MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Đức Thành: NHNN đã 'chia lửa' với Chính phủ, giờ cần điều hành sao cho 'khéo' để lạm phát không trở lại

12-07-2017 - 10:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Tiến sĩ Thành cho rằng hạ lãi suất vào lúc này có thể góp phần giúp mục tiêu tăng trưởng cán đích thành công.

TS. Nguyễn Đức Thành
TS. Nguyễn Đức Thành
Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR)
31 bài viết

Đầu tháng 6 năm nay, trước mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến một loạt các giải pháp và sau đó giao cho các Bộ, ngành thực hiện trong khoảng thời gian cuối năm. Trong đó, thúc đẩy tín dụng là một biện pháp được hướng tới: Thủ tướng muốn tăng trưởng tín dụng năm 2017 phải đạt mức 18%.

Cuối cùng, một động thái rõ ràng nhất cho việc triển khai kế hoạch trên đã đến vào tuần qua, khi mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành và giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Tại công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR, Tiến Sĩ Nguyễn Đức Thành gọi đây là một hành động 'chia lửa': '"Động thái mà Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một phần trách nhiệm của mình, chia sẻ trọng trách để cùng giúp mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cán đích". Ông Thành nói: "Đây là nỗ lực của NHNN đóng góp vào quá trình đó".

Thể hiện quan điểm mà Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II của VEPR đưa ra, Tiến sĩ Thành cho rằng hạ lãi suất vào lúc này có thể góp phần giúp mục tiêu tăng trưởng cán đích thành công.

Bối cảnh tình hình lạm phát cho đến hết quý II chỉ ở mức 2,54% cũng ủng hộ chính sách hạ lãi suất này. "Cho đến lúc này thì lạm phát vẫn đang rất thấp nên đó cũng là cơ hội để chúng ta tương đối dễ dãi với vấn đề tín dụng hay hạ là lãi suất xuống một chút" - Vị Viện trưởng VEPR nói.

Thế nhưng, theo ông Thành, việc hạ lãi suất theo một nghĩa nào đó đã mâu thuẫn với tôn chỉ kiểm soát chặt chẽ tín dụng mà hệ thống Ngân hàng theo đuổi từ 6 năm nay.

Kịch bản xấu nhất cũng có thể xảy ra. Vì thế, Tiến sỹ Thành lưu ý NHNN nên điều hành cho thật 'khéo' trước những mục tiêu chồng chèo mà mình đang đảm nhận để làm sau câu chuyện lạm phát sẽ không trở lại.

"Ngân hàng Nhà nước hiện nay cũng có rất nhiều ràng buộc riêng ở thị trường tài chính và thị trường vốn. Nhưng vì chính sách hướng đến mục đích tăng trưởng nên Ngân hàng Nhà nước có lẽ cũng gặp phải sự khó khăn trong việc lựa chọn" - Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành phân tích.

Quay trở lại thời điểm cách đây 6 năm, 2011 là thời điểm mà toàn hệ thống Ngân hàng được ra hiệu lệnh phải thắt chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát. Thì từ 2016, tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại với mức 18,71%. Năm 2017, tín dụng kỳ vọng cũng tăng đến 18%.

Đồng thời, tăng trưởng tín dụng hiện nay cũng được đánh giá là tương đối cao so với một loạt các tăng trưởng khác, như tăng trưởng huy động không tăng nhanh như tăng trưởng tín dụng, hay là tỷ lệ tín dụng so với GDP hiện nay cũng rất lớn.

Chính vì thế, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng trong tương lai từ 3-4 quý tới, tức là thời điểm đầu năm 2018, lạm phát có thể trở lại chính do quyết sách giảm lãi suất thời điểm hiện tại. Ông dự đoán một kịch bản của nền kinh tế trong khoảng 6-9 tháng tới là giá bất động sản sẽ đi lên, giá chứng khoán đi lên và cuối cùng là giá hàng hóa sẽ đi lên đi kèm với lạm phát trở lại.

"Trong bất kỳ tình huống nào, điều hành tăng trưởng hay điều hành vì các mục đích khác nhau mà mất ổn định vĩ mô thì cứu chữa sẽ rất khó. Vậy, đó là những điều mà mà NHNN phải thận trọng trong việc điều hành tiền tệ" - Vị Viện trưởng VEPR lưu ý.

Theo Vượng Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên