TS Lê Xuân Nghĩa: 4 "chốt chặn" để tránh hậu quả khôn lường khi tung gói hỗ trợ lãi suất như năm 2009
Dự kiến gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi 3-4%/năm sẽ được ngành ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế trong thời gian tới.
- 22-09-2021Cấp bù lãi suất có thể cứu DN khỏi cạn kiệt dòng tiền?
- 09-09-2021Cấp bù lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Tại buổi Đối thoại "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn đến phải đúng đích" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - Vneconomy tổ chức mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh nhận định, trong đợt dịch này, tổn thất về tài chính cho ngân sách cũng như ngân hàng là chưa từng có trong lịch sử, tổn thất vô cùng nặng nề.
Tại các nước, các gói tài trợ cho nền kinh tế của họ, cho dân của họ cũng chưa từng có. Ở Mỹ tài trợ lên tới 6.000 tỷ, GDP của Mỹ khoảng 10.000 tỷ. Nhật Bản tài trợ xấp xỉ 2.500 tỷ, GDP Nhật Bản 4.500 tỷ. Châu Âu, các nước Đông Nam Á cũng có các gói hỗ trợ rất lớn. Các chính phủ này thường có hỗ trợ trực tiếp bằng tiền thông qua việc hỗ trợ cho người lao động và DN bị mất việc làm.
"Chưa thấy có nước nào tài trợ qua ngân hàng. Nếu tài trợ qua ngân hàng thì phải tài trợ trực tiếp bằng việc cho vay mới. Những DN gặp khó khăn thì họ đã không đủ điều kiện để vay ngân hàng, đã có nợ xấu, không có tài sản đảm bảo. Nếu chúng ta chỉ hỗ trợ lãi suất thì không giải quyết được với họ, vì họ không được vay ngân hàng", ông Nghĩa cho biết.
Ở một số nước thành lập nhóm ngân hàng tài trợ trực tiếp cho các DN bằng cách cho vay tín chấp, có thể có bảo lãnh hoặc không. Tạo ra một luồng tín dụng mới cho những DN không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Nhưng tại một số như Mỹ và Châu Âu áp dụng cách này cũng rất hạn chế. Cách phổ biến nhất các nước thực hiện để giảm lãi suất cho các DN là dùng công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. Tức là tăng khung tiền lên, hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương xuống thấp. Dựa vào lãi suất điều hành đó, các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất cho vay. Cách làm này đại trà cho tất cả các DN.
Việt Nam đã từng làm gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 và tài trợ tương đối mạnh tay vì suy giảm rất mạnh sau khủng hoảng 2008. Mức tài trợ khi đó khoảng 4-5% lãi suất. Riêng gói tài trợ lãi suất lên tới khoảng 19.000 tỷ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, một số chốt về vĩ mô không kiểm soát được dẫn đến không hiệu quả. Do đó, ông Nghĩa cho răng, hiện tại nếu làm gói hỗ trợ lãi suất thì cần phải tránh được những rủi ro này.
Cụ thể, giai đoạn 10 năm trước, tăng trưởng tín dụng được nới lỏng quá mức. Năm 2009, tăng trưởng tín dụng lên tới 37,3%; năm tiếp theo là 27,65%. Dẫn đến lạm phát CPI, năm 2009 mới ở mức 6,88%; năm 2010 lên tới 9,19%; đặc biệt năm 2011 lên tới 18,58%. GDP tăng không nhiều, năm 2009 là 5,32%; năm 2010 tăng lên 6,78%; sau đó đến năm 2011 lại giảm xuống 5,89%. Tăng trưởng kinh tế bị lạm phát làm xói mòn. Do đó, lần này chúng ta làm phải sao giữ được chốt thứ nhất là tăng trưởng hợp lý, không để bị đẩy lên quá cao.
Thứ hai là không để lạm phát lên mức cao, xác định mức nào chúng ta có thể chấp nhận được. Chẳng hạn, hàng năm, Quốc hội "kìm cương" lạm phát dưới 4%. Vậy nếu thực hiện gói này, có thể chấp nhận mức 5% hay không?
Thứ ba là tỷ giá hối đoái. Nếu thực hiện gói này thì lãi suất sẽ giảm và tỷ giá hối đoái sẽ tăng. Dẫn đến chuyện rắc rối với Mỹ là thâm hụt tiền tệ.
Thứ tư là về vi mô, năm 2009 để lại nhiều hậu quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng. Phần lớn các ngân hàng sau này mua 0 đồng và sáp nhập là đều bị từ thời điểm đó. Đây là chốt vi mô phải quan tâm là chấp nhận nợ xấu ở mức độ nào và làm thế nào để ổn định được thanh khoản của hệ thống.
Vị chuyên gia cho rằng nên ủng hộ gói hỗ trợ lãi suất, nhưng cách làm phải thông minh, phải làm 2 cách cùng lúc. Trong đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất chung cho tất cả, mặt bằng lãi suất chỉ cần 1%. Cùng với gói này nữa khoảng 2-3%. Tạo ra xung lực tổng cộng 4%. Phải có những biện pháp vĩ mô của Ngân hàng Trung ương cùng với biện pháp hỗ trợ từ ngân sách để tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất rõ rệt với DN. Pha trộn gói hỗ trợ lãi suất này với gói giãn hoãn của ngân hàng nhà nước đang thực hiện cần phải có những chế độ hạch toán, kế toán rõ ràng, minh bạch.
Liên quan đến giải pháp cấp bù lãi suất này, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng quy mô này quá nhỏ để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét. Theo ông, quy mô hỗ trợ phải đủ rộng và đủ lớn, "đừng như muối bỏ biển". Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này. Ngoài ra, cũng cần tính toán kéo dài gói hỗ trợ này trong vòng bao lâu, để sau khi kết thúc thì "giải tán" quy chế này. Ngân sách và các ngân hàng thương mại cũng phải thanh toán sòng phẳng, thay vì trừ vào thuế doanh nghiệp.