TS Vũ Đình Ánh: Lãi suất giảm, xu hướng thị trường chứng khoán sẽ dần lạc quan
Chuyên gia đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành, từ 0,5-1% ngay từ ngày 15/3, sau hai đợt tăng liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10/2022 là những quyết định rất sáng suốt và phù hợp với diễn biến của nền kinh tế thực cũng như nền tài chính Việt Nam.
Những thông tin ngân hàng lớn trên thế giới mất thanh khoản, phá sản đã ít nhiều ảnh hưởng tới thị trường tài chính thời gian gần đây. Trao đổi tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính đã có những chia sẻ về tác động của các sự kiện tài chính quốc tế tới kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: L oạt ngân hàng như Signature và n gân hàng Silicon Valley Bank (SVB )… đã mất thanh khoản hoặc phá sản khiến giới đầu tư lo ngại về một hiệu ứng domino, theo ông liệu điều này có xảy ra hay không?
TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính
Tôi cho rằng việc FED liên tục tăng lãi suất điều hành để chống lạm phát đã gây áp lực lớn đến hệ thống tài chính. Và trường hợp của SVB hay tiếp theo đó là Signature Bank bị mất thanh khoản, phá sản đã diễn ra liên tục và cảnh báo cho hiệu ứng domino có thể xảy ra. Và theo báo cáo thì giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 ở Mỹ có rất nhiều ngân hàng phá sản và có thể nói những lo ngại rằng trường hợp của SVB có thể khiến tái lập lại nguy cơ khủng hoảng giống như giai đoạn 2008-2009 là có cơ sở.
Tuy nhiên hiệu ứng lần này sẽ giảm bớt đi nhiều. Bởi thứ nhất, SVB là ngân hàng thuộc về nhóm ngân hàng hoạt động hơi khác biệt so với nhóm các ngân hàng truyền thống và những ngân hàng lớn hàng đầu của Mỹ. Thứ hai, mặc dù quy mô tổng tài sản của nó đứng thứ 16, tuy nhiên cũng chỉ chiếm khoảng 200 tỷ USD trong hàng chục ngàn tỷ USD trị giá thị trường tài chính ngân hàng của Mỹ. Điểm thứ ba, khác với các lần trước, lần này cơ quan bảo hiểm tiền gửi của Mỹ (FDIC) đã có những phản ứng rất nhanh trong việc trấn an dư luận xung quanh vấn đề chống hiệu ứng rút tiền khỏi ngân hàng của những người gửi tiền. Do đó đã làm giảm bớt áp lực về tâm lý cũng như khả năng xảy ra các hiệu ứng domino.
Ngoài ra, FED cũng như là chính quyền Mỹ cũng đã có những đánh giá lại về lộ trình tăng lãi suất và như vậy có thể có những biện pháp để ứng phó trong trường hợp xảy ra những nguy cơ đối với hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, các quy định về giám sát hệ thống ngân hàng cũng đã được xem xét và chuẩn bị sửa đổi trong thời gian tới để nâng cao tính an toàn trong các hoạt động của các hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng đó là những dấu hiệu tốt, làm giảm bớt nguy cơ hiệu ứng domino.
Thực tế các ngân hàng này đều liên quan đến lĩnh vực công nghệ và giới startup công nghệ nên nhiều người đã có sự liên tưởng đến bong bóng Dot-com, theo ông thì sao?
Khi vụ SVB xảy ra, nhiều người đã liên tưởng đến cuộc khủng hoảng Dot-com vào đầu những năm 2000 của thế kỷ này. Tuy nhiên tôi cho rằng có nhiều điểm khác biệt lớn. Thời điểm xảy ra khủng hoảng Dot-com, đó là ở thời đỉnh điểm bong bóng, của các doanh nghiệp công nghệ. Tuy nhiên, lần này các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ, thậm chí chiếm tới khoảng 90% tổng số tiền gửi tại SVB, bản thân những doanh nghiệp này cũng đã có sự điều chỉnh trong suốt năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Ví dụ như đối với các doanh nghiệp công nghệ, các tập đoàn công nghệ toàn cầu hàng đầu họ đã bắt đầu điều chỉnh quy mô hoạt động với việc cắt giảm lực lượng lao động lên tới hàng vạn người. Khá nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong vấn đề xì bong bóng có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ. Như vậy, tôi cho rằng bong bóng không xảy ra và bản thân ngành này cũng đã có những sự điều chỉnh nhất định, nên có thể tạm yên tâm.
Vậy nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính giống như năm 2008 là khó xảy ra?
Tôi cho rằng nguy cơ khủng hoảng xác suất xảy ra khá thấp, kể cả liên quan đến khủng hoảng tài chính hay thậm chí là khủng hoảng kinh tế. Điều họ đang lo ngại hiện nay đó là khả năng suy thoái kinh tế. Với những trường hợp hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính của Mỹ trong đầu tháng 3 vừa qua thì những lo ngại về suy thoái kinh tế một lần nữa đã được gióng lên. Khả năng suy thoái kinh tế, xác suất đã tăng lên khoảng tầm trên 30% xảy ra suy thoái. Tuy nhiên gần như tất cả đều thống nhất rằng nếu suy thoái kinh tế đó xảy ra thì sẽ nhẹ và sẽ trong ngắn hạn.
Ở Mỹ, sang đến tháng 2 của năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ chỉ còn tăng 6% tính theo năm và tăng 0,4% so với tháng trước. Như vậy, đây là tín hiệu vĩ mô tích cực để phía các cơ quan quản lý về tiền tệ, tài chính của Mỹ có thể xem xét lại mức độ tăng lãi suất, giúp giảm nguy cơ suy thoái kinh tế. Đồng thời, trước khi trường hợp của SVB hay Signature bank xảy ra thì dự báo FED có thể tăng lãi suất lên đến mức đỉnh là khoảng 5,5-5,75%, nhưng hiện dự báo sẽ chỉ 5,25%, thậm chí là khoảng 5%. Một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam chính là Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thay đổi chính sách Zero-Covid. Và theo thông báo mới nhất của Trung Quốc, họ dự báo năm 2023 tăng trưởng kinh tế của họ có thể đạt được khoảng 5,5%. Vì vậy, tôi cho rằng nguy cơ hay là mức độ suy thoái kinh tế, nếu có xảy ra thì sẽ mang tính cục bộ và sẽ giảm được về phạm vi.
Vậy liệu sự đổ vỡ của một số ngân hàng Mỹ và những hiệu ứng liên quan có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam không, theo đánh giá của công?
Điều đầu tiên sẽ tác động đến Việt Nam, đó là nền kinh tế thực của chúng ta, khi Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn. Do đó, vấn đề mà chúng ta lo ngại, đó là suy thoái kinh tế, chắc chắn là với những suy thoái kinh tế tại các thị trường hàng đầu của Việt Nam như Mỹ hay Châu Âu sẽ tác động đến nền kinh tế thực của Việt Nam. Và trong thực tế, chúng ta đã thấy từ nửa cuối năm 2022 sang đến những tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu của một số doanh nghiệp Việt Nam khá căng thẳng, đặc biệt là những nhóm ngành như là dệt may, da giày hay xuất khẩu đồ gỗ.
Nhóm vấn đề thứ hai liên quan tới thị trường tài chính chúng ta, ngay khi trường hợp của SVB hay Signature vừa mới xảy ra ở Mỹ thì trong một chừng mực nhất định cũng phản ánh vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết những biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều bắt nguồn từ những nguyên nhân nội tại nhiều hơn là bắt nguồn từ những ảnh hưởng của quốc tế, do đó có thể tạm an tâm về thị trường chứng khoán.
T heo ông có những bài học nào cho Việt Nam sau câu chuyện trên để phòng ngừa những điều tương tự có thể xảy ra?
Tôi đánh giá rất cao khả năng điều hành của cơ quan điều hành về tiền tệ của Việt Nam. Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyết định giảm các lãi suất điều hành, từ 0,5-1% ngay từ ngày 15/3, sau hai đợt tăng liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10/2022 là những quyết định rất sáng suốt và phù hợp với diễn biến của nền kinh tế thực cũng như nền tài chính Việt Nam.
Vấn đề tiếp theo chúng ta có thể rút kinh nghiệm đó là về vấn đề về giám sát hệ thống. Tại Mỹ, khi đạo luật Dodd – Frank ra đời thì trước đó, với một quy mô tài sản 50 tỷ USD đã phải chịu sự giám sát rất gắt gao của cơ quan quản lý tiền tệ ngân hàng hối đoái của Mỹ. Nhưng bắt đầu từ năm 2018 họ đã sửa điều luật Dodd – Frank và nâng mức đó lên gấp 5 lần, lên tới 250 tỷ USD. Và chính vì thế đã góp phần xảy ra những trường hợp của SVB hay trường hợp Signature - là những ngân hàng có quy mô tài sản tăng rất nhanh nhưng chưa đến ngưỡng 250 tỷ USD rơi vào trạng thái giám sát. Cộng thêm việc tăng lãi suất, khiến cho các hoạt động của họ tiềm ẩn rủi ro. Và như thì tôi cho rằng kinh nghiệm đó, bài học đó cũng rất tốt cho chúng ta. Ở Việt Nam, những ngân hàng nhỏ và yếu kém lại kiểm soát chặt hơn. Và một điểm nữa mà tôi cho rằng ở Việt Nam cũng rất cần quan tâm, trong trường hợp mới xảy ra, vai trò của bảo hiểm tiền gửi, của hệ thống bảo hiểm tiền gửi của Mỹ được chính thức thành lập từ cách đây đúng 90 năm, năm 1933 đã phát huy tác dụng rất là tốt. Và cuối cùng từ những bài học kinh nghiệm đó, kể cả kinh nghiệm thành công cũng như thất bại từ những vụ việc tài chính ở một thị trường phát triển đi trước chúng ta rất nhiều như Mỹ cũng sẽ rất bổ ích cho các cơ quan quản lý cũng như bản thân các ngân hàng, các định chế tài chính.
Còn về thị trường chứng khoán toàn cầu đã dần trở lại ổn định sau khi phản ứng giảm mạnh trước các thông tin ngân hàng Mỹ mất thanh khoản. Theo ông thì trong thời gian tới thị trường sẽ diễn biến như thế nào?
Ngân hàng Nhà nước đã bật một tín hiệu rằng, chúng ta có thể chủ động trong việc nới lỏng hay ít nhất là không thắt chặt quá mức chính sách tiền tệ của mình. Và như vậy thì khi lãi suất theo xu hướng giảm, chắc chắn khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ lạc quan. Một yếu tố nữa rất đáng quan tâm, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đang đối mặt với bài toán về doanh thu tăng chậm, trong khi đó chi phí lại đang tăng nhanh, vì vậy bản thân các doanh nghiệp, các công ty niêm yết cũng cần có những bài toán để tái cơ cấu lại. Khi đó, giá trị cổ phiếu của họ trên sàn mới về đúng thực chất và sự tăng lên mới đảm bảo được sự ổn định, bền vững.
Nhịp Sống Thị Trường