TS.Cấn Văn Lực: "Chúng ta cần quan tâm hơn đến rủi ro của hệ thống tài chính liên thông với bất động sản"
TS.Cấn Văn Lực.
Theo TS.Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia hiện nay Việt Nam có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng khá chung chung, chưa có phân nhóm riêng, phân ngạch riêng và quyền lợi của người tiêu dùng tài chính.
Tại Tọa đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, đánh giá về những giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian gần đây chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định trong tất cả những nhóm chính sách vừa qua có 2 cái được rất lớn.
Thứ nhất, với Nghị định 08 là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi tiền hàng, tức là cho phép hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm là bất động sản hoặc thứ khác, cái này chưa từng có. Đây là tháo gỡ rất quan trọng cho thị trường bất động sản.
Thứ hai là tính liên thông giữa thị trường tài chính và bất động sản, tức là song song với Nghị định 08 phải tháo gỡ cả kênh tín dụng, cả kênh thị trường bất động sản. Với hai thị trường này Thủ tướng đã ban hành nhiều công điện, nhiều chỉ thị, nhiều quyết sách trong thời gian vừa qua.
Theo TS Cấn Văn Lực vẫn còn những rào cản lớn nhất của chúng ta chính là hình thức phát hành. Hiện nay thống kê sơ bộ chúng tôi thấy rằng, 90% TPDN là phát hành riêng lẻ và chỉ có 10% phát hành ra công chúng.
"Phát hành riêng lẻ thì quy trình thủ tục đơn giản hơn rất nhiều, phát hành chỉ trong một nhóm các nhà đầu tư. Chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua những trái phiếu này, tức là phải có hiểu biết và phải theo những điều kiện mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra. Rõ ràng là chúng ta thấy cấu trúc này rất mất cân đối", ông Lực nhấn mạnh.
Để bảo đảm an toàn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu, ông Lực cho rằng: "Chúng ta phải đồng bộ chính sách thì mới tháo gỡ được các khó khăn của thị trường. Ví dụ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ liên thông với thị trường tín dụng cũng cần tiếp tục tháo gỡ như nêu ở trong Chỉ thị 1177".
Ông Lực cũng nhấn mạnh thêm: "Về thị trường bất động sản thì pháp lý còn có rào cản khá lớn. Ngoài ra, rất mong Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nâng hạng thị trường chứng khoán vì Việt Nam đang ở vị thế rất tốt".
Theo vị chuyên gia này, để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu cần tăng cường truyền thông, đặc biệt là giáo dục tài chính cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên có liên quan.
"Chúng ta muốn họ thực thi vượt trên quy định của pháp luật thì phải nâng cao ý thức của họ và tăng cường truyền thông về giáo dục tài chính. Như tôi nhiều lần đề xuất là chúng ta nên đưa giáo dục tài chính vào chương trình học cấp 3 như một môn học phổ thông giống như nhiều nước khác đang làm", ông Lực cho biết.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực: "Hiện hay các nước đã đưa ra hướng phải quan tâm hơn đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính. Chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng khá chung chung, chưa có phân nhóm riêng, phân ngạch riêng và quyền lợi của người tiêu dùng tài chính. Chúng ta cần quan tâm hơn đến rủi ro của hệ thống tài chính liên thông với bất động sản, đồng thời kiến tạo để phát triển".
Ông Lực đánh giá thị trường trái phiếu của Việt Nam còn non trẻ, bắt đầu chính thức 10 năm trở lại đây, nhộn nhịp chủ yếu từ 2016, 2017 đến bây giờ. Hiện nay, quy mô thị trường cũng còn nhỏ, tính quy mô thị trường TPDN tương đương 11% GDP. So với Trung Quốc khoảng 36%, Hàn Quốc khoảng 89%, Singapore 26% và Thái Lan 27%. "Rõ ràng chúng ta nhỏ bé hơn bất kỳ nước nào trong khu vực", ông Lực cho biết.
Theo TS. Cấn Văn Lực, tính đặc thù đặc biệt của chúng ta rất khác so với khu vực về cơ sở nhà đầu tư, về hình thức phát hành giữa riêng lẻ với công chúng. Chính vì thế, tôi nghĩ là chúng ta không nên quá lo lắng, bởi vì còn rất nhiều dư địa để định hướng phát triển an toàn, lành mạnh hơn thời gian tới.
"Tôi lấy ví dụ, hiện nay vai trò của thị trường trái phiếu nếu như so tổng thể với thị trường tài chính của chúng ta, thì quy mô dư nợ trái phiếu so với thị trường tài chính chiếm khoảng 13%. Trong khi đó ở Thái Lan là khoảng 27%, Philippines là 22%, Trung Quốc khoảng 25%. Rõ ràng chúng ta còn dư địa có lẽ là tăng gấp đôi quy mô của thị trường này.
Tôi biết Chiến lược tài chính của Bộ Tài chính có yêu cầu phát triển thị trường trái phiếu nói chung, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và TPDN sẽ phải tương đương 47% GDP đến 2025. Tôi rất mong chúng ta sẽ phát triển theo hướng đó, nhưng quan trọng hơn chính là chất lượng TPDN của chúng ta. Tôi xin lưu ý thêm là tổ chức phát hành phải nâng cao chất lượng của mình, theo đó quản trị doanh nghiệp phải nâng tầm lên, hướng vào tính công khai, minh bạch và tính chuyên nghiệp của thị trường", ông Lực phân tích.
"Đối với thị trường bất động sản, tôi nghĩ rằng, tất cả mọi thứ sẽ bắt nguồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp phát hành. Nếu doanh nghiệp phát hành tốt lên thì mọi thứ sẽ được giải tỏa...Hiện một trong những vướng mắc nhất của thị trường bất động sản hiện nay là tính pháp lý của các dự án, chiếm khoảng 70-80% khó khăn của thị trường bất động sản.
Yếu tố chính sách, thủ tục đó mà được giải quyết thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ nhanh chóng kết thúc được các dự án, đưa sản phẩm ra thị trường bán, thu tiền về và sẽ giải tỏa được tất cả các nghĩa vụ nợ với ngân hàng, rồi nợ trái phiếu doanh nghiệp... giải quyết các vấn đề liên thông giữa các thị trường" .
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)