MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Vũ Đình Ánh: 20 năm nay không lý giải được chuyện số liệu Bộ Tài chính vênh nhau

Bản thân Bộ Tài chính đã cho ra bức tranh khác nhau về ngân sách nhà nước, TS. Vũ Đình Ánh nhận định và cho biết điều này thể hiện khi số liệu trong nước và số liệu quốc tế của ngân sách nhà nước khác hẳn nhau, mặc dù cùng một mục.

Góp ý tại toạ đàm về Thuế vừa được ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức, TS. Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam nhận định có vấn đề trong việc cung cấp số liệu. Vị này cho biết trước toạ đàm đã vào wesite của Bộ Tài chính xem rất kỹ một số mục về ngân sách, gồm: công khai ngân sách trong nước, công khai ngân sách quốc tế và công khai ngân sách công dân.

"Trong mục công khai ngân sách công dân không có bất cứ thông tin nào, muốn xem chi tiết số là không có", TS. Bùi Trinh nhấn mạnh.

Việc không cung cấp số liệu, theo ông Trinh sẽ khiến cho người dân không nắm được thông tin đầy đủ, dẫn đến việc khi đưa ra một chính sách mới nào, dân chúng khó lòng thông cảm, chấp nhận.

Số liệu cũng là vấn đề được TS. Vũ Đình Ánh đặc biệt lưu ý tại toạ đàm. Vị này đặt vấn đề về bản chất bức tranh ngân sách. Bởi theo ông, chỉ trong một buổi sáng, các chuyên gia mỗi người đã cho ra một hình ảnh ngân sách khác nhau.

"Gánh nặng thuế phí trên GDP là bao nhiêu. Mỗi người một kiểu, mỗi ông lại dẫn ra một nguồn số khác nhau", TS. Ánh nói.

Nói về thu – chi ngân sách, vị chuyên gia có một thời gian dài công tác tại Bộ Tài chính đưa ra cam đoan rằng phần lớn các nghiên cứu đã dùng nhiều nguồn số liệu, tức không sử dụng một con số thống nhất.

Việc dựa trên nền dữ liệu khác nhau theo ông Vũ Đình Ánh sẽ khiến cho các lập luận, tranh luận, thậm chí bằng chứng từ việc chạy mô hình kinh tế trở nên triền miên, không đi đến được một kết luận chung.

"Bộ Tài chính đến nay vẫn khẳng định thuế, phí là ổn, thậm chí ở mức thấp nhưng nhiều ý kiến lại lập luận ngược lại. Không rõ chúng ta đang tranh luận với nền tài chính ở đâu", ông nói.

Trở lại ý kiến "chê" của TS. Bùi Trinh, ông Ánh cho biết không bao giờ vào mục đấy tìm đọc vì chắc chắn không tìm kiếm được thông tin.

Trong quá trình phân tích số liệu, ông Ánh nói rằng ông nhận ra tự Bộ Tài chính cũng đưa ra bức tranh khác nhau về ngân sách nhà nước

"Tôi đọc mục ngân sách Nhà nước số liệu quốc tế và số liệu trong nước khác hẳn nhau, mặc dù cùng một mục", ông cho biết.

Theo ông, nếu sự khác biệt chỉ xảy ra do khác nhau về thời điểm lấy thì là bình thường. Điều này tương tự như Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan.  

"Thú thật 20 năm nay tôi không lý giải được số liệu trong nước và số liệu quốc tế tại sao lại khác. Số liệu ngân sách Nà nước, tổng thu khác nhau, tổng chi khác nhau, cấu phần trong đó khác hẳn nhau thì lấy gì phân tích", TS. Vũ Đình Ánh nhận xét.

"Nguy hiểm hơn, không chỉ mặt số liệu vênh thôi mà xu hướng cũng bị vênh. Quan sát một dãy số này thì thấy tăng thu ngân sách trên GDP, một dãy khác thì thấy là giảm", ông nói thêm.

Vị chuyên gia này bày tỏ sự mông lung về các con số và tha thiết các cơ quan chức năng phải trả lời chính xác bức tranh ngân sách tài chính hiện là cái gì.

Một chi tiết được ông dẫn ra như để minh hoạ là việc chia ngân sách. Theo đó, trước đây ngân sách được chia làm 3 phần: chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi đầu tư phát triển. Tỷ lệ này trong 10 năm lần lược là 65% - 15% và 20%.

Tuy nhiên, theo TS. Ánh, 5 năm trở lại đây chi trả nợ lãi đã bị chuyển sang mục khác, nhập vào chi thường xuyên. Vì vậy, chi thường xuyên, dù chưa chi gì thì tỷ trọng đã vượt lên.

"Bức tranh ngân sách nhà nước dựa trên những nền tảng đó để tính toán về tác động của chính sách, như là thuế, sẽ không ai thuyết phục được ai cả", TS. Vũ Đình Ánh một lần nữa nhấn mạnh.


N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên