MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Cấn Văn Lực: “Sẽ cần từ 5 đến 10 nghìn tỷ đồng ngân sách để mua nợ xấu”

09-09-2016 - 17:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Vấn đề giải pháp nào cho nợ xấu đang gây tranh cãi bởi đề xuất bỏ thêm ngân sách để mua nợ xấu. Ước lượng con số ngân sách cần bỏ ra để xử lý nợ xấu nếu đề xuất được thông qua, TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Con số sẽ rơi vào khoảng 5.000 đến 10.000 tỷ đồng”.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Mới đây, trong hội thảo Hoàn thiện thể chế cho sự phát triển bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016-2020, vấn đề hành xử thế nào với nợ xấu được nhắc đến như một vấn đề cấp thiết.

Trình bày trong hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo Ngân hàng BIDV cho biết: Nếu không quyết tâm xử lý nợ xấu trong thời điểm hiện tại, thì nó sẽ như bãi rác đầu làng, cứ chình ình ở đó và gây ô nhiễm chung.

Theo ông Lực, không có quyết tâm chính trị thì không thể cải cách, đổi mới. "Chúng ta hô hào cải cách đổi mới mà không đổi mới tư duy, tư tưởng thì khó có thể làm được". Với vấn đề nợ xấu cũng cần một quyết tâm như vậy.

Theo ông Lực, thời gian vừa qua đã xuất hiện rất nhiều vấn đề mang tính chất rủi ro hệ thống, gây nguy cơ bất ổn cho ngành ngân hàng. Và điều này cực kỳ nguy hại.

Ông Lực đưa ra 9 vấn đề cần chú ý với ngân hàng trong thời gian hiện nay và sắp tới, trong đó nổi bật lên vấn đề cấu trúc ngân hàng, sở hữu và quản lý.

Theo thống kê, trong các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Việt Nam, vốn nhà nước chiếm bình quân 84,3%. Điều đó đặt ra vấn đề mối quan hệ sở hữu và quản lý với các ngân hàng hiện nay. Theo ông Lực, cần đặt câu hỏi vai trò của NHNN đến đâu, và nếu vốn nhà nước lớn thế thì nhà đầu tư nước ngoài nào dám vào góp cổ phần?

Đặt lại vấn đề về nợ xấu, ông Lực cho biết: Hiện nay chúng ta vẫn đang “bất công” khi đánh giá việc xử lý nợ xấu của ngân hàng chưa hiệu quả.

Theo đó, ông Lực chia sẻ: Hệ thống NHTM trong 4 năm vừa qua đã phải hy sinh rất nhiều. Ví dụ như NHTM phải tự xử lý 55% nợ xấu, còn 45% bán cho VAMC, vì thế mà lợi nhuận giảm mạnh. Và đến nay, 55% nợ xấu ở ngân hàng cũng đã được cơ bản xử lý.

Ông Lực cho biết, hiện có 3 nút thắt với nợ xấu cần được thống nhất để giải quyết: Một là có dùng thêm ngân sách để xử lý nợ xấu hay không? Hai là ai sẽ bù lỗ và chia lãi với VAMC khi mua nợ xấu về? Vấn đề này cần có cơ chế rõ ràng. Và ba là thị trường mua bán nợ. Ở đây nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Nói rõ hơn về việc dùng ngân sách xử lý nợ xấu, ông Lực cho biết con số cụ thể sẽ tùy vào khả năng cần đối ngân sách của chính phủ. “Và nó sẽ rơi vào khoảng 5.000 đến 10.000 tỷ đồng”. Số tiền này gấp 3 đến 5 lần số tiền 2.000 tỷ trước đây ngân sách đã từng bỏ ra để đầu tư cho VAMC mua nợ xấu.

Ông Lực phân tích: Số tiền trên sẽ chỉ là vốn mồi để VAMC mua nợ xấu với giá thị trường, sau đó quay vòng vốn. Nghĩa là khi đã bán được nợ xấu ra thị trường thì lại dùng tiền đó để mua nợ xấu vào.

"Cùng với đó, chúng ta có thể phát hành thêm trái phiếu nợ xấu để bán ra thị trường". Tuy nhiên, trái phiếu này không giống trái phiếu đặc biệt của VAMC hiện nay, mà nó sẽ được chính phủ bảo lãnh để tăng tính thanh khoản, ông Lực cho biết.

Đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tiếp tục dùng ngân sách để mua nợ xấu đang nhận được sự đồng thuận của đa số các chuyên gia Tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không đồng thuận, cho rằng như vậy là thiếu thực tế, không khả thi, đặc biệt trong hoàn cảnh thâm hụt ngân sách như hiện nay.

Chia sẻ về đề xuất trên, Giáo sư Cao Cự Bội, chuyên gia ngành ngân hàng - tài chính đặt câu hỏi: Tiền ngân sách lấy đâu ra để mua nợ xấu? Trong khi chúng ta đang thâm hụt, bội chi ngân sách nặng nề, khó khăn trong kinh phí đầu tư phát triển.

Cùng với đó, Giáo sư cũng nhận định: "Để phát hành 7.000, 8.000 tỷ ra nước ngoài cũng không phải là việc dễ. Vì thế, chúng ta phải xem lại nhiều luật, luật phải đi cùng thực tiễn mới giải quyết được vấn đề".

Theo Nguyễn Thoan

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên