MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Đức Kiên: “Đến cách giới thiệu phim cũng cho thấy sự phân biệt giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước!”

Cuối tháng 11/2017, Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng. Các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin tại liên hoan có 30 phim của doanh nghiệp tư nhân, không có một phim nào của doanh nghiệp nhà nước.

Vẫn còn tâm lý phân biệt

"Cuối tháng 11/2017, Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng. Các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin tại liên hoan có 30 phim của doanh nghiệp tư nhân, không có một phim nào của doanh nghiệp nhà nước. Không ai nói là phim của Việt Nam và phim của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó có nghĩa là trong nhận thức của một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt doanh nghiệp dựa trên hình thức sở hữu" – ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2018.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, các nhà làm luật Việt Nam không phân biệt doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Việc mua cổ phần, góp vốn giữa các loại hình doanh nghiệp này được luật pháp khuyến khích. Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân có thể dần thay thế phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp và hoạt động tại những ngành, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể đảm nhận.

Việc kinh tế Việt Nam chưa có nhiều đột phá khi so sánh với các nước trong khu vực đến từ nhiều nguyên nhân. Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, nhiều các doanh nghiệp cũng đang kinh doanh theo hướng "mỳ ăn liền".

"Không ít doanh nghiệp Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng mì ăn liền, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn hạn và trung hạn" – ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

4 điểm nghẽn đối với sự phát triển của doanh nghiệp

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Công ty nghiên cứu thị trường VietAnalytics cho rằng có nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam, gồm: rào cản gia nhập ngành; khó tiếp cận vốn ngân hàng; khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế và hải quan.

Xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân giảm khoảng 23,7 - 26 điểm phần trăm, nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ có quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, xác suất này lại tăng khoảng 2,3 - 2,8 điểm phần trăm, nếu đó là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước.

Nghiên cứu trên 699 doanh nghiệp, Báo cáo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra rằng, khu vực doanh nghiệp tư nhân phải tiêu tốn nhiều thời gian cho thủ tục hành chính nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. 34,1% doanh nghiệp tư nhân phản ánh phải bỏ ra trên 20% thời gian trong một tháng để giải quyết các thủ tục thuế và hải quan, trong khi con số này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ là 14,7%.

"Doanh nghiệp đã hết sức khó khăn với việc tiếp cận đất đai. Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục đất đai xuống 77 ngày, để ngang bằng với nhóm ASEAN 4. Nhưng thực tế, tôi phải mất đến 5 lần của 77 ngày mới được chấp thuận, từ khi xin chủ trương đến khi có giấy phép xây dựng" – ông Đỗ Đình Hiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa dẫn chứng câu chuyện của bản thân.

Mặc dù vậy, niềm tin mới là điều được các doanh nghiệp tư nhân nhắc tới nhiều. Theo đó, nhà nước cần chứng tỏ rằng, doanh nghiệp tư nhân có cơ hội phát triển và mang lại nhiều lợi ích khi đầu tư bài bản. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể và mạnh dạn lớn lên.

Vấn đề là này còn quan trọng hơn cả những tháo gỡ về tiếp cận vốn, thuế, điều kiện gia nhập ngành.


An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên