhập không đủ dẫn đến bán cầm chừng, bán một vài giờ trong ngày, sau đó đóng cửa. Lực lượng QLTT tiếp tục xác minh để làm rõ có hay không tình trạng găm hàng chờ tăng giá.
Ảnh hưởng đời sống người dân
Tại tỉnh Đắk Lắk, đến chiều 27-5, nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Krông Năng vẫn tiếp tục đóng cửa. Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk, cho biết những ngày qua, lực lượng này thường xuyên kiểm tra các cửa hàng xăng dầu đóng cửa nhưng chưa phát hiện DN nào còn xăng dầu trong bồn mà ngừng bán. Cán bộ QLTT cũng đã động viên các DN cố gắng lấy hàng về bán phục vụ người dân.
Theo ông Trần Thái Thạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Toh (huyện Krông Năng), nhiều người dân đã tới UBND xã này phản ánh về việc các cửa hàng xăng dầu đóng cửa gây trở ngại trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. UBND xã đã có văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị sớm có giải pháp để các cửa hàng này bán lại.
C.Nguyên
Người lao động