Truyền hình trả tiền Việt Nam đạt 16,9 triệu thuê bao, cạnh tranh khốc liệt với nền tảng xuyên biên giới
Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đạt doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 với 16,9 triệu thuê bao.
- 27-09-2021Hàng loạt kênh truyền hình quốc tế dừng phát sóng, doanh nghiệp truyền hình trả tiền 'bù' bằng nhiều kênh mới
- 06-09-202114 kênh truyền hình nước ngoài dừng phát sóng tại Việt Nam từ ngày 1/10
Truyền hình internet đang ngày càng thịnh hành tại các đô thị Việt Nam.
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ đầu năm đến nay, đã có thêm 1 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Như vậy, hiện có 38 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này ở trong nước.
Doanh thu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nửa đầu năm 2022 ước đạt 4.500 tỷ đồng. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử dự kiến doanh thu cả năm 2022 đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ so với con số 9.200 tỷ của năm 2021.
Tính đến tháng 6, Việt Nam hiện có 16,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Nếu đạt được con số 17 triệu thuê bao trong năm nay, lượng thuê bao tăng trưởng không đáng kể.
Trong khi đó, doanh thu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng Internet đạt khoảng 350 tỷ đồng trong nửa đầu năm và có thể đạt mức 700 tỷ đồng trong cả năm 2022, tăng nhẹ so với con số 634 tỷ đồng hồi năm ngoái.
Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền của các doanh nghiệp trong nước tăng không đáng kể khi tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những nền tảng xuyên biên giới như Netflix, YouTube, Iflix, Apple, WeTV, IQIYI... Các nền tảng xuyên biên giới thu hút người dùng Việt Nam với nhiều nội dung phong phú, chất lượng cao.
Nhờ tiềm lực tài chính mạnh, các nền tảng ngoại sẵn sàng trả kinh phí lớn để mua bản quyền những nội dung bản địa hay và cung cấp độc quyền với mức phí hợp lý. Trong khi đó, họ gần như chưa phải chịu quy định, kiểm duyệt nào như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước. Điều này khiến truyền hình trả tiền trong nước “thua” trên sân nhà.
Thực tế trong suốt mấy năm qua, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền nhiều lần nêu ý kiến về tình trạng “bảo hộ ngược” khiến thị phần rơi vào tay doanh nghiệp ngoại.
Việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nền tảng OTT xuyên biên giới là “không cùng mặt bằng” khi doanh nghiệp ngoại chưa bị quản lý (cấp phép, đóng phí, thuế, biên tập nội dung…).
Những quy định mới đã và sẽ được bổ sung để quản lý các nền tảng xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam. Các nền tảng này hiện đã phải kê khai và nộp thuế khi cung cấp dịch vụ với cơ quan thuế. Sắp tới sẽ có quy định mới yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT VoD qua mạng Internet xuyên biên giới tại Việt Nam phải thực hiện các thủ tục về cấp phép, biên tập nội dung cũng như nghĩa vụ về thuế, phí,… như đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Khi có cơ chế quản lý mới, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sẽ kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý, tránh việc bảo hộ ngược.
Báo Tin tức