MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đình Cung mổ xẻ nguyên nhân cốt lõi dẫn tới cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trục trặc

Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) cần lập phương án phát triển trên cơ sở định vị bản thân trước khi chọn nhà đầu tư. Nếu không, thương hiệu và lịch sử sẽ chẳng có giá trị nhiều trong việc bàn thảo những vấn đề tương lai.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng VFS và những doanh nghiệp trước cổ phần hóa phải chuẩn bị những bước căn bản. Đó là đưa ra một định hướng phát triển trên cơ sở định vị bản thân. Trong đó, liệt kê những nhà đầu tư phù hợp, giá trị nhà đầu tư mang đến, giá trị ấy phù hợp với doanh nghiệp như thế nào.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Mọi người cứ nói phải thế này, thế khác nhưng phương án phát triển hãng phim là cái gì? Không biết ai có thông tin về điều đó không chưa, còn tôi thì không có. Nhưng đấy lại là cái đầu tiên. Mình muốn mình phát triển cái gì và mình muốn người ta đem đến cho mình cái gì... thì không thấy thảo luận. Rõ ràng là thiếu đi những chuẩn bị căn bản của quá trình cổ phần hóa. Bây giờ cứ nói tôi có thương hiệu này, lịch sử kia thì không có giá trị nhiều lắm trong việc bàn về tương lai, khi phát triển hãng phim” – ông Nguyễn Đình Cung nói.

Đối với nhà đầu tư chiến lược, Viện trưởng CIEM khẳng định, nếu chỉ quan tâm đến đất đai thì không được coi là nhà đầu tư chiến lược. Thay vào đó, họ phải quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp. Đất là một tài sản có thể bán minh bạch, hơn là cổ phần hóa nhưng quan tâm chủ yếu đến đất.

Đối với nhà nước, có 3 mục tiêu cần được tính toán cụ thể, lên phương án và lựa chọn. TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng CIEM cũng cho rằng đây là 3 vấn đề cơ bản của thoái vốn, cổ phần hóa, xác định nhà đầu tư chiến lược.

“3 mục tiêu mà Nhà nước phải lựa chọn: Thứ nhất, tiền, bán tài sản ấy để lấy tiền làm việc khác; Thứ hai, dùng tiền cổ phần hóa để phát triển doanh nghiệp theo chương trình, chiến lược, ngành nghề vốn có; Thứ ba, phát triển ngành đó nhưng xây một cái mới bằng tiền bán cái đang có” - TS. Võ Trí Thành chia sẻ.

Trước phản ứng của các nghệ sĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã đề nghị dừng việc tổ chức bán đấu giá tài sản của VFS trong quá trình thanh tra. Văn bản số 4654 ngày 30/10/2017 cho biết, Bộ VHTTDL đã đề nghị Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tiếp tục quản lý bảo quản tài sản bàn giao theo đúng quy định hiện hành.

Đây là diễn biến mới nhất sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị thanh tra lại quá trình cổ phần hóa VFS. Trong suốt thời gian vừa qua, các nghệ sĩ và ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ Tịch Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) - nhà đầu tư chiến lược, chủ mới của VFS đã có những phát ngôn qua lại, làm nóng tình hình.

Vụ việc tại VFS là một bài học đối với việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong ngắn hạn, để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa hóa cần phải nhìn lại và làm tốt những bước chuẩn bị cơ bản. TS. Võ Trí Thành đặc biệt nhấn mạnh đến tính hiệu quả trong việc xác định ý nghĩa nhà đầu tư chiến lược.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên