TS. Lê Đăng Doanh: Vụ livestream phim Cô Ba Sài Gòn cần được xử lý nghiêm vì đó là một điển hình về sở hữu trí tuệ trong CPTPP
Hành vi livestream khi chưa được phép không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, mà còn trái với những nội dung của các Hiệp định thương mại tư do mà Việt Nam tham gia, ông Doanh trả lời báo Trí thức trẻ bên lề hội thảo "Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư" diễn ra sáng 17/11.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm vụ việc livestream phim Cô Ba Sài Gòn. Việc này còn mang tính cảnh tỉnh, giúp mọi người rút ra bài học, tiến tới chấm dứt thói quen vi phạm bản quyền.
“Sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung rất quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP-11 (CPTTP), Hiệp định thương mại tư do Việt Nam – liên minh châu Âu (EVFTA). Nếu chúng ta không nghiêm túc thực hiện thì các nước sẽ không chấp nhận, thậm chí họ sẽ áp dụng những hình phạt rất mạnh” – ông Lê Đăng Doanh cảnh báo.
Về phía nhà sản xuất, việc Luật sở hữu trí tuệ không đươc thực hiện nghiêm khiến cho sức sáng tạo bị suy giảm. Động lực sáng tạo sẽ không còn khi tác phẩm vừa được đưa ra thị trường đã có các bản sao chép trái phép.
Theo ông Doanh, việc xâm phạm bản quyền cũng khiến Việt Nam chịu thiệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về đổi mới, sáng tạo. Nhưng khi những sản phẩm của sáng tạo không được tôn trọng, động lực sáng tạo bị triệt tiêu thì rất khó để Việt Nam vươn lên.
Điều 171 Bộ luật Hình sự (năm 1999, bổ sung năm 2009) nêu rõ, tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” sẽ bị xử phạt từ 50 triệu - 500 triệu đồng, cao nhất là 1 tỉ đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến phạt tù cao nhất 3 năm.
Điều 27 Nghị định 131/2013 ngày 16/10/2013 quy định mức phạt từ 15 đến 35 triệu đồng, đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình.
Trước đó, sáng 15/11, diễn viên Ngô Thanh Vân và đại diện công ty BHD - đơn vị phát hành bộ phim Cô Ba Sài Gòn đã có mặt tại Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để làm việc về sự việc livestream trái phép bộ phim Cô Ba Sài Gòn xảy ra trên địa bàn của tỉnh.
Các diễn viên và công ty BHD đánh giá đây là “sự việc nghiêm trọng”, “tác động tiêu cực trực tiếp đến những nhà làm phim Việt Nam”. Theo Ngô Thanh Vân, diễn viên và những nhà sản xuất phim khác đều muốn lên tiếng báo động mạnh mẽ để cơ quan chức năng có các biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan như hiện nay.
Hiện tại, toàn bộ hồ sơ vụ việc livestream phim Cô Ba Sài Gòn đã được chuyển đến Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Cơ quan công an đã tiếp nhận hồ sơ và vào cuộc, xác minh những thiệt hại của bộ phim, điều tra những đối tượng khác lợi dụng đối tượng livestream để câu like, câu view cho các fanpage khác.
Công an tỉnh cũng xác định đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mới và đa phần các bạn trẻ vẫn chưa nhận thức được hành vi sai trái này. Không chỉ hành vi này làm thiệt hại cho Nhà sản xuất bộ phim mà gây tác động xấu đến xã hội và cộng đồng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng công an tỉnh điều tra và ra những quyết định xử phạt nặng. Thay vì ý định ban đầu là bỏ qua sự việc khi đối tượng có nhận thức về hành vi của mình, chúng tôi sẽ nghiêm khắc với tất cả các hành vi xâm hại bản quyền điện ảnh đã và đang manh nha diễn ra” – diễn viên Ngô Thanh Vân viết trên trang cá nhân.