TS. Lương Hoài Nam: 22 sân bay Việt Nam công suất chỉ bằng 1 sân bay Thái Lan hay của Malaysia!
"Hạ tầng sân bay trở thành nút thắt là điều đương nhiên", ông Lương Hoài Nam nói, dù rằng ông cho biết không muốn thừa nhận hàng không là điểm nghẽn của du lịch.
- 09-12-2019Phó Cục trưởng cục Hàng không: Nhà nước cho 30 tỷ/năm, nhưng cục không có công chức để thực hiện giám sát bay!
- 07-12-2019Cà phê cuối tuần: Hàng không Việt Nam và bài học đắt giá nhìn từ Thái Lan
- 01-12-2019Forbes: Du lịch và đầu tư đang tạo bệ phóng cho ngành hàng không Việt Nam phát triển mạnh
- 27-11-2019Gỡ nút thắt vốn cho hạ tầng hàng không
Chia sẻ tại chuyên đề: "Việt Nam làm gì để phát triển hàng không – chắp cánh cho du lịch", trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về du lịch sáng 9/12, TS. Lương Hoài Nam cho biết: "Cực chẳng đã mới phải nhận diện, nói ra hạ tầng sây bay là điểm nghẽn cho tăng trưởng du lịch". Vì theo ông, nếu nói như vậy, có thể nhiều người sẽ nhìn nhận ngành du lịch đang tìm đối tượng để đổ lỗi.
Tuy nhiên, đây là sự thật, theo ông Nam. "Chúng ta có 22 sân bay, tổng công suất hơn 90 triệu lượt/năm, chỉ bằng sân bay Changi của Singapore hay bằng một sân bay mới xây ở Bangkok hay Malaysia. Nó không là nút thắt thế nào được", ông nói.
Để giải quyết điểm nghẽn này, ông Nam cho rằng cần phải có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hoá đầu tư hạ tầng sân bay trong nước. Tức cần biến lời nói thành hành động thực tế.
"Vấn đề xã hội hoá chúng ta nói 10 năm nay rồi, nhưng chuyển hoá thành dự án thì không được nhiều", ông nói.
Lấy ví dụ, ông Lương Hoài Nam cho biết nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất sau 4 – 5 năm loay hoay nay đã giao cho ACV – DNNN thực hiện. Hay siêu dự án sân bay quốc tế Long Thành cũng đề xuất để DNNN làm.
"Long Thành trước đó có chủ trương xã hội hoá, nhưng cuối cùng vẫn là DNNN. Cá nhân tôi không nhìn thấy sự xuyên suốt trong chính sách xã hội hoá", ông nhấn mạnh.
Theo ông, các dự án, ví dụ như nhà ga T3, nếu giao cho tư nhân làm thì đã có thể đi vào vận hành từ lâu, thay vì "4-5 năm nay vẫn chưa động thổ".
"Chúng ta cứ loay hoay, vẫn là ưu tiên cho nhà nước đầu tư. Rồi ý kiến của tư nhân vào cái này nhiều, cũng làm chậm quá trình. Phải nói thẳng ra như thế mới tháo gỡ được".
Bên cạnh đó, theo ông, trong thời gian tới, để giải cứu cho sân bay Tân Sơn Nhất, cần phải sớm tiến hành xây dựng nhà ga T3 và làm đúng theo tư vấn của đơn vị tư vấn ADPi của Pháp.
"Chúng ta phải bám vào đề xuất của bên tư vấn đã thuê, khiến cho Tân Sơn Nhất có nhà ga đi được với tương lai, để cho thế hệ con cháu nhìn vào không nói là sao cha, chú xây nhà ga kỳ cục thế", ông Nam nói.