MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Truyền nhân" duy nhất của doanh nghiệp muối trên sàn làm ăn ra sao sau phiên IPO cháy hàng 1 năm trước?

"Truyền nhân" duy nhất của doanh nghiệp muối trên sàn làm ăn ra sao sau phiên IPO cháy hàng 1 năm trước?

Đây được xem là doanh nghiệp ngành muối duy nhất đang có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán.

Gần 1 năm trước, ngày 12/4/2021 phiên IPO chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH Muối Việt Nam (Visalco) được tiến hành. Có 1.279.392 cổ phần được đưa ra chào bán với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu.

Khá bất ngờ khi số lượng cổ phiếu đặt mua tại phiên IPO gấp 3 lần số cổ phiếu chào bán. Phiên IPO cháy hàng của Công ty ngành muối khép lại, mở ra một trang mới khác: 1 tháng sau đó, ngày 19/5/2021 toàn bộ gần 1,28 triệu cổ phiếu SCV của công ty chính thức giao dịch trên Upcom với mã chứng khoán SCV. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 23.500 đồng/cổ phiếu. Không chỉ vậy, SCV trở thành "truyền nhân" duy nhất của Muối Khánh Hòa (KSC) trên sàn khi doanh nghiệp này đã rời sàn, lui về hậu trường.

Doanh nghiệp ngành muối duy nhất từng giao dịch trên sàn trước SCV

Muối Khánh Hòa đưa gần 3,74 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ cuối tháng 5/2010. Đây là một cổ phiếu khá "kỳ lạ" trên thị trường. Sau khi lên sàn được hơn 2 năm, cổ đông Nhà nước SCIC lúc đó sở hữu 33% vốn điều lệ đã quyết định thoái vốn. Có 70 nhà đầu tư mua hết 1,24 triệu cổ phiếu này từ SCIC.

Đây cũng được xem là 70 nhà đầu tư "may mắn" bởi chỉ 1 tuần sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng cổ phần từ SCIC, thì Muối Khánh Hòa công bố thông tin trả cổ tức tỷ lệ 24% cho cổ đông. Bất ngờ hơn nữa khi thời điểm đó giá cổ phiếu KSC trên thị trường chỉ 4.500 đồng/cổ phiếu. Giá thoái vốn của SCIC không được công bố.

Cổ phiếu KSC vẫn tồn tại trên thị trường nhiều năm sau sự "bất ngờ" đó. Nhà đầu tư hầu như không đưa cổ phiếu ra giao dịch. Một số giao dịch khác phần lớn là thỏa thuận giữa các cá nhân. Giá cổ phiếu KSC chủ yếu được điều chỉnh qua các lần trả cổ tức. Và đến những năm sau này, thậm chí thị giá còn thấp hơn cả số tiền trả cổ tức khiến cho Sở GDCK Hà Nội áp dụng cơ chế riêng, không điều chỉnh thị giá ngày trả cổ tức.

Kết quả kinh doanh của Muối Khánh Hòa cũng rất ổn định với hàng chục tỷ mỗi năm. Lãi những năm trên sàn cũng không hề nhỏ với số lãi tiền tỷ. Muối Khánh Hòa cũng là một trong những doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao hàng năm.

Truyền nhân duy nhất của doanh nghiệp muối trên sàn làm ăn ra sao sau phiên IPO cháy hàng 1 năm trước? - Ảnh 1.

"Truyền nhân" Visaco tiếp ngôi "doanh nghiệp ngành muối duy nhất trên sàn"

Đến tháng 12/2017 Muối Khánh Hòa cũng rời sàn, ngôi vị "doanh nghiệp ngành muối duy nhất trên sàn" tạm vô chủ cho đến khi Visalco tiến hành IPO và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn.

Công ty TNHH Muối Việt Nam là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Cơ cấu sản phẩm của công ty tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là Muối nguyên liệu và Muối tinh các loại, chiếm 89% tổng sản lượng sản xuất của công ty. Trong đó Muối tinh là mặt hàng chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 50%.

Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, sau cổ phần hóa Visalco có vốn điều lệ hơn 63,69 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 65% vốn. Phiên IPO chào bán công khai cho nhà đầu tư bên ngoài hơn 1,28 triệu cổ phần, tương ứng 29% vốn điều lệ sau cổ phần hóa. Còn lại bán cho người lao động 264.200 cổ phần.

Doanh thu những năm gần đây của Visalco đều trên trăm tỷ. Thậm chí năm 2020 vừa qua còn đạt xấp xỉ 200 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí cao hơn cả doanh thu khiến công ty thua lỗ nhiều năm liên tiếp.

BCTC năm 2020 ghi nhận, trước khi IPO Visalco còn lỗ lũy kế 24,7 tỷ đồng tính đến 31/12/2020. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2020 giảm 20 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, còn gần 62 tỷ đồng. Nợ phải trả gần 39 tỷ đồng (giảm gần 16 tỷ đồng so với đầu kỳ). Vốn chủ sở hữu còn hơn 23 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 47,8 tỷ đồng. Kế hoạch trong những năm tới Visalco dự kiến sẽ thoát lỗ, dù số lãi ước tính trong 3 năm tới chỉ đều xấp xỉ 1 tỷ đồng mỗi năm.

Truyền nhân duy nhất của doanh nghiệp muối trên sàn làm ăn ra sao sau phiên IPO cháy hàng 1 năm trước? - Ảnh 2.

Có thế nói, điểm hấp dẫn của Visalco khi tiến hành IPO là những lô đất mà công ty đang quản lý, sử dụng. trong đó tại Hà Nội có 3 lô đất bao gồm lô đất rộng hơn 389m2 tại phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm; lô đất rộng 91m2 tại số 77 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng và lô đất hơn 3.341m2 tại Phường Bồ Đề, quận Long Biên.

Tại Thái Nguyên là lô đất rộng 2.538m3. Tại Hòa Bình là lô đất 653m2. Tại Nghệ An công ty quan lý loạt lô đất với tổng diện tích hơn 1,566 triệu m2. Những lô đất ở Nghệ An phần lớn là cánh đồng sản xuất muối, khi chứa muối, kho trung chuyển, diện tích các cánh đồng muối khai thác thực tế còn lớn hơn cả diện tích được trình bày.

Truyền nhân duy nhất của doanh nghiệp muối trên sàn làm ăn ra sao sau phiên IPO cháy hàng 1 năm trước? - Ảnh 3.

Năm đầu tiên lên sàn Visalco làm ăn ra sao?

Sau phiên IPO, nhà đầu tư thường có tâm lý chờ đợi ngày doanh nghiệp lên sàn. Nếu Visalco lên sàn, sẽ là doanh nghiệp ngành muối duy nhất đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn thời điểm này, "kế tiếp" danh hiệu doanh nghiệp sở hữu ngành kinh doanh "độc nhất" trên sàn mảng muối của muối Khánh Hòa.

Báo cáo tài chính năm đầu tiên sau IPO của Visalco được tính từ 1/7/2021 đến 31/12/2021 – tương ứng thời gian khoảng hơn 5 tháng. Doanh thu giai đoạn này đạt hơn 118 tỷ đồng mà giá vốn bỏ ra đến hơn 112 tỷ đồng nên công ty chỉ còn lãi gộp 6 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Trừ các chi phí phát sinh, đặc biệt khoản chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến trên 20 tỷ đồng, dẫn tới số lỗ 19,1 tỷ đồng ghi nhận cả năm – lỗ lớn nhất sau nhiều năm kinh doanh. Tuy vậy phần lớn chi phí quản lý doanh nghiệp là do khoản chi phí dự phòng 17,6 tỷ đồng.

Đề án phát triển ngành muối

Tháng 8/2020 Chính Phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, trong đó mục tiêu chung là phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững, tận dụng tối đa lợi thế các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, và tiến tới xuất khẩu muối.

Mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp. Đối với sản xuất muối thủ công, đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đề án cũng ghi nhận việc hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch nghỉ dưỡng tại các làng nghề muối để quảng bá và tiêu thụ muối như tại các đồng muối. Bên cạnh đó, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh được chọn xúc tiến thương mại và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho mặt hàng muối xuất khẩu.

https://cafef.vn/truyen-nhan-duy-nhat-cua-doanh-nghiep-muoi-tren-san-lam-an-ra-sao-sau-phien-ipo-chay-hang-1-nam-truoc-20220317113637624.chn

Mai Nguyễn

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên