MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Vũ Đình Ánh: "Áp lực lớn nhất của Việt Nam trong lúc này chính là việc kiểm soát nhập khẩu lạm phát"

TS. Vũ Đình Ánh: "Áp lực lớn nhất của Việt Nam trong lúc này chính là việc kiểm soát nhập khẩu lạm phát"

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, căng thẳng tại Nga - Ukraine chưa tác động đến nguồn cung ngay nhưng đã tác động đến giá cả, nhưng điều ảnh hưởng nhiều nhất đến Việt Nam chính là việc nhập khẩu lạm phát.

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
52 bài viết

Tình hình căng thẳng tại Nga - Ukraine đang dấy lên lo ngại về hàng loạt tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến đâu và cần làm gì để hạn chế mức thấp nhất tác động tiêu cực của vấn đề này đến nền kinh tế Việt Nam là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Liên Bang Nga đạt 7,13 tỷ USD, bằng 1,06% trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 668,55 tỷ USD của Việt Nam.

Đối với Ukraine, kim ngạch thương mại của Việt Nam với quốc gia này đạt 720 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Như vậy, tác động trực tiếp tới thương mại của Việt Nam là không lớn, tuy nhiên tình hình này lại khiến giá bán của nhiều mặt hàng nguyên liệu như: Xăng dầu, phân bón, nông sản,... trên thế giới tăng cao, gây áp lực lạm phát đối với Việt Nam.

TS. Vũ Đình Ánh: Áp lực lớn nhất của Việt Nam trong lúc này chính là việc kiểm soát nhập khẩu lạm phát - Ảnh 1.
Giá xăng dầu đã lập đỉnh mọi thời đại khi tăng lên mức gần 27.000 đồng/lít vào hôm 1/3

CĂNG THẲNG NGA - UKRAINE ĐẨY GIÁ NHIỀU MẶT HÀNG NGUYÊN, NHIÊN LIỆU TĂNG CAO

Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, căng thẳng giữa Nga - Ukraine không tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam nhưng gián tiếp lại gây ra nhiều hệ luỵ.

Đầu tiên nó liên quan tới thị trường xăng dầu, nhiên liệu, kể cả gas, khí đốt bởi Nga là một nguồn cung cấp lớn, chưa kể là hàng loạt các nguyên liệu khác. Thứ hai, Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu nông sản lớn.

"Vì vậy, sự căng thẳng này sẽ tác động đến ít nhất 2 thị trường: Nhiên liệu và một số nguyên liệu cơ bản, hai là thị trường lương thực", TS. Ánh chỉ ra.

Cả hai thị trường này, trong năm 2021 đều đã tăng giá rất cao. Rất nhiều mặt hàng lương thực, xăng dầu, gas hay khí đốt ở châu Âu đã tăng rất nhanh và đã ở mức rất cao. Thêm cuộc chiến này vào sẽ gây nguy cơ tiếp tục đẩy giá của 2 thị trường đó tiếp tục lạm phát.

Đơn cử như việc Nga hiện đang chiếm 70% nguồn cung của thị trường phân bón, trong khi Việt Nam nhập khẩu 100% phân NPK. Khi căng thẳng xảy ra, giá tăng bất kể chúng ta nhập khẩu của quốc gia nào thì cũng phải mua với giá cao.

Hay với thị trường khí đốt, khi Mỹ không đồng thuận với đường ống dẫn khí đốt Nga sang Đức thì họ sẽ bơm thêm nguồn cung từ kho dự trữ nên vấn đề chưa chắc đã nguồn cung đã bị gián đoạn mà vấn đề là giá.

"Không có Nga thì sẽ có nguồn cung từ quốc gia khác nhưng chắc chắn giá đã bị đẩy lên cao", TS. Ánh phân tích. Vì vậy, không nên đả động đến kim ngạch song phương của Việt Nam với Nga và Ukraine vì nó không mang nhiều ý nghĩa.

Cuộc chiến này chưa chắc tác động đến nguồn cung nhưng đã tác động ngay đến giá cả. Cái ảnh hưởng nhiều nhất đến Việt Nam chính là việc nhập khẩu lạm phát, TS. Ánh nhìn nhận.

CẦN KIỂM SOÁT NHẬP KHẨU LẠM PHÁT TRONG NĂM 2022

Về vấn đề lạm phát, TS. Ánh cho biết, lo ngại về việc nhập khẩu lạm phát thực tế là không xảy ra trong năm 2021 nhưng có thể xảy ra trong năm nay - 2022, thậm chí còn căng thẳng hơn, bởi những tích luỹ từ năm 2021 sẽ chuyển sang năm 2022, cộng thêm áp lực thêm nữa của nhập khẩu lạm phát.

"Vì vậy, áp lực lớn nhất của Việt Nam trong lúc này chính là việc kiểm soát nhập khẩu lạm phát", TS. Ánh nhìn nhận.

Trong thời gian tới, sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine có kéo dài hay không là điều không ai biết trước được nên việc dự báo tại thời điểm này là điều rất khó.

Một điểm quan trọng nữa là giá giao ngay và giá tương lai. Trên thị trường nguyên nhiên liệu thế giới họ rất quan tâm đến giá tương lai. Vì vậy, lạm phát của nửa năm hay một năm tới phụ thuộc rất nhiều đến mức giá này, TS. Ánh lưu ý thêm.

Vì vậy, để giảm áp lực lạm phát thì cần chú trọng đến giảm nhập khẩu lạm phát, TS. Ánh cho hay.

Theo các chuyên gia, nếu tỷ giá VND/USD tăng, thì giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ tăng và tăng kép, tác động không nhỏ đối với CPI về 2 mặt: “nhập khẩu lạm phát” thực sự và tác động đến tâm lý “kỳ vọng lạm phát”. Vì vậy, giải pháp cơ bản là cần đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 ước tính nhập siêu 2,34 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD).

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên