MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất tiết kiệm tăng chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi đỡ thiệt thòi

11-06-2024 - 13:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm ngày càng lan rộng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất tiết kiệm trong hơn 2 tháng vừa qua chỉ ở "mức độ vừa phải".

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
93 bài viết

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu manh nha kể từ nửa sau tháng 3/2023, sau gần một năm giảm liên tục. 

Ở thời điểm cuối tháng 3, lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại ghi nhận ở 4,63%/năm. Đến tháng 4, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu gia tăng mạnh khi có tới 16 ngân hàng thương mại thông báo tăng lãi suất tiền tiết kiệm. Số ngân hàng thông báo giảm lãi suất cùng giai đoạn chỉ là 12 nhà băng. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã công bố tăng lãi suất tới 2 lần chỉ trong một tháng qua. Ở kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất cao nhất tại một số ngân hàng đã được điều chỉnh tăng lên tới 5,4%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất 6%/năm dành cho hình thức gửi tiết kiệm thông thường vẫn vắng bóng thị trường.

Đến tháng 5, số lượng ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm lên tới hơn 20 nhà băng. Đáng chú ý, xuất hiện 2 ngân hàng còn tăng lãi suất 4 lần chỉ trong vòng 1 tháng. Lãi suất tiết kiệm 6%/năm cũng đã quay trở lại thị trường khi OceanBank điều chỉnh niêm yết mức lãi suất này cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

 Bước sang tháng 6, chỉ trong vòng 11 ngày đầu tiên, số lượng ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng lên gần 15 nhà băng. Biên độ tăng lãi suất cũng kéo dãn mạnh khi ghi nhận có ngân hàng điều chỉnh tăng tới 1,6%/năm như ABBank. Nhiều ngân hàng hiện đang trả mức lãi suất tiết kiệm trên 6%/năm.

TS Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất tiết kiệm tăng chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi đỡ thiệt thòi- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Lãi suất tiết kiệm đảo chiều tăng nhanh trong vòng hơn 2 tháng qua khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về khả năng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ xoay chiều.

Theo phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến lãi suất tăng đến từ 3 yếu tố: lạm phát, tỷ giá, giá vàng. Song vị chuyên gia này lại cho rằng, mức tăng lãi suất huy động 2 tháng qua chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng. Thế nên, vị chuyên gia này nhận định, lãi suất cho vay sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp và lãi suất tiết kiệm sẽ điều chỉnh tăng nhẹ.

Nhận định về tình trạng lãi suất tiết kiệm đảo chiều tăng, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng trước đó vào năm 2023, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh do các yếu tố như sản xuất kinh doanh, xuất khẩu đều gặp khó, bất động sản suy thoái nên nhu cầu vay vốn rất thấp. Trong bối cảnh này, những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản khát vốn, có nhu cầu vay vốn thì không đủ tiêu chuẩn để ngân hàng cho vay. Ngược lại, những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, Ngân hàng muốn tiếp cận cho vay thì họ lại thận trọng bởi sản xuất kinh doanh còn gặp khó. Do đó, từ khóa của ngành ngân hàng trong năm 2023 là "thừa tiền" và để điều tiết góp phần tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã chạy đua hạ lãi suất tiền gửi.

Trong năm 2024, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu làm ăn của người dân tăng cao. Trong khi đó, thực trạng tiền gửi tiết kiệm chảy vào hệ thống ngân hàng chững lại trong khi dư nợ tín dụng tại một số nhà băng dần sôi động trở lại. Ông Hiển cũng dẫn ra số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 25/3/2024, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi tín dụng nền kinh tế tăng gần 1,4% trong cùng mốc thời gian.

Theo ông Hiển, do đó từ đầu tháng 5/2024 có thể thấy xu hướng nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Ngoài ra, trong năm 2024, có một số yếu tố cũng gây bất lợi cho lãi suất bao gồm: lạm phát tăng cao hơn năm 2023, dự kiến khoảng 3,4%; tỷ giá neo cao; giá vàng tăng mạnh...

"Tuy nhiên với chính sách kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là không cho phép các ngân hàng thương mại cho vay dưới chuẩn, tăng lãi suất cao để huy động vốn do nguồn thu nợ gặp khó, thì lãi suất có tăng cũng sẽ không tăng quá 1% so với năm 2023", ông Hiển nhấn mạnh. 

Đức Anh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên