MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Đức Thành: Tăng trưởng 6,7% cũng có thể đạt được, nhưng năm sau thì như thế nào?

Đây là câu hỏi được ông Nguyễn Đức Thành đưa ra tại Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017, tổ chức sáng 16/6.

TS. Nguyễn Đức Thành
TS. Nguyễn Đức Thành
Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR)
31 bài viết

Hai kịch bản cho tăng trưởng 2017

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng kinh tế Việt Nam 2017 sẽ có 2 kịch bản tăng trưởng. Một trong hai kịch bản đó là Chính phủ sẽ đạt được mức tăng trưởng 6,7% do Quốc hội đề ra. Dù vậy, ông vẫn tỏ ra băn khoăn.

“Mức tăng trưởng 6,7% cũng có thể đạt được nếu Chính phủ quyết tâm. Nhưng vấn đề là năm sau thì như thế nào? Cứ làm theo phương pháp cũ hay sao? Cứ đốc thúc, kế hoạch hóa, cần thì tăng cường vào những ngành chúng ta kiểm soát như khai khoáng, dầu khí để đạt được giá trị tăng trưởng?” – ông Nguyễn Đức Thành nói.

Nêu lên kịch bản tăng trưởng 6,37%, ông Thành đánh giá đây là mức tăng trưởng mà nền kinh tế “diễn biến một cách bình thường”. Theo đó, nền kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi từ mức tăng trưởng 6,21% của năm 2016. Lạm phát trong kịch bản này cũng chỉ ở mức 2,35%, so với 3,2% trong kịch bản Chính phủ đạt mức tăng trưởng do Quốc hội đề ra.

Từ quan điểm cá nhân, TS Nguyễn Minh Phong tính toán rằng 80% khả năng Chính phủ phủ sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế 6,7%. Sự phối hợp của các ngành và bối cảnh thế giới sẽ quyết định 20% còn lại.

“Tăng trưởng xấp xỉ 6,7% hoặc chạm 6,7% là có tính khả thi cao. Tôi cho rằng khả năng đạt được 6,7% là 80% và còn phụ thuộc vào sự phối hợp của các ngành, một số bối cảnh cụ thể của thế giới nếu không có gì thay đổi so với hiện nay” – ông Nguyễn Như Phong đánh giá.

Nên kích thích tiêu dùng thay vì khai thác thêm dầu khí

Nêu ra 3 lý do, ông Cấn Văn Lực (trợ lý Chủ tịch HĐQT BIDV) cho rằng Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô để đạt mục tiêu tăng trưởng.

“Thứ nhất là tài nguyên thiên nhiên có hạn. Thứ hai là khai thác tài nguyên lúc này sẽ tác động đến sự bền vững về lâu dài. Thứ ba là giá dầu hiện nay chưa thực sự tốt về lợi nhuận, doanh thu đem lại. Vì 3 lý do đó, tôi cho rằng việc khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô cần hết sức cân nhắc” – ông Cấn Văn Lực lập luận.

Thay vì khai thác tài nguyên, giải pháp tối ưu hơn được ông Cấn Văn Lực đưa ra là tập trung vào tiêu dùng, dịch vụ và phát triển doanh nghiệp tư nhân. Theo ông Lực, lĩnh vực tiêu dùng chiếm 78% GDP và với mỗi 1% tăng trưởng tiêu dùng thì nền kinh tế đã thêm được 380 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, 1 triệu tấn dầu thô chỉ đem lại 9 nghìn tỷ đồng với thời giá hiện tại. Do đó, Chính phủ cần khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, cho vay tiêu dùng, tiêu dùng dịch vụ du lịch.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần tạo ra điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn để doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Việc này sẽ giúp người lao động có việc làm, thu nhập và kích thích tiêu dùng.

Không đồng tình với cách áp đặt mục tiêu tăng trưởng như hiện tại, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét: “Việc nhà nước đặt ra yêu cầu rằng phải tăng trưởng 6,7% giống hệt như việc ông bố đặt ra mục tiêu cho con là phải được 10 điểm bài thi toán. Nếu như con không được 10 điểm thì bố sẽ tìm cách tiếp xúc với thầy cô. Trong một số trường hợp, bố sẽ làm hộ hay tìm cách để cho con cái có thể đạt được”.

Theo ông Đức, con cái nên được tự học và không cần quá chú trọng đến điểm số. Điều quan trọng là chúng thích môn học đó và cảm thấy có nhu cầu cần học. Đối với câu chuyện lớn hơn, “nhà nước cũng phải chuyển từ một nhà nước can thiệp sang một nhà nước kiến tạo” – ông Đức nói.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên