TS Bùi Sỹ Lợi: An sinh xã hội tốt, người dân sẽ tham gia bảo hiểm
Tình trạng rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần tăng nhanh trong thời gian qua đang tạo nên những nỗi lo trong bảo đảm an sinh xã hội. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã chính thức được cho ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đưa ra 2 phương án hưởng BHXH 1 lần.
- 20-08-2023Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra các cơ sở, dự án kinh tế - xã hội tại Kon Tum
- 20-08-2023VinFast lên sàn Nasdaq - Thành công không chỉ của riêng một doanh nghiệp
- 20-08-2023Đầu tư 50.000 tỷ đồng, Bình Dương sẽ có tuyến đường sắt kết nối 5 đô thị
Để xử lý việc gia tăng rút BHXH 1 lần, chúng ta cần tạo sinh kế cho người lao động như: Hỗ trợ nhà ở, tiền điện nước, để họ thêm gắn bó.
PV: Thưa ông, tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Vấn đề trên hiện đang nhận được 2 luồng ý kiến, một là giữ nguyên 20 năm, hai là giảm xuống 15 năm. Quan điểm của ông ra sao?
TS BÙI SỸ LỢI: Tôi cho rằng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là phương án tốt. Phương án này sẽ tạo cơ hội cho người bắt đầu tham gia BHXH muộn như 45 - 47 tuổi họ chỉ cần đóng 15 năm là đủ điều kiện đến 60 - 62 tuổi thì về hưu. Đây là điều rất tốt để thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân. Việc quy định như vậy sẽ góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội, người dân sẽ có lương hưu, có cơ hội để tham gia vào hệ thống.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là có người tham gia không liên tục, hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn, khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Như vậy đây là cái để họ lại tiếp tục đóng, giúp cho BHXH mở rộng được đối tượng tham gia.
Nhưng quan trọng là thời gian đóng ngắn, chỉ 15 năm. Nếu người không có thu nhập cao để đóng ở mức cao đến khi về hưu thì lương rất thấp, dẫn đến câu chuyện mà người lao động đang phàn nàn là “lương không đủ sống”. Đây là vấn đề Nhà nước cần tính toán. Phương án tốt nhất là phải làm sao có sàn an sinh xã hội. Hay nói cách khác là sàn lương hưu tối thiểu khống chế. Theo đó, một là khuyến khích người ta đóng cao lên. Hai là Nhà nước có hỗ trợ. Ba là phải chia sẻ. BHXH là đa tầng, đa dạng, bao phủ toàn dân, hiệu quả, hội nhập quốc tế nhưng cái quan trọng chính là sự chia sẻ. Bởi khi về hưu quan trọng là phải đủ sống ở mức tối thiểu.
Thực tế thì nhiều nước còn giảm thời gian đóng BHXH xuống 10 năm. Hay như Nghị quyết 28 của Trung ương nhắc đến sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Liên quan đến vấn đề hưởng BHXH 1 lần đang tăng nhanh và làm nóng dư luận xã hội trong thời gian qua thì dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này trình ra 2 phương án rút BHXH 1 lần. Ông đánh giá sao về 2 phương án trên?
- Đầu tiên phải nói rằng người dân rút BHXH 1 lần, là “hồi chuông” cảnh báo hệ thống an sinh xã hội đa tầng của chúng ta. Do đó số lượng tham gia vào là 1, còn xin rút ra là 0,7 - 0,8 thì nguy hiểm.
Mục tiêu quan trọng của sửa Luật BHXH lần này ngoài việc đa tầng, giảm thiểu, mở rộng đối tượng thì quan trọng là chúng ta phải làm sao “kiềm chế” đối tượng rút BHXH 1 lần. Chúng ta tuyên truyền vận động toàn dân tham gia BHXH mà lại để cho người dân rút như vậy. Tất nhiên là người lao động có khó khăn nhưng rõ ràng là hệ thống chính sách của ta “có vấn đề”. Bây giờ đưa ra phương án 1 là người tham gia từ ngày luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 trở về trước, tức là khoảng 16-17 triệu người thì cho rút như Nghị quyết 93 không chấp nhận điều 60 Luật BHXH. Còn phương án 2, người bắt đầu tham gia từ 1/7/2025 thì sẽ không được rút, và nếu rút thì chỉ được rút 50%. Điều này là nguy hiểm, lúc chưa có người nào thì hạn chế không được rút, còn đến khi có 17 triệu người tham gia vào rồi thì lại cho rút.
Cùng chính sách, cùng cơ chế, cùng đối tượng mà bao nhiêu người tham gia 20 - 30 năm thì cho rút, còn đối tượng mới tham gia thì không cho rút, còn rút thì được rút 50%. Rõ ràng phương án đó là không tuân thủ theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương.
Vậy theo ông cần xử lý vấn đề này như thế nào?
- Theo tôi phải đảo phương án 2, nghĩa là cho rút trong 3 trường hợp. Tức là giữ lại Điều 60 theo Luật BHXH năm 2014 để mục tiêu bao phủ toàn dân lực lượng lao động tham gia BHXH. Đó là điều rất quan trọng. Còn nếu phương án 2 cho rút thì chỉ cho rút 50% để giải quyết những khó khăn trước mắt. Còn giữ lại 50% để về sau có thể tiếp tục đóng.
Nghị quyết 28 của Trung ương đã chỉ ra như thế, bây giờ chúng ta cần soi vào để sửa luật. Sửa luật phải tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm an sinh xã hội. BHXH dựa trên quyền con người, theo điều 34 của Hiến pháp thì công dân Việt Nam có quyền được đảm bảo an sinh xã hội, có nghĩa người dân phải tham gia đóng góp để được hưởng.
Theo tôi, chúng ta phải tính toán rất kỹ. Nếu không nhiều người đang làm việc tại các doanh nghiệp sẽ xin rút. Lúc đó chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu bao phủ BHXH.
Vậy trong bối cảnh Luật BHXH sửa đổi chưa được ban hành thì hiện nay chúng ta cần giải pháp nào để xử lý việc gia tăng rút BHXH 1 lần, thưa ông?
- Vấn đề quan trọng là phải tuyên truyền cho người dân biết BHXH là của để dành. Bên cạnh đó, phải thêm các cơ chế chính sách bổ trợ cho người lao động khi khó khăn. Bây giờ đi làm khó khăn, không có việc làm, lương thấp, nếu người lao động bỏ về quê hết thì sẽ liên lụy cả người cho thuê nhà, dịch vụ xã hội. Và điều quan trọng nhất là người lao động khi không có tiền thì họ sẽ rút BHXH 1 lần. Cho nên bây giờ chúng ta cần tạo sinh kế cho người lao động như: Hỗ trợ nhà ở, tiền điện nước, để họ thêm gắn bó.
Mặt khác, có thể có chính sách hỗ trợ người lao động vay số vốn 50-100 triệu đồng, tức là bằng với số tiền rút BHXH. Cho họ vay với lãi suất thấp để giải quyết những khó khăn trước mắt, kéo dài thời gian cho vay để họ trả. Đây là chính sách chúng ta hoàn toàn có thể ban hành và làm được.
Nghiên cứu chính sách phải suy nghĩ tổng thể như vậy, đừng thấy người dân phản ánh mà mình cũng theo kiểu “domino”. Quan trọng việc người dân rút BHXH 1 lần là thể hiện việc người lao động không tin vào chủ trương, chính sách. Đây là trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước, trách nhiệm của Chính phủ, của các cơ quan trong quá trình sửa đổi luật. Chứ chúng ta đừng sửa luật theo kiểu chạy theo dư luận xã hội. Phải suy nghĩ rằng trong 7 năm qua có 4,3 triệu người rút BHXH thì bây giờ đã có 1,2 triệu người quay trở lại tham gia BHXH. Điều đó chứng tỏ rõ ràng người lao động đã nhận thức ra vấn đề rút BHXH là rất nguy hiểm. Bây giờ họ quay trở lại tham gia vào hệ thống vì thấy an sinh xã hội lâu dài là sống còn của người dân. Chúng ta phải lấy cái đó để tuyên truyền, giải thích cho người dân, cho người lao động để họ hiểu được và không rút BHXH 1 lần.
Trân trọng cảm ơn ông!
2 phương án hưởng BHXH 1 lần
Theo Tờ trình của Chính phủ về quy định hưởng BHXH 1 lần, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất 2 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 77, cụ thể như sau:
- Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH 1 lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:
+ Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.
Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH13 cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hoặc nhận BHXH 1 lần nếu có nhu cầu. Nhưng sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH 1 lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung. Trường hợp người lao động đã lựa chọn nhận BHXH 1 lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
+ Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH 1 lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
- Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Đại đoàn kết