Thị trường chứng khoán tăng nóng, cơ hội nào cho nhà đầu tư lỡ "sóng"?
Ngân hàng được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn nhất vào đà tăng giá của thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, khi vốn tín dụng được giải ngân nhanh hơn sau khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt.
- 08-08-2023Cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo đồng loạt bứt phá mạnh, có mã tăng gần 90% sau 4 tháng
- 08-08-2023BSC điểm tên 4 nhóm ngành tiếp tục hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ
- 08-08-2023Phiên 8/8: Khối ngoại bất ngờ chi gần 900 tỷ đồng mua một cổ phiếu ngân hàng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8-8, VN-Index tiếp tục leo lên mốc cao mới khi đạt 1.242,23 điểm, tăng 0,81 điểm so với phiên trước. Đây cũng là mốc cao nhất của thị trường chứng khoán kể từ tháng 9-2022 đến nay. Thanh khoản của sàn HoSE đạt 23.153 tỉ đồng, dòng tiền tiếp tục lan tỏa với 242 mã tăng giá và 238 mã giảm giá.
Chỉ trong hơn 2 tháng qua, VN-Index đã tăng khoảng 15%, nhiều cổ phiếu tăng tới 100%... Trong bối cảnh này, nhiều nhà đầu tư băn khoăn còn cơ hội mua vào cổ phiếu?
Báo cáo chiến lược thị trường tháng 8-2023 của Công ty Chứng khoán Maybank cho rằng rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường rất có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy thêm cổ phiếu đầu tư dài hạn.
Ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích chiến lược của Maybank, cho rằng việc giảm lãi suất đang cải thiện tâm lý thị trường và thu hút các nhà đầu tư mới. Chỉ số VN-Index tăng 9,2% trong tháng 7-2023, đánh dấu tháng tăng thứ 3 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ cuối năm 2021. Định giá thị trường (P/E) đã phục hồi hơn 50%, trở lại mức trung bình 5 năm là 14,9 lần từ mức thấp nhất trong một thập kỷ - dưới 10 lần vào cuối năm ngoái.
"Rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn là có, nhà đầu tư dài hạn có thể chờ điều chỉnh để tích lũy thêm cổ phiếu" - ông Hoàng Huy nhận xét.
Thị trường chứng khoán tiếp tục đóng cửa phiên giao dịch trong sắc xanh
Về những cổ phiếu được khuyến nghị giao dịch ngắn hạn trong tháng 8, các chuyên gia Maybank đề xuất danh mục các mã PNJ, DGW, LTG, TCB, STB. Cụ thể, PNJ (Công ty CP Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận) được ưa thích do vị thế dẫn đầu thị trường của công ty cùng với định giá hấp dẫn; DGW (Công ty CP Thế giới số) được chú ý nhờ khả năng phục hồi lợi nhuận trong bối cảnh cuộc chiến giá cả giữa các doanh nghiệp bán lẻ lĩnh vực công nghệ thông tin; LTG (Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời) nhiều triển vọng trong bối cảnh nỗ lực toàn cầu của các chính phủ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Trong số các ngân hàng, ông Hoàng Huy cho rằng nên tiếp tục chú ý Techcombank (mã TCB) và Sacombank (mã STB) vì chuyện xoay chuyển tình thế của doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Báo Người Lao Động, ông Võ Kim Phụng, Phó trưởng Phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán BETA, nhìn nhận nếu chỉ nhìn đồ thị kỹ thuật của chỉ số VN-Index theo ngày thì nhà đầu tư sẽ khó dám "xuống tiền" mua cổ phiếu thời điểm này. Nhưng nếu nhìn đồ thị theo tuần hoặc dài hơn, thị trường vẫn còn cơ hội khi dòng tiền những ngày qua có sự luân chuyển giữa các nhóm, ngành cổ phiếu. Tiêu biểu nhất là vài ngày nay, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và dòng ngân hàng.
Dự báo thị trường chứng khoán từ nay tới cuối năm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.100 - 1.350 ở giai đoạn cuối năm. Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó phòng Phân tích Rồng Việt, dự báo thị trường dựa trên kỳ vọng tiền gửi nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán từ nay tới cuối năm có thể đạt khoảng 75.000 - 80.000 tỉ đồng, tăng 10.000 - 20.000 tỉ đồng so với cuối quý II. Từ đó, thanh khoản bình quân phiên dự báo dao động trong khoảng 18.000 - 20.000 tỉ đồng vào giai đoạn nửa cuối năm.
"Ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục là ngành có đóng góp lớn nhất không chỉ do vai trò quan trọng về vốn hóa thị trường mà còn do vốn tín dụng sẽ bắt đầu được giải ngân nhanh hơn sau khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt đáng kể, định giá hiện tại vẫn đang thấp hơn mức trung bình 3 năm qua" - ông Đỗ Thanh Tùng phân tích.
Người Lao động