MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng mạnh

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng mạnh

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài và chưa thể kiểm soát, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt là những doanh nghiệp "ăn nên làm ra", có hiệu quả cao.

Theo thống kê, vốn hoá thị trường chứng khoán tính đến tháng 4/2021 bao gồm các sàn HSX, HNX, UpCOM là 4,65 triệu tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3,4 triệu tỷ đồng vào tháng 4/2020. Đây cũng là con số kỷ lục của vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng 1/2 của tổng tín dụng toàn nền kinh tế. Theo NHNN, tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng toàn nền kinh tế là gần 9,5 triệu tỷ đồng. Nếu so với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính tới hết quý 1/2021 khoảng 6,46 triệu tỷ đồng thì vốn hoá thị trường chứng khoán mới bằng khoảng 70% và tổng tín dụng bằng 150% GDP. Điều này cho thấy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng, trong khi ở các nước phát triển, đây là thị trường chính để huy động vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ tăng trưởng mạnh trong khoảng vài năm trở lại đây. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh thị trường chứng khoán lại cho thấy bước tăng trưởng vượt bậc. Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Trong đó có những lo ngại rằng thị trường đang tăng quá nóng, cần phải có sự điều tiết. 

Để làm rõ hơn vấn đề này nhìn từ kinh nghiệm phát triển thị trường vốn ở các nước phát triển và hướng đi sắp tới của kênh dẫn vốn này của Việt Nam, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng.

Xin ông cho biết, ở Mỹ và một số nước phát triển thị trường vốn đang phát triển như thế nào, với những thành phần nào tham gia và tỷ trọng ra sao?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường vốn ở Mỹ và các nước phát triển rất phức tạp với nhiều công cụ, trong đó có những công cụ phái sinh rất phát triển. Đây là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của các doanh nghiệp và đã được gây dựng qua hàng trăm năm. Thị trường chứng khoán Mỹ có sự tham gia chủ yếu là các công ty, hãng bảo hiểm, quỹ hưu trí chiếm tỷ trọng lớn, còn lại là nhà đầu tư cá nhân.

Trong khi ở Việt Nam mới phát triển được 20 năm và chỉ thực sự phát triển trong vài năm trở lại đây, công cụ phái sinh cũng rất sơ khai, doanh nghiệp vẫn chủ yếu tìm đến ngân hàng để vay vốn. Cùng với đó sự tham gia của các công ty, các quỹ, hãng bảo hiểm chiếm tỷ trọng rất ít, phần lớn là nhà đầu tư cá nhân.

Ở Mỹ thường các doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán để tìm nguồn vốn trung và dài hạn chứ ít khi chọn ngân hàng, vì lãi suất cho vay các ngân hàng cao hơn nhiều so với vốn từ thị trường chứng khoán, từ các hãng bảo hiểm, quỹ hưu trí. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, đa số các doanh nghiệp vẫn tìm đến ngân hàng để vay vốn.

Vậy theo ông, hướng phát triển thời gian tới của thị trường chứng khoán Việt Nam là gì?  

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường vốn của Việt Nam thời gian gần đây mới có dấu hiệu phát triển nhanh. Cùng với đó, có thể thấy, tỷ lệ vốn trên thị trường chứng khoán cho sản xuất kinh doanh cũng không nhiều.

Ngay cả số vốn hơn 4,65 triệu tỷ đồng nhưng phần lớn là chứng khoán chuyền tay nhau trên thị trường thứ cấp, còn tiền sơ cấp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là không lớn mà phần lớn vẫn nằm trong nhau các nhà đầu cơ. Tất nhiên thị trường chứng khoán tăng điểm cũng giúp cho các công ty phát hành cổ phiếu hưởng lợi nhưng so với quy mô thị trường hiện nay thì không nhiều.

Sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nhìn nhận thị trường của nhà đầu tư. Nếu không có kênh đầu tư nào tốt hơn thì họ sẽ tiếp tục chuyền tay nhau chứng khoán và thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, các công ty "ăn nên làm ra" trong mùa dịch bệnh thì giá chứng khoán sẽ tiếp tục tăng. Còn nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, 70-80% người dân được tiêm Vaccine, hoạt động sản xuất kinh doanh dần quay trở lại, hoạt động phát hành trái phiếu sớm được đón nhận lại thì thị trường sẽ ổn định hơn, chứng khoán sẽ giảm. 

Thị trường vốn Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển và thực hiện tốt vai trò huyết mạch trong nền kinh tế. Đây là xu hướng khó có thể đảo ngược trên thị trường tài chính. Đặc biệt trong kỷ nguyên mới khi công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0 được thúc đẩy, sự phát triển của thị trường chứng khoán, thị trường vốn là tất yếu.

Xin cảm ơn ông!

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong kỷ nguyên mới, để phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019; vận hành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc TTCK; chú trọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hơn.

Cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK. Thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2023. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát rủi ro hệ thống; tăng tính độc lập của UBCKNN. Đặc biệt, kỷ nguyên mới đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý.

Theo N.Thoan

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên