TS. Nguyễn Xuân Thành: Hành động mang tính mệnh lệnh chưa đủ, phải thay đổi luật chơi
Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư đòi hỏi thay đổi thể chế, luật chơi giữa Nhà nước và DN chứ không phải nghị quyết mang tính mệnh lệnh hành chính.
- 06-03-2016Ông Trương Đình Tuyển: Cải cách thể chế là quyết định
- 25-02-2016Việt Nam đã chủ động cải cách thể chế trước khi ký kết Hiệp định TPP
- 20-02-2016Cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh
-
Đợt sốt giá thép vừa rồi không phải mang tính lâu dài, cũng không phải là căn cứ để ta phải điều chỉnh chính sách ngay lập tức.
-
Cách điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là không để đồng Việt Nam mất giá mạnh với đồng USD như đồng NDT mất giá so với USD
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã đưa ra quan điểm như vậy khi nói về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thế chế đang được Chính phủ tích cực thực hiện.
Thưa ông, trong báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách có đưa ra nhận định GDP năm nay có đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nửa đầu 2016 ta thấy bối cảnh kinh tế phục hồi nhưng vẫn là sự tăng trưởng chậm, đặc biệt là thương mại toàn cầu. Mặc dù có sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hành động quyết liệt của Chính phủ nhưng bối cảnh kinh tế khó khăn cho thấy tăng trưởng khó đạt mục tiêu đề ra.
Thực tế cho thấy là hầu hết các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo khá thận trọng trong năm 2016 với kinh tế Việt Nam.
Một trong những vấn đề hiện nay là động lực phát triển vẫn dựa vào nguồn vốn tăng trưởng. Vậy chính sách tiền tệ cần được thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả nhất cho nền kinh tế?
Ta đang có hai mục tiêu là vừa phải kiểm soát lạm phát và đảm bảo cân đối vĩ mô, không bị thâm hụt quá mức, nên đòi hỏi chính sách tiền tệ và tín dụng thận trọng. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mục tiêu tăng trưởng đặt ra khá cao, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước lại chịu áp lực từ DN là phải tăng mạnh tín dụng và hạ lãi suất.
Nếu trong một nền kinh tế thị trường mục tiêu ưu tiên nên đặt mạnh ổn định vĩ mô. Vấn đề chính sách lãi suất của NHNN đặt ra, như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu cũng nên nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Còn mức lãi suất trên thị trường, lãi suất tiền gửi và cho vay là do cung cầu trên thị trường quyết định. Ta hướng đến nền kinh tế thị trường thì nên theo định hướng đó.
Nếu bối cảnh kinh tế cho phép, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và có mức lạm phát thấp thì tính thanh khoản của ngân hàng ổn định, nợ xấu giải quyết quyết liệt, sẽ tạo thuận lợi và cơ sở để hạ lãi suất. Còn nếu dùng mệnh lệnh hành chính thì sẽ đi ngược với định hướng phát triển thị trường với sự hỗ trợ của thể chế như hiện nay.
Vậy theo ông việc xây dựng kinh tế thị trường thì vấn đề thể chế đặt ra như thế nào?
Thách thức với Việt Nam hiện nay, những việc Nhà nước phải làm trong nền kinh tế thị trường là ổn định kinh tế thị trường, cung cấp dịch vụ công và điều tiết. Thách thức là Nhà nước là phải làm tốt hơn, tức là không can thiệp trực tiếp vào thị trường.
Nhưng khi kinh tế tăng chậm thì luôn có sức ép buộc Nhà nước phải sử dụng công cụ, DNN, hay mệnh lệnh hành chính để can thiệp. Song cần phải phân biệt hai vấn đề này để tránh tạo ra áp lực buộc Nhà nước phải có lộ trình cải cách theo hướng thị trường.
Trong quá trình ấy, việc xây dựng cần dựa trên cơ sở so sánh với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, so sánh với các nước.
Để tăng trưởng cũng không nên dùng DNNN. Ngay cả việc đảm bảo an sinh xã hội thì cũng nên dùng chính sách điều tiết thông qua chính sách tài khóa hơn là DNNN.
Hoặc vấn đề kỷ luật ngân sách, để ổn định vĩ mô quan trọng nhất xuất phát từ hành vi của Chính phủ trong chi tiêu công gồm chi thường xuyên, đi vay nợ.
Trong khi thâm hụt ngân sách Quốc hội cho phép là 5% nhưng chi tiêu thực tế của Chính phủ luôn vượt 5% là không chấp nhận. Vì vậy cần đảm bảo chỉ tiêu thâm hụt và phải đảm bảo giảm dần lộ trình ngân sách, giảm gánh nặng.
Nghị quyết 19 của năm 2016 cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp nối các Nghị quyết trước đây, nhưng các DN vẫn kêu rất nhiều về thủ tục. Vậy Nghị quyết 19 mới đây có thực sự đưa ra giải pháp mạnh mẽ để giải quyết bất cập?
Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư đòi hỏi thay đổi thể chế, luật chơi giữa Nhà nước và DN chứ không phải nghị quyết mang tính mệnh lệnh hành chính. Ta thích đưa ra nghị quyết mang tính mệnh lệnh hành chính, hành động mang tính mệnh lệnh hành chính, và đúng là trong bối cảnh mà những vấn đề bất cập, lúc đầu đưa ra có vẻ tác dụng.
Nhưng trong một thời gian thì lại đâu vào đó, bởi luật chơi luôn có, được gọi là phân mảng cát cứ về hành chính, mỗi cơ quan Nhà nước theo ngành dọc hay ngành ngang, đều gắn quyền lợi hỗ trợ DN và họ dùng quyền quản lý Nhà nước để đảm bảo lợi ích cho họ.
Do đó, nếu khi DN bị sức ép và kêu lên, Thủ tướng chỉ đạo, Bộ trưởng chỉ đạo, một thời gian có thể giải quyết cho DN, nhưng sau đó lại thôi. Vì vậy mà đòi hỏi thời gian tới cần phải tận dụng cam kết hội nhập, chuẩn mực so sánh mình với đối thủ cạnh tranh để cải thiện thể chế phù hợp, đảm bảo cạnh tranh, thay đổi bộ máy chứ không phải mệnh lệnh hành chính như hiện nay.