TS. Võ Trí Thành: Việt Nam chưa có doanh nghiệp lớn, Vinamilk, FPT, Vietjet... vẫn là doanh nghiệp đang tập làm “người lớn”
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng Việt Nam có nhiều doanh nghiệp to, nhưng đúng nghĩa lớn thì chưa có. Hiện, một số doanh nghiệp đang “tập làm người lớn”.
-
Nhiều khả năng tổng mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay chỉ khoảng 2%
-
Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra
TS. Võ Trí Thành cho biết bản thân dù không phải là người làm doanh nghiệp nhưng ông lại có cơ hội tiếp xúc nhiều với các thế hệ doanh nhân. Đó là những người ở thời kỳ mà doanh nghiệp tư nhân Việt mới manh nha, rụt rè vì chưa được định danh đến thế hệ bây giờ, những người trẻ khởi nghiệp trong làn sóng 4.0.
“Đã có thời doanh nghiệp bảo nhau cứ sợ béo lên là bị thịt, đến nay doanh nghiệp tư nhân đã là động lực quan trọng để phát triển đất nước”, ông Thành nhắc lại lịch sử của kinh tế tư nhân VIệt Nam.
Dù vậy, bối cảnh hiện tại lại đặt ra một câu hỏi lớn, làm thế nào để khu vực này thực sự trở thành động lực, doanh nghiệp tư nhân thực sự trưởng thành.
Bởi lẽ, các rào cản đối với khu vực này vẫn còn nhiều, bủa vây ở nhiều phía. Cụ thể như ông Thành nhắc đến là vấn đề về quyền tài sản. “Quyền tài sản lớn hơn cả quyền sở hữu. Theo nghĩa rộng Việt Nam còn nhiều vấn đề: Tài sản gắn liền với đất đai, cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực, môi trường kinh doanh”, TS. Thành nói.
Thừa nhận nỗ lực của Chính phủ đối với kinh tế tư nhân, nhưng ông Thành cho rằng Chính phủ cơ bản mới xử lý được một vấn đề, đó là gia nhập thị trường, còn cạnh tranh – vốn là trái tim thị trường, hay chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh hay việc rút lui khỏi thị trường vẫn còn thấp. Do đó, doanh nghiệp Việt vẫn khó có đủ năng lực cạnh tranh, khó tạo động lực thực sự.
Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng Việt Nam nay tuy có nhiều doanh nghiệp to (doanh số, lao động) nhưng chưa có doanh nghiệp lớn.
"Việt Nam có nhiều doanh nghiệp “to” nhưng đúng nghĩa “lớn” thì chưa có mà chỉ có một số doanh nghiệp “tập làm người lớn” như: FPT, Vietjet, Vinamilk”, TS. Thành nhấn mạnh.
Theo ông, doanh nghiệp “lớn” phải có thương hiệu toàn cầu, công nghệ sáng tạo, chi phối được mạng lưới phân phối. Ông cho rằng các doanh nghiệp Việt cần có 3 điều. Thứ nhất là cách tạo lập các đơn hàng. “Ví dụ như những doanh nghiệp Mỹ, đơn hàng lớn nhất của họ là về công nghệ và quân sự”. Thứ hai là phải được hỗ trợ một cách hợp pháp. Và thứ ba là phải kết nối được những doanh nghiệp sáng tạo, bởi các liên kết này ở Việt Nam còn rất yếu.
“Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã có danh, có vai trò, nhưng câu chuyện sắp tới còn nhiều ngổn ngang”, ông Thành chia sẻ.