MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cực đáng lo ngại khi dư nợ BĐS chiếm 20% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, rất có thể bong bóng BĐS sẽ hình thành vào 2019!

29-06-2018 - 17:37 PM | Bất động sản

"Nếu dòng tiền liên tục đổ vào BĐS, giá BĐS tăng 100% trong vòng 1 năm thì rủi ro dễ xảy ra, rất có thể bong bóng BĐS sẽ hình thành vào năm 2019", TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Tại hội thảo "Sốt bất động sản - cơ hội và rủi ro", các chuyên gia trong ngành đã đưa ra những đánh giá lạc quan cùng những quan ngại về thị trường bất động sản (BĐS) trước tác động của nền kinh tế vĩ mô và sự thay đổi tâm lý của khách hàng.

Có rủi ro tiềm ẩn trên thị trường

TS. Võ Trí Thành – Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - chia sẻ: Kinh tế vĩ mô có tác động động lớn đến thị trường BĐS Việt Nam. Nhưng, rõ ràng diễn biến của thị trường BĐS thời gian qua đã cho thấy những rủi ro tiềm ẩn. Trong đó nổi lên các rủi ro về quy hoạch, chính sách tiền tệ và pháp lý.

"Hiện tượng phân lô bán nền trên thị trường BĐS các khu vực cả nước được xem là một trong những vấn đề gây ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố về hạ tầng, quy hoạch, dòng tiền…do vậy, cần phải ngăn chặn", TS Thành nhấn mạnh.

Chưa kể, theo TS. Thành, những dự báo về kinh tế trong thời gian tới cũng không hoàn toàn có lợi cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường BĐS nói riêng, do đó các NĐT cần phải cần trọng. Cụ thể, 2 năm tới kinh tế thế giới dự báo sẽ giảm tốc; kinh tế Việt Nam ngắn và dài hạn đi xuống bởi ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại thế giới, chính sách tiền tệ của ngân hàng thay đổi, không ưu tiên vào lĩnh vực BĐS… là các yếu tố sẽ tác động đa chiều đến thị trường BĐS trong thời gian tới.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính ngân hàng khẳng định: Hiện nay, tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng cho vay BĐS chiếm khoảng 20% trên tổng dư nợ nền kinh tế.

Điều này cực kì đáng lo ngại. Đặc biệt, hiện nhà nước không có chính sách lâu dài về tiền tệ cho thị trường BĐS, trong khi ngân hàng nhà nước lại siết quy mô cho vay BĐS được xem là những rào cản nhất định cho thị trường này trong thời gian tới.

"Nếu dòng tiền liên tục đổ vào BĐS, giá BĐS tăng 100% trong vòng 1 năm thì rủi ro dễ xảy ra, rất có thể bong bóng bất động sản sẽ hình thành vào năm 2019", TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

Chuyên gia: Lạc quan trong thận trọng!

Bên cạnh những lo ngại về bong bóng BĐS có thể xảy ra của TS.Nguyễn Trí Hiếu thì đa số các chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về thị trường BĐS trước bối cảnh nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cực đáng lo ngại khi dư nợ BĐS chiếm 20% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, rất có thể bong bóng BĐS sẽ hình thành vào 2019! - Ảnh 1.

Các chuyên gia vẫn lạc quan vào thị trường BĐS nhưng nên thận trọng trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE chia sẻ: Mức độ thanh khoản trên thị trường BĐS vẫn diễn biến ổn định những năm qua. Mỗi năm có 40.000 căn hộ mới được mở bán, trong đó có 30.000 – 35.000 căn được tiêu thụ. Nếu tỉnh ở 2 thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM thì số lượng căn hộ được tiêu thụ trong năm đạt gần 80.000 căn. Theo bà Dung, tỉ lệ hấp thụ thị trường ở các dự án mới đạt 60-80%, trong đó căn hộ hấp dẫn nhu cầu ở thực, đất nền được nhiều NĐT hướng đến.

Nói về giá BĐS biến động mạnh thời gian qua, bà Dung khẳng định, thực chất giá BĐS chỉ biến động cục bộ ở một số phân khúc và khu vực nhất định, không phản ánh giá của toàn bộ thị trường. Theo bà Dung, những trường hợp giá đất tăng cao 40-60%/năm chỉ cá biệt ở một số khu vực trên địa bàn Tp.HCM. Nếu xét toàn thị trường, giá BĐS vẫn diễn biến tăng ổn định từ 3-5% ở hầu hết các phân khúc; những nơi được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt giá tăng từ 7-14%.

Tuy có những cái nhìn lạc quan về thị trường BĐS nhưng bà Dung cũng khẳng định: Thực tế thị trường vẫn tồn tại những rủi ro nhất định đối với NĐT. Chẳng hạn, lợi nhuận cho thuê BĐS không đạt như kì vọng, vấn đề tiến độ dự án hay giá đất tăng trưởng không kiểm soát… "Do đó, ở giai đoạn này của thị trường, chúng ta lạc quan nhưng có thận trọng", bà Dung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS.Võ Trí Thành khẳng định: "Mặc dù nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng còn diễn biến khá phức tạp nhưng chúng ta không nên bi quan mà cần lạc quan trong sự thận trọng. Bởi vì, chính phủ đang tập trung các phương án khác nhau để xử lý những tồn đọng của kinh tế vĩ mô mà đặc biệt là dòng tiền".

Theo các chuyên gia, sau cơn sốt đất, bên cạnh những rủi ro mà NĐT phải đối mặt thì vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các NĐT chọn hướng đi phù hợp. Cụ thể, loại hình nhà ở có giá 1-2 tỉ đồng/căn vẫn hấp lực và là "điểm sáng" cho thị trường BĐS trong thời gian tới.


Theo Phương Nga

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên