MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra yếu tố then chốt giúp thị trường chứng khoán tiếp tục "đứng vững" trong thời gian tới

TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra yếu tố then chốt giúp thị trường chứng khoán tiếp tục "đứng vững" trong thời gian tới

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đối diện nhiều khó khăn, xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là vấn đề được quan tâm.

Nền kinh tế toàn cầu đối diện nhiều thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều ngày 8/8, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng ADB cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ khá ổn định, Fed sẽ khó giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay và năm 2024.

Ngược lại, nền kinh tế Châu Âu đang có dấu hiệu suy thoái, đặc biệt là Trung Quốc cũng không hồi phục như kỳ vọng sau khi mở cửa “hậu Covid-19”. Điều này khiến Trung Quốc đã phải chuyển hướng sang chính sách tiền tệ mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một “vòng xoáy” nữa mới xuất hiện là đang có sự cạnh tranh chiến lược trong mảng công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang siết nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành bán dẫn trên toàn cầu và Mỹ, Châu Âu cũng muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất điện tử, chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu có thể sẽ có biến động. Điều này sẽ tác động đến Việt Nam, vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu.

Nhìn chung, vị chuyên gia cho rằng trong môi trường kinh tế quốc tế đang gặp nhiều thách thức, chúng ta phải dựa vào nội lực của chính mình.

Tỷ giá và nền kinh tế ổn định là lý do giúp TTCK tiếp tục "đứng vững"

Phân tích rõ hơn về nền kinh tế, T.S Lê Xuân Nghĩa cho rằng lạm phát toàn cầu và đồng USD đang có xu hướng đi xuống, song vẫn có nhiều dự báo trái chiều về nền kinh tế. Năm 2022, sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa đóng góp lớn trong công cuộc chống lạm phát của Việt Nam. Trong năm nay, vị chuyên gia nhìn nhận hai chính sách này vẫn cần kết hợp dưới sự điều phối của Chính phủ.

Dù vậy, vị chuyên gia kinh tế cho rằng rủi ro lớn nhất với Việt Nam đó là lãi suất cho vay vẫn ở mức cao bất chấp nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành của NHNN. “Lãi suất thực hiện vẫn ở mức 10%, không có nước nào trên thế giới có lãi suất thực cao như vậy”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Nguyên nhân khiến lãi suất thực duy trì mức cao là do NHNN vẫn đang lo ngại biến động tỷ giá hối đoái. Theo chuyên gia, có ba yếu tố cho thấy USD khó "nóng" trở lại và NHNN vẫn còn dư địa giảm lãi suất.

Thứ nhất, chỉ số USD index sẽ tiếp tục giảm trong xu hướng thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện tại.  Thứ hai, giá hàng hóa nhiên liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng, đặc biệt là giá nguyên liệu gây áp lực lên tỷ giá, song yếu tố này không quá lo ngại khi Bộ Tài chính đã có phương án xử lý.  Thứ ba, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam không thâm hụt, thặng dư vẫn khá lớn.

“Tỷ giá và kinh tế vĩ mô năm tới dự báo duy trì ổn định, đây là điều kiện cho thị trường chứng khoán đứng vững hoặc phục hồi nhẹ trong thời gian tới”, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá.

Dư địa để NHNN giảm lãi suất vẫn còn

Bên cạnh yếu tố tỷ giá ổn định, chỉ số ngành sản xuất PMI toàn cầu cũng đang có xu hướng phục hồi sau thời gian giảm sút liên tục từ cuối năm 2022. Điều này cho thấy nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn cuối của đáy phục hồi và sẽ cải thiện đáng kể từ quý 4 trở đi. Kinh tế Việt Nam đang đi theo đáy chữ U và khả năng nền kinh tế phục hồi rõ nét hơn vào năm 2024.

Về khả năng hạ lãi suất, ông Nghĩa cho rằng còn phụ thuộc vào xu hướng lãi suất của NHTW trên thế giới. Theo đó, Mỹ cuối năm có thể bắt đầu dừng tăng lãi suất, Châu Âu cũng sẽ giảm nhiệt tăng lãi suất do lạm phát hạ nhanh hơn dự báo. “Đây là cơ hội để NHNN tiếp tục mạnh tay giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, vị TS nhận định.

Mai Chi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên