TS Nguyễn Đình Cung: “Nước thải cũng là nguồn tài nguyên, đây là cơ hội kinh doanh rất lớn”
Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra nhận định trên sau bài phát biểu về thoát và xử lý nước thải trong hội thảo về cung ứng dịch vụ công ích do chính CIEM tổ chức.
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Trong bài tham luận của mình, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đưa ra một số khái quát về tình hình đô thị ở Việt Nam với tỷ lệ đô thị hóa lên đến 36,6%, đến năm 2025, dân số đô thị vào khoảng 52 triệu người trong khi đó thực trạng về thoát nước và xử lý nước thải hiện nay còn nhiều bất cập.
Tổng công suất xử lý nước thải mới chỉ đạt mức 890.000 m3/ngày, tỷ lệ xử lý đạt khoảng 12-13%, nước thải hầu như chưa được xử lý mà xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Tỷ lệ trạm xử lý nước thải cũng như việc đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn rất thấp.
Bên cạnh đó hệ thống thoát nước ở Việt Nam hiện nay chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, khả năng tiêu thoát nước thấp dẫn đến tình trạng ngập lụt xảy ra thường xuyên tại TP.HCM, Hà Nội,…Cùng với sự phát triển không ngừng của các khu công nghiệp như hiện nay thì đây thực sự là một bài toán khó với các nhà quản lý trong khi ngân sách ngày càng eo hẹp.
Ông cũng đưa ra định hướng và mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới, phấn đấu đến năm 2020 đưa con số tổng lượng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn lên mức 15-20%, mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị lên 70% và giảm 50% tình trạng ngập úng tại các đô thị loại II trở lên.
Trong đó, ông Tiến cũng nhấn mạnh về việc tận dụng nguồn nước mưa như một tài nguyên thiên nhiên bằng khuyến khích việc thu gom, xử lý, tái sử dụng nước mưa phục vụ các hoạt động sinh hoạt, tưới cây, rửa đường,.. góp phần tiết kiệm tài nguyên nước, giảm thiểu việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt, hạn chế chi phí và giảm thiểu tình trạng ngập lụt trong mùa mưa bão.
Bên cạnh việc nhấn mạnh sử dụng nước mưa như một nguồn tài nguyên, ông cũng đưa ra những điểm mới trong Nghị định 80, đổi mới căn bản về giá dịch vụ thoát nước khác với phí thoát nước trong Nghị định 88. Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp chia sẻ với nhau về giá, giá dịch vụ này được xây dựng dựa trên các chi phí dịch vụ gắn với chất lượng cung cấp dịch vụ không phân biệt đối tượng cung cấp dịch vụ.
Nhiều địa phương đang triển khai xây dựng giá dịch vụ cho mình, Bộ Xây dựng ban hành thông tư 02 hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ về thoát nước và xử lý nước thải. Ông Tiến đưa ra điển hình như ở Bình Dương, sau khi tính đúng tính đủ thì giá dịch vụ thoát và xử lý nước thải ở mức 5.000 đồng/m3. Tuy nhiên việc tính đúng, tính đủ mức giá và xây dựng kế hoạch thu là rất khó khăn.
Ngoài ra, ông Tiến cũng đưa ra quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được quy định tại Nghị định 154/2016. Theo đó, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đối với một số trường hợp cần thiết mức thu cao hơn được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo tình hình thực tế tại địa phương.
Ông khẳng định không có sự trùng lặp trong giá dịch vụ xử lý nước thải và phí bảo vệ môi trường như một vài nhận định gần đây, người dân chỉ trả một trong hai. Đối với người kết nối với hệ thống xử lý nước thải chỉ phải trả theo giá dịch vụ xử lý nước thải, đối với cá nhân không kết nối với hệ thống xử lý nước thải sẽ phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Phát biểu tóm tắt về bài tham luận của PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương, đưa ra nhận định: “Nước thải cũng là nguồn tài nguyên, đây là cơ hội kinh doanh rất lớn”. TS Cung chia sẻ, việc nhìn nhận nước thải như một nguồn tài nguyên mà không phải là gánh nặng giúp chúng ta tìm được nhiều giải pháp ứng xử với nó hơn, biến từ gánh nặng quốc gia thành tiền quốc gia.