MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS.Nguyễn Đình Cung: Thiếu điện - Chưa thấy vai trò Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước ở đâu?

Theo TS Nguyễn Đình Cung, thiếu điện hiện nay chỉ “đổ lỗi” cho EVN là không đúng, cần xác định cả vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, ở đâu?”.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây vài năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các tính toán đều chỉ ra rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023-2024.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2022, miền Bắc tăng trưởng nhanh điện thương phẩm, cao hơn cả miền Trung và Nam, trung bình đạt 9,9%. Nếu loại trừ 2 năm Covid-19 thì miền Bắc tăng 12-13%.

Vừa qua, tại miền Bắc có một số dự án điện công suất lớn được đưa vào vận hành là nhà máy nhiệt điện Hải Dương, công suất 1.300 MW; Nghi Sơn 2 công suất 1.200 MW và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 1.200 MW. Tuy nhiên, do Nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành nên chỉ vận hành 600 MW. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, miền Bắc chưa có thêm dự án nguồn điện nào khởi công.

Ngoài ra, trước hàng loạt hồ thuỷ điện khác khu vực miền Bắc cũng đang ở mực nước chết. Cùng với suy giảm nguồn phát từ các nhà máy nhiệt điện gặp nhiều sự cố do phải vận hành tối đa công suất trong thời gian dài; việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào hiện gặp khó khăn (Trung Quốc cũng đối mặt tình trạng thiếu điện và phải tiết giảm công suất)… đang đặt ra nhiều thách thức trong cung ứng điện hiện nay.

TS.Nguyễn Đình Cung: Thiếu điện - Chưa thấy vai trò Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước ở đâu? - Ảnh 1.

Hàng loạt hồ thuỷ điện khác khu vực miền Bắc cũng đang ở mực nước chết.

Chia sẻ về tình trạng thiếu điện hiện nay tại toạ đàm “Giải quyết bài toán thiếu điện cách nào?” do Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức vừa qua, TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trước tiên phải biết nguyên nhân của thiếu điện là gì. Phải khẳng định, thiếu điện hiện nay là do hạn hán, nắng nóng. Đây là yếu tố do “ông trời” quyết định chứ không phải do con người.

"Công suất đặt thì lớn nhưng chúng ta không có dự phòng và đang phải vận hành hệ thống điện theo kiểu "giật gấu vá vai". Đường truyền tải điện cũng là vấn đề. Hiện không thể truyền tải nhiều điện từ miền Nam, miền Trung ra cứu miền Bắc do giới hạn công suất truyền tải. Do đó, phải xác định việc thiếu điện sẽ còn kéo dài thời gian tới" - TS.Nguyễn Đình Cung chỉ ra.

Bên cạnh đó, TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, nguyên nhân sâu xa hơn nữa cần phải “mổ xẻ” là việc thiếu điện hiện nay có tính hệ thống, thiếu điện đã được cảnh báo nhưng chúng ta chưa có hành động rõ ràng.

“Các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong hai năm 2023 - 2024. Nguyên nhân vì miền Bắc gần như không có nguồn mới nào cả. Ngay cả Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công. Thủy điện thì 3 - 4 năm qua đều đã xây dựng hết cả rồi” - TS.Nguyễn Đình Cung cho biết.

Cũng theo TS.Nguyễn Đình Cung, thiếu điện hiện nay chỉ nhìn vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là không đúng, cũng chưa thấy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ở đâu? Một trong những vướng mắc mà các tập đoàn, tổng công ty và Ủy ban đang gặp phải là chậm phát triển các dự án năng lượng mới.

TS.Nguyễn Đình Cung: Thiếu điện - Chưa thấy vai trò Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước ở đâu? - Ảnh 2.

TS.Nguyễn Đình Cung

Thực tế cho thấy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 7 tập đoàn và 12 tổng công ty. Trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Chính phủ đang giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Để khắc phục tình trạng thiếu điện, theo ông Cung, phải thay đổi cách thức vận hành của các cơ chế chính sách và cách tiệm cận giải quyết vấn đề đúng theo cơ chế thị trường. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, thật quyết liệt từ các cấp cao nhất, câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư chứ không phải là nút thắt như kìm hãm sự phát triển. Do đó, phải thay đổi từ cách làm chính sách.

"Phải làm sao để thị trường vận hành, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh. Như vậy mới giải quyết được vấn đề. Với thiếu điện hiện tại, cần tập trung giải quyết. Như các nhà máy nào đang triển khai xây dựng, đầu tư, phải cấp tập hoàn thành sớm, càng sớm càng tốt" - TS.Nguyễn Đình Cung nói.

Vị chuyên gia này cũng gợi ý thêm, một yếu tố quan trọng trong giải bài toán thiếu điện chính là nếu tiếp tục để EVN lỗ như hiện nay, duy trì mức giá bán điện thấp hơn giá mua thì ngân sách phải bù lỗ. Việc này phải nhìn nhận, đây không phải do kinh doanh yếu kém mà do chính sách tạo nên.

"Thực tế, trong những năm qua, EVN đã nỗ lực rất lớn trong cải thiện chỉ số tiết kiệm điện, từ đứng thứ bét bảng đã nhảy lên vị trí 25, nhảy hơn 100 bậc. Đó là sự cải thiện ngoạn mục, một trong những yếu tố cung cấp điện ổn định và được đánh giá cao. Theo đó, nếu EVN lỗ thì phải tăng giá để bù lỗ, nếu tiếp tục lỗ thì ngân sách phải bù khoản lỗ đó. Chúng ta phải sòng phẳng mới giải quyết được vấn đề nếu không sẽ loanh quanh không giải quyết được" - ông TS.Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.


Theo Ngọc Linh

Báo Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên