MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Xuân Nghĩa: Khả năng chống đỡ rủi ro của các ngân hàng Việt Nam đang rất thấp

23-05-2017 - 20:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chỉ cần một cú sốc tài chính từ bên ngoài hoặc từ thị trường tài sản (thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán) sẽ có tác động rất xấu đến toàn bộ hệ thống tài chính và nền kinh tế mà phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
94 bài viết

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng đang là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại và VAMC thì tổng số nợ xấu chưa được xử lý vào khoảng 450 đến 500 nghàn tỷ đồng, tương đương với khoảng 20 đến 25 tỷ đô la.

"Điều đáng quan ngại là số nợ xấu này tập trung vào một số ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu, với nguồn vốn bổ sung rất hạn chế. Mặc dù Chính phủ đã có đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD từ năm 2011, nhưng kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn. Chủ yếu là do nguồn lực tài chính hạn hẹp, không có nguồn lực tài chính tập trung đủ lớn để giải quyết nhanh nợ xấu. Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, về cơ bản, việc xử lý nợ xấu cho đến nay dựa chủ yếu vào nguồn lực tài chính của hệ thống ngân hàng mà chủ yếu là thu hồi nợ, phát mại tài sản bảo đảm hoặc sử dụng dự phòng rủi ro được trích lập từ kết quả kinh doanh của chính các ngân hàng thương mại.

Cho đến nay, các ngân hàng thương mại đã tự xử lý được khoảng 250 nghàn tỷ nợ xấu. Đây là những lỗ lực to lớn rất đáng ghi nhận của hệ thống ngân hàng, tuy nhiên điều này cũng khiến cho nền tảng tài chính của họ bị suy giảm nghiêm trọng. Khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại chỉ còn một nửa so với cách đây 10 năm và thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, một số ngân hàng thương mại bị âm vốn tự có.

"Điều này cho thấy khả năng chống đỡ rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam đang rất thấp và chỉ cần một cú sốc tài chính từ bên ngoài hoặc từ thị trường tài sản (thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán) sẽ có tác động rất xấu đến toàn bộ hệ thống tài chính và nền kinh tế mà phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được. Trong bối cảnh quốc tế hiện tại sự bất ổn của thị trường tài chính có thể diễn ra bất cứ lúc nào và với quy mô ngày càng lớn", chuyên gia đánh giá.

Cần có hành lang pháp lý riêng để xử lý nợ xấu

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm việc xử lý nợ xấu quy mô lớn trong mọi trường hợp theo kinh nghiệm quốc tế đều cần có hành lang pháp lý riêng, ví dụ như Hàn Quốc và Thái Lan năm 1997 mặc dù có sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính rất lớn từ IMF khoảng 50 đến 70 tỷ đô la cũng phải có một hành lang pháp lý đặc biệt. Ví dụ các quy định quốc hữu hoá các ngân hàng tư nhân để tái cấu trúc và sau đó lại tư nhân hoá hoặc các quy định về quyền lực mua và bán nợ, quyền thu hồi tài sản đảm bảo để phát mại của các ngân hàng thương mại.

Ở Việt Nam, nếu không có nguồn lực tài chính tập trung mà dựa vào năng lực tự tái cấu trúc của các ngân hàng thương mại thì càng đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn nữa. Vì bản thân các ngân hàng thương mại không đủ quyền lực, quyền chủ nợ để thu hồi nợ, thu hồi tài sản đảm bảo hoặc mua bán nợ theo nguyên tắc thị trường mà không xung đột với các đạo luật có liên quan khác.

Cho đến nay việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại và tại VAMC cần phải vượt qua những rào cản pháp lý, ví dụ như việc thu hồi tài sản bảo đảm, việc phát mại tài sản, việc thi hành án, việc tìm kiếm các nhà đầu tư mới để bổ sung vốn tự có, việc hạch toán ngoại bảng, việc xoá nợ bằng dự phòng rủi ro…vv. Những trở ngại pháp lý này đang khiến cho quá trình xử lý nợ xấu diễn ra chậm chạp, không hiệu quả, thậm chí làm lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng tài chính, khả năng mở rộng tín dụng và sức chống đỡ rủi ro của các ngân hàng thương mại, đông thời cũng ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất, giảm chi phí đầu tư tài chính và khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Nghĩa chỉ ra trong một vài năm tới, nhiều khoản nợ xấu từ VAMC lại được trả về cho các ngân hàng thương mại trong khi các ngân hàng này hiện tại đang chật vật để xử lý các khoản nợ xấu chưa bán cho VMC thì những khó khăn về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc của các ngân hàng này sẽ tăng lên gấp bội. Điều đó có thể làm ảnh nghiêm trọng đến an toàn tài chính của cả hệ thống ngân hàng.

"Vì vậy, hơn lúc nào hết các cơ quan quyền lực nhà nước cần phải có quyết tâm chính trị đủ mạnh để vượt qua tư duy làm luật kiểu cũ, xây dựng nhanh một hành lang pháp lý riêng làm nền tảng cho các ngân hàng thương mại thực hiện thành công tiến trình xử lý nợ xấu như đã được đề ra trong đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD của Chính phủ. Đây cũng là giải pháp duy nhất để đảm bảo cho việc ổn định vững chắc toàn bộ khu vực tài chính và góp phần quyết định vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong những năm tới", vị chuyên gia nhận định.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên