TS Nguyễn Mạnh Hùng: Sai lầm đầu tiên của người kém là kiếm tiền bằng sức lao động thay vì nghĩ cách đầu tư để tiền đẻ ra tiền
"Cách tốt nhất để trở nên giàu có là phải biết tìm cách để tiền đẻ ra tiền thay vì chỉ bán sức lao động đơn thuần".
Đó là chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng – CEO Thái Hà Books trong chương trình Cafe8 trên fanpage CafeBiz. Ông Hùng đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện có ý nghĩa trong cuộc đời kinh doanh của mình.
Trở thành triệu phú từ năm 26 tuổi, ông Hùng cho rằng mình là người may mắn. Ông kể lại, khi mới đặt chân sang Nga du học với 2 bàn tay trắng, ông được một đồng hương giúp đỡ, tin tưởng và cùng nhau buôn bán ngoại tệ để kiếm lời ngay. Cứ như vậy đến hết năm dự bị trước khi vào đại học, ông Hùng đã có trong tay khoảng hơn 2.000 rúp – đưa ông trở thành một trong những người Việt Nam giàu có nhất tại Matxcova thời bấy giờ.
Với số tiền 2.000 rúp - thực sự rất lớn khi đó - làm vốn ban đầu, ông Hùng bắt đầu đi kinh doanh các loại thiết bị như đồng hồ, quần áo, giầy dép. Nhờ buôn may bán đắt, lãi dần, lãi dần, ông Hùng tiếp tục chuyển sang buôn thêm nhiều thứ khác nữa như kinh doanh vàng. Sau đó đổi ra đôla. Ban đầu là 10.000 USD, sau lên tới 100.000 USD.
Ông Hùng nhớ lại: "Giờ phút không bao giờ quên được là khi có trong tay 100.000 USD. Bạn phải tưởng tượng một thanh niên mới hơn 20 tuổi đầu cầm trong tay 100.000 USD, bọc kín trong một túi nilong cảm giác vui sướng đến thế nào. Tôi đã ôm bọc tiền đi ngủ suốt đêm. Đó thật sự là một đêm mất ngủ, bởi tôi nghĩ rằng sau này sẽ không bao giờ có khoảnh khắc được cầm trong tay 100.000 USD bằng tiền mặt thêm một lần nữa. Cảm giác lúc ấy xen lẫn giữa mơ và thật không thể tin mình có 100.000 USD. Tôi nói thật đến khi có 1 triệu USD cũng không vui bằng khi có 100.000 USD đó. Đó là mốc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, thậm chí quan trọng hơn mốc kiếm được 1 triệu USD sau này".
Vậy sau khi đã kiếm được 1 triệu USD thì ông đã làm gì để tiếp tục xây dựng khối tài sản sau này? Ông Hùng đã có những chia sẻ khá bất ngờ.
Trước khi chia sẻ câu chuyện của mình, ông Hùng nhấn mạnh một điều rằng kiếm tiền dễ hơn tiêu tiền rất nhiều. Bất kỳ ai đang tập trung vào kiếm tiền đều sai. Vì nếu kiếm được tiền nhưng không biết tiêu tiền là bạn sẽ mất tiền, thậm chí trắng tay và chịu tai họa.
Bản thân ông cũng đã trải qua câu chuyện như vậy. "Lúc có 14.000 USD, tôi đã để mất 17.000 USD. Cảm giác thật sự tồi tệ bởi một người trẻ tuổi, kiếm được 14.000 USD đã khó giờ bị mất trắng và thậm chí còn âm. Nhưng ai kinh doanh cũng đều phải trải qua những việc như vậy. Đừng ai tưởng kinh doanh là đơn giản, tự bản thân nó sẽ dần tích lên 1 triệu USD hay 1 tỷ USD. Ai cũng phải trải qua những lần trắng tay, những thất bại, mất mát thậm chí nợ nần rất nhiều lần. Để đi tiếp được cần một người có bản lĩnh, trí óc, trái tim và khí phách nếu không phút chán nản sẽ lùi bước ngay lập tức".
Với suy nghĩ như vậy, ông Hùng nói rằng "khi có tiền dĩ nhiên tôi nghĩ ngay đến việc phải đầu tư mới có thể sản sinh tiếp ra tiền". Trong trường hợp của mình, ông đã mua 1 mảnh đất ở phố Thái Hà, thời điểm đấy đất rất rẻ.
Thứ 2 là ông thực hiện theo lời khuyên “không bao giờ bỏ trứng vào một giỏ”: Bỏ ra một khoản tiền nữa để giữ USD, một khoản nữa để vàng, một khoản nữa giữ rúp và cuối cùng là giữ hàng. Thời bấy giờ chưa có cổ phiếu.
Ngoài ra, ông còn thực hiện theo một nguyên tắc của riêng mình là 50 – 50. Tức là 50% vốn bỏ ra kinh doanh còn 50% giữ lại để ăn chắc, "nói thật là tôi không muốn mạo hiểm hoàn toàn", ông Hùng nói. "Kể cả khi máu kinh doanh quá, tôi cũng chỉ để ra 3/4 để kinh doanh còn vẫn giữ lại1/4 số tiền mình có đề phòng bất trắc. Nhiều lần thất bại, mất tiền đã dậy cho tôi việc làm đó là cần thiết".
Nhờ đầu tư tiền vào nhiều lĩnh vực nhau như vậy, vốn được quay vòng nên tiền sau đó cứ đẻ ra tiền. Ông Hùng nhấn mạnh sai lầm đầu tiên của người kém là kiếm tiền bằng sức lao động thay vì nghĩ cách đầu tư để tiền đẻ ra tiền. Bản thân ông thời đó cũng chưa nghĩ ra được nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, mở mang đầu óc nên ông đã thực hiện được và sau này xây dựng nên khối tài sản triệu đôla cho riêng mình.
Trí thức trẻ