MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Đào Ngọc Nghiêm chỉ thủ phạm gây 'thảm họa' giao thông ở Hà Nội

22-12-2016 - 14:12 PM | Xã hội

Trao đổi với chúng tôi, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng thành phố Hà Nội cho rằng, ở Hà Nội rất nhiều quy hoạch trùng lặp, chồng lấn lên nhau, thậm chí quy hoạch sau lại điều chỉnh quy hoạch trước mà vẫn tạo kẽ hở, gây cản trở phát triển

3 nguyên nhân gây tắc đường

Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch đô thị Hà Nội đang có nhiều tồn tại, bất cập?

Tồn tại rất rõ. Chúng ta có quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2025, sau đó có quy hoạch chung xây dựng đến 2030 tầm nhìn 2050. Nhưng các quy hoạch ngành như giao thông vận tải lại điều chỉnh lại cả hai cái trên. Quy hoạch vùng Thủ đô vừa phê duyệt lại điều chỉnh cả quy hoạch chung. Quy hoạch an toàn hành lang thoát lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình cũng điều chỉnh lại. Quy hoạch sau điều chỉnh quy hoạch trước, tạo ra một công cụ định hướng biến hóa mà không có bài bản.

Còn vấn đề nữa là chất lượng các đồ án quy hoạch, hệ thống quy hoạch. Ví dụ như quy hoạch phân khu, ôm huyện Đông Anh một tí nhưng lại lấn sang Gia Lâm một tí thì giáp ranh ai quản lý? Chẳng ai quản lý cả. Như sông Hồng chia ra giữa dòng sông, Long Biên quản lý giữa dòng sông hất sang tuyến Bắc, bên này thì Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng quản lý nên rất khó, xảy ra vi phạm không xử được.

Nghĩa là tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch còn nhiều lỗ hổng?

Trong tổ chức thực hiện, chính quyền phải công bố công khai, phải huy động nguồn lực, huy động vai trò của cộng đồng. Cái này rất đặc trưng, vì sau năm 2009, trong Hiến pháp, Luật Thủ đô đều quy định cộng đồng có trách nhiệm với quy hoạch. Thủ tướng còn quyết định giám sát cộng đồng trong quy hoạch, sau đó là phân cấp, phân công.

Công tác phân công, phân cấp, thì ai là người cuối cùng chịu trách nhiệm, không rõ ràng. Trong các luật, quy hoạch chung như thế, muốn điều chỉnh thì phải có ý kiến của Quốc hội. Thành phố Hà Nội có quyền điều chỉnh hay không? Trách nhiệm phải trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng. Xác định rõ vai trò rồi mới tổ chức giám sát thực hiện, chứ hiện nay chưa rõ ràng phân công, phân cấp. Hơn nữa, thiếu phối hợp, kết hợp giữa các quy hoạch với nhau.

Sử dụng đất nói một đường, quy hoạch giao thông lại nói một kiểu, quy hoạch trường học lại đưa ra khái niệm khác, quy hoạch các công trình văn hóa, tượng đài lại nói khác. Thiếu sự phối hợp, kết hợp, thiếu một đầu mối rà soát. Hiện nay, chỉ có Hà Nội và TPHCM có Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhưng sở chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc thành phố. Vậy thành phố đã phải là đầu não chưa, đủ năng lực chưa? Phải đặt vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo, đầu não để quyết định.

Có người nói, ùn tắc giao thông cản trở sự phát triển của Thủ đô. Vậy theo ông, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này là gì?

Tắc đường có 3 nguyên nhân. Một là thiếu cơ sở vật chất. Tỷ trọng đất giao thông mới gần 10% mà yêu cầu là 20%, đất đai dành cho giao thông tĩnh phải 3 - 4% nhưng chỉ có 0,3% thì làm sao được. Thứ hai là phương tiện giao thông. Trong đô thị lớn gần 10 triệu dân thì giao thông công cộng phải là chủ yếu.

Đến nay, mới đạt được hơn 10%, dự kiến đến 2030 mới đạt được 50% giao thông công cộng. 8 tuyến đường sắt giao thông đô thị đặt ra vấn đề 20 năm nay, nhưng tuyến khởi động sớm nhất là Hà Đông - Cát Linh vẫn chưa xong. Các tuyến khác bao giờ làm xong? Trong khi ở các nước, phương tiện công cộng là chủ yếu, họ không khuyến khích phương tiện giao thông cá nhân. Hà Nội đã đặt vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân rồi mà sao bây giờ lại rầm rộ xe máy, xe đạp điện…

Thứ ba là năng lực quản lý giao thông, trình độ năng lực quản lý có hạn. Một tuyến đường lúc dải phân cách cứng, lúc dải phân cách mềm. Trình độ tổ chức giao thông có vấn đề. Tôi xin nhắc lại ở đây quy hoạch phải là định hướng và là công cụ để quản lý. Quy hoạch không phải ý chí của ai đấy nên phải có tầm nhìn dài hơi. Khi đã được thể chế hóa bằng các quy chế, quy định thì mọi ngành, mọi cấp phải nghiêm túc thực hiện.

“Chung cư hóa” tuyến phố

Ông nghĩ sao khi nhiều khu vực, nhiều tuyến phố của Hà Nội đang bị “chung cư hóa”, gây sức ép lên hạ tầng làm cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng?

Đó cũng là một nguyên nhân nhưng không phải nguyên nhân chủ yếu. Đến bây giờ Hà Nội mới có khoảng trên 200 nhà cao tầng.

Trong Quy hoạch anh có khống chế không? Ví dụ Paris có một khu cũ giữ lại nhưng có một khu mới hiện đại hơn. Như Kuala Lumpur cũ, họ cho một loạt nhà cao tầng, tại sao không ách tắc? Bây giờ anh nào thành công cũng nói quy hoạch là bước đi đầu tiên, nhưng thất bại cũng đổ cho quy hoạch. Đó là một cái phễu hứng toàn bộ. Nói xây dựng chung cư cao tầng, gây thêm áp lực về hạ tầng giao thông thế có mở đường không?

Trong khi đó dự án xây nhà của các doanh nghiệp thì làm trước. Các khu đô thị mới phải có trường học, có chỗ đỗ xe nhưng anh có giám sát không? Họ cứ xây nhà trước bán lấy tiền, còn trường học xây sau.

Trong xây dựng chỉ có mỗi một câu: Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trước mới được bán. Nhưng các doanh nghiệp không thực hiện có bị xử lý không? Đến ở không có chỗ đi học, người mua nhà lại đưa con vào khu vực khác. Rồi chuyện chúng ta có 22 các bộ ngành, 6 bộ di dời rồi, có bộ nào trả lại đất để làm vườn hoa sân chơi, công trình công cộng không?

Theo Tú Anh - Trường Phong

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên