MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

T.S Cấn Văn Lực: Kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt 1.610 điểm trong năm nay

T.S Cấn Văn Lực: Kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt 1.610 điểm trong năm nay

Với những tác động từ chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng, thị trường tài chính nói chung được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.

Sáng 25/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (chủ trì là Viện Đào tạo & Nghiên cứu) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đồng tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022".

Trong báo cáo, ADB và BIDV đưa ra các dữ liệu thống kê cho thấy TTCK Việt Nam đang chuyển biến mạnh mẽ về quy mô và tính thanh khoản năm 2021, với nhiều điểm nổi bật như:

T.S Cấn Văn Lực: Kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt 1.610 điểm trong năm nay - Ảnh 1.

(1) Các chỉ số đạt đỉnh mới và vượt xa mức tăng bình quân 5 năm. VN-Index lập đỉnh kỷ lục trên 1.500 điểm, cuối năm 2021 tăng 35,7% vượt trội so với mức tăng bình quân 5 năm gần nhất.

(2) Lợi nhuận toàn thị trường tăng vượt trội so với bình quân 5 năm. LNST của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường 4 quý gần nhất 2021 tăng 33,6% so với 2020.

T.S Cấn Văn Lực: Kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt 1.610 điểm trong năm nay - Ảnh 2.

(3) Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ghi nhận mức cao kỷ lục: vốn hóa đạt 7,7 triệu tỷ đồng (~343,6 tỷ USD), tăng 48,4% so với cuối năm 2020.

(4) Thanh khoản bùng nổ với giá trị giao dịch ký quỹ tăng mạnh. Tổng giá trị cho vay margin cuối 2021 ước đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng, tăng 80,4% so với 2020.

Đồng thời, các chuyên gia cũng chỉ ra những dấu hiệu chững lại của tăng trưởng trong quý 1/2022. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã gặp không ít những thách thức: chiến sự Nga-Ukraina phức tạp, kéo dài tác động tiêu cực tới giá cả; Chính phủ, Bộ tài chính, UBCKNN xử lý tình trạng thao túng giá cổ phiếu của lãnh đạo một số tập đoàn,…

Những sự kiện trên cho thấy rằng thị trường điều chỉnh về giá trị thực sau thời gian tăng nóng cũng là điều dễ hiểu. Quá trình thanh lọc được kỳ vọng về một thị trường minh bạch, chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới.

Những yếu tố hỗ trợ nào khiến VN-Index tăng lên 1.610 điểm trong năm nay

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu dự phóng 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán 2022.

Về điểm số VN-Index: Kịch bản 1: VN-Index có thể giảm nhẹ về mức 1.440 điểm (-4%, theo kịch bản tiêu cực); Kịch bản 2: VN-Index có thể tăng nhẹ lên 1.610 điểm (+8%, theo kịch bản tích cực).

Về thanh khoản bình quân 3 sàn: Kịch bản 1, thanh khoản giảm 20% đạt 932 tỷ USD/phiên; Kịch bản 2, thanh khoản giảm 5% đạt 1.107 tỷ USD/phiên.

Bước sang năm 2022, các chuyên gia đánh giá triển vọng về thị trường đi vào ổn định và lành mạnh hơn. Nhiều yếu tố thuận lợi cho sự tăng trưởng của thị trường cũng được đề cập đến.

Ở trong nước, kinh tế phục hồi (kịch bản cơ sở tăng trưởng 5,5-6%), lạm phát có tăng nhưng trong tầm kiểm soát khoảng 4%, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước và quốc tế, mặt bằng lãi suất được hỗ trợ duy trì ở mức thấp.

Ở bên ngoài, các quốc gia và khu vực là đối tác thương mại, đầu tư và du lịch chính được dự báo tiếp tục phục hồi, tạo điều kiện cho XNK, thu hút FDI, phục hồi du lịch..

Ngoài ra, dư địa phát triển của thị trường cổ phiếu còn lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Một điểm đáng chú ý tạo cơ hội cho thị trường chính là dòng vốn từ các NĐT nước ngoài được duy trì ở mức cao. Điều này thể hiện giá cổ phiếu của TTCK Việt Nam còn hấp dẫn khi áp lực rút vốn của khối ngoại không đáng kể.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi trên, BIDV và ADB cũng lưu ý các yếu tố rủi ro từ bên ngoài, nhất là tình hình lạm phát toàn cầu. Nhiều NHTW trên thế giới đang dần thắt chặt tài khoá, tiền tệ kiểm soát lạm phát. Vấn đề này sẽ tạo thêm áp lực khi lãi suất tăng, khối ngoại rút vốn và vấn đề tỷ giá.

Hơn thế nữa, việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, cầu về hàng nhập khẩu giảm tác động tiêu cực tới xuất khẩu nông sản nước ta. Không chỉ vậy, xung đột Nga-Ukraina và các đòn trừng phạt còn gây nên gián đoạn chuỗi cung ứng, gây nên bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.

Cùng với đó, Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dự báo sẽ tiếp tục phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn cùng với tăng cường quản lý, giám sát để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi trên, nhưng cũng có những bước điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới. Với những tác động từ chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng, thị trường tài chính nói chung được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV chia sẻ tại buổi hội thảo.

https://cafef.vn/ts-can-van-luc-kich-ban-tich-cuc-vn-index-co-the-dat-1610-diem-trong-nam-nay-20220525233046491.chn

Kiều My

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên