MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đức Kiên: Nói ngân hàng báo lãi lớn 'phản cảm' là quá cảm tính!

24-06-2021 - 10:18 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, có trách nhiệm với cổ đông, với người gửi tiền. Vì thế không thể nói một cách cảm tính rằng "ngân hàng báo lãi lớn trong bối cảnh doanh nghiệp điêu đứng", như vậy là phi thị trường.

TS Nguyễn Đức Kiên
TS Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
40 bài viết

Trong phiên họp mới đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp cho 6 tháng cuối năm, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại khi con số doanh nghiệp rời bỏ thị trường và tạm ngừng hoạt động tăng cao trong 5 tháng đầu năm với mức tăng lần lượt là 20,7% và 23%.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề rằng năm 2019, 2020 và đầu 2021, ngành Ngân hàng báo lãi lớn, trong đó một số ngân hàng báo lãi rất lớn như Vietcombank, VietinBank trong khi nền kinh tế đang trong tình trạng đình trệ, doanh nghiệp phải gồng mình chống đỡ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 là "phản cảm" và cần đặt lại trách nhiệm xã hội của ngành Ngân hàng với nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, ngành Ngân hàng đã trở thành tâm điểm của nền kinh tế trong năm 2020 và cả những tháng đầu năm 2021 với nhiều con số lợi nhuận khủng. Báo cáo tài chính quý 1/2021 cho thấy, 7/10 doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận cao nhất là các ngân hàng. Trong đó, Vietcombank và VietinBank dẫn đầu danh sách. Theo sau là Techcombank, MB, VPBank, BIDV và ACB.

Mức tăng trưởng lợi nhuận của 7 nhà băng nêu trên đều rất ấn tượng. Thấp nhất là VPBank với tăng trưởng lợi nhuận 37,6%, còn lại là các ngân hàng khác đều cao trên 65%, thậm chí là có ngân hàng báo lãi gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận lớn, giá cổ phiếu "vua" cũng trở thành tâm điểm, dẫn dắt thị trường chứng khoán với mức tăng trưởng giá bằng lần chỉ trong vài tháng đầu năm. Tranh thủ cơ hội, nhiều ngân hàng đã phát hành cổ phiếu tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu và tìm kiếm những cơ hội mua bán, sáp nhập.

Một số ý kiến cho rằng, ngân hàng lợi nhuận cao cho thấy nhóm này đang "hút máu" doanh nghiệp, nền kinh tế khi lãi suất huy động thì giảm mạnh còn lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. Nắm công cụ tiền tệ trong tay, ngân hàng cầm đằng chuôi còn doanh nghiệp lại ở thế bị động.

Theo các số liệu thống kê được trên báo cáo tài chính của 7 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất quý 1/2021 có thể thấy, nhiều yếu tố góp phần làm nên con số lợi nhuận "khủng" của ngành này. Nhưng chủ yếu vẫn nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh, với yếu tố chính là chi phí lãi đầu vào giảm mạnh.

Một số ngân hàng như ACB, VPBank, Techcombank đều là những ngân hàng có chi phí lãi giảm từ 18 – 28%, trong khi thu nhập lãi lại chỉ tăng hoặc giảm rất ít. Điều này cho thấy doãn chênh lãi suất huy động - cho vay tiếp tục được nới rộng đáng kể trong 3 tháng đầu năm. Hay nói cách khác là nhận định rằng lợi nhuận ngân hàng phần lớn đến từ chênh lệch lãi suất được đẩy lên cao là có cơ sở.

Tuy nhiên, cùng với doãng chênh lãi suất nhiều ngân hàng cũng tăng lợi nhuận nhờ tiết giảm chi phí hoạt động, tăng trưởng mạnh các hoạt động dịch vụ và thu nhập từ các nguồn khác ngoài cho vay.

Trong 6 tháng đầu năm nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; cùng với đó là các chương trình giảm lãi suất cho vay với khách hàng mới.

Theo thống kê của Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tính đến cuối tháng 5/2021, hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 256 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 337 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 677 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng cho hơn 480 nghìn khách hàng. 17 TCTD đã công bố công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, dẫn đầu là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, An Bình, Bắc Á, MSB, Nam Á...

Đánh giá về lợi nhuận ngân hàng năm 2020 và cả năm 2021, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng, một phần trong số lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn là "ảo" vì số trích lập dự phòng chưa tương xứng với con số nợ xấu của các ngân hàng khi áp dụng Thông tư 01, rồi Thông tư 03 về cơ cấu lại các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiểu một cách đơn giản là có những khoản nợ đã thành nợ xấu hoặc rất xấu nhưng các ngân hàng lại không phải trích lập dự phòng hoặc trích lập ở mức rất nhỏ, làm con số lợi nhuận trở nên không thực chất.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, hiện các báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng là chưa đầy đủ, lợi nhuận sẽ được phản ánh vào cuối năm khi các ngân hàng trích lập đủ dự phòng rủi ro.

"Với Thông tư 03, yêu cầu các TCTD trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình năm nay là 30%, tức là các ngân hàng sẽ phải trích lập khoảng 40.000-44.000 tỷ đồng cho khoản nợ cơ cấu lại 357.000 tỷ đồng (vẫn giữ nguyên nhóm nợ nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn). Như vậy, số tiền này sẽ trừ đi từ lợi nhuận của hệ thống, nên các ngân hàng sẽ không còn mức lãi khủng mà tối đa chỉ có thể lãi khoảng 15%", TS Cấn Văn Lực nói.

TS. Nguyễn Đức Kiên: Nói ngân hàng báo lãi lớn phản cảm là quá cảm tính! - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Đứng trên góc độ một người làm chính sách và nghiên cứu, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: "Chúng ta sống, làm việc theo pháp luật chứ không sống và làm việc theo cảm tính. Vì vậy cũng không thể nói theo cách rất phi thị trường rằng "tôi không giàu thì không ai được giàu" và ngành ngân hàng báo lãi lớn là phản cảm".

Về trách nhiệm xã hội của ngành Ngân hàng, ông Kiên nhấn mạnh, Ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp, hoạt động theo Luật các TCTD nên cứ chiểu theo Luật mà làm. "Hợp đồng giữa doanh nghiệp với ngân hàng là hợp đồng kinh tế, giao dịch dân sự. Doanh nghiệp vay thì phải có nghĩa vụ trả lãi và gốc. Khi doanh nghiệp không làm ăn được thì phải trả vốn cho ngân hàng để ngân hàng cho người khác vay. Khi doanh nghiệp thất bại thì phải giảm tài sản. Đó là kinh tế thị trường".

Ông Kiên cho rằng, không thể nói theo cách cảm tính rằng khi doanh nghiệp không làm ăn được ngân hàng phải có trách nhiệm xã hội, chia sẻ với doanh nghiệp. Tất nhiên, COVID-19 là một trường hợp đặc biệt, do hoàn cảnh khách quan, bất khả kháng mang lại. "Hệ thống Ngân hàng cũng đã có sự đồng hành cùng nền kinh tế bằng cách giãn, hoãn nợ, miễn giảm các loại phí cho những doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm với xã hội, ngân hàng còn có trách nhiệm với cổ đông, với người gửi tiền - những người đã đặt niềm tin vào ngân hàng", ông Kiên nói.

Về mức lãi suất cho vay hiện tại của các ngân hàng, ông Kiên cho biết, có thể thấy lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm khá nhiều so với năm 2019. Ngay cả lãi suất cho vay tiêu dùng cũng đã giảm tới 2-3% trong năm đầu so với lãi suất thời điểm năm 2019. Điều đó thể hiện sự chia sẻ với doanh nghiệp, nền kinh tế của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều ở họ vì bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp.

Theo N.Thoan

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên