MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ba thách thức trong cung ứng điện - Bài 1: Méo mó quan hệ cung - cầu

Ba thách thức trong cung ứng điện - Bài 1: Méo mó quan hệ cung - cầu

Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia một cách bền vững là yêu cầu sống còn đối với một quốc gia, là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Ba thách thức trong cung ứng điện - Bài 1: Méo mó quan hệ cung - cầu - Ảnh 1.

Từ đỉnh đập nhìn xuống, mực nước hồ thủy điện Sơn La thấp hơn nhiều so với vạch mực nước dâng bình thường cho phép. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Ở Việt Nam, điện là loại năng lượng đặc biệt, là mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá. Điện cũng là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Nói đến điện không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên ngành điện lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về cung - cầu, đầu tư, giá.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ hôm nay (10/6), theo kế hoạch, Đoàn Thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bắt đầu triển khai các công việc để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục các vấn đề còn tồn tại trong cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới. TTXVN xin giới thiệu loạt bài “Ba thách thức trong cung ứng điện” nhằm phác họa bức tranh toàn cảnh về những tồn tại của ngành điện hiện nay.

Bài 1: Méo mó quan hệ cung - cầu

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh cho biết, thách thức lớn nhất trong hệ thống điện hiện nay là tại miền Bắc hầu như không có nguồn điện mới được đưa vào nên đang phải truyền tải cao từ các nguồn điện dư thừa ở khu vực miền Trung và miền Nam ra miền Bắc. Nguồn điện gần đây nhất được huy động là Nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200 MW. Mặc dù vậy, đường dây truyền tải từ Nam ra Bắc cũng chỉ có giới hạn. Có những thời điểm vẫn phải truyền tải tới 2.600 MW, trong khi để lưới truyền tải vận hành an toàn chỉ quanh mức 2.200 MW.

“Đây sẽ là khó khăn rất lớn trong một vài năm tới khi có sự mất cân đối giữa nguồn cung ứng điện và nhu cầu phụ tải từng khu vực”, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh nhận định.

Hệ thống điện của Việt Nam tới cuối tháng 12/2022 có 360 nhà máy đang vận hành (không kể các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ) với tổng công suất đặt 80.704 MW, chưa kể nguồn nhập khẩu; trong đó, thuỷ điện chiếm 21%, nhiệt điện than 32%, điện mặt trời trang trại 11,4%, điện mặt trời mái nhà nối lưới 9,49%, nhiệt điện khí 9,17%, điện gió 6,27%, còn lại là thuỷ điện nhỏ 1,96%, điện sinh khối 0,49%, điện nhập khẩu 0,71%…

Nguồn điện của các nhà đầu tư ngoài EVN như các doanh nghiệp nước ngoài, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân hơn quá nửa. Riêng các nhà máy thuỷ điện nhỏ cũng như các nhà máy điện gió và điện mặt trời đã, đang xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư chủ yếu là của tư nhân.

Với công suất lắp đặt khoảng 80.000 MW mà công suất khả dụng (công suất tối đa mà máy phát có thể phát được an toàn và liên tục) chỉ có tầm 46.000 MW thì có nhiều nguyên nhân; trong đó có câu chuyện El Nino, nắng nóng cực đoan diễn ra gây áp lực rất lớn cho cung ứng điện phục vụ sản xuất và đời sống người dân tại khu vực phía Bắc.

Các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về nhưng hiện nay một số nhà máy phải dừng để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế, không thể đáp ứng việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.

Báo cáo mới nhất ngày 8/6 của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cho thấy, có 9 hồ thuỷ điện đang ở mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An. Nhiều hồ thuỷ điện lớn đang ở mực nước chết không thể huy động phát điện để đảm bảo an toàn kỹ thuật đã ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống điện và cung cấp điện cho sinh hoạt của người dân. Chưa kể nước hồ thuỷ điện sau khi qua máy để làm ra điện còn cung cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho hạ du.

Bên cạnh đó còn có 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo như: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà cho biết, mực nước tại hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết từ ngày 1/6. Trước tình hình này, Công ty đã chủ động dừng hoạt động của 2 tổ máy (công suất mỗi tổ máy 40 MW), tổ máy số 3 tiếp tục phát điện ở công suất tối thiểu (15 MW) nhằm đảm bảo cung cấp nước cho hạ du và duy trì cung cấp điện cho đời sống của nhân dân, đồng thời đảm bảo đúng quy trình điều tiết liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Theo ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6 tới. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000 MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6/2023, công suất khả dụng của nguồn thuỷ điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt.

Về điện gió ở Việt Nam, mùa gió tốt là từ tháng 12 đến tháng 2, tức là lúc thời tiết lạnh, nhu cầu sử dụng điện không nhiều, còn gió từ tháng 3-4-5 hàng năm là mùa lặng. Nên mặc dù công suất điện gió vào khoảng 5.000 MW nhưng chỉ phát được vài trăm MW tới 1.000 MW.

Hàng ngày hệ thống điện cũng chỉ huy động được tầm 12.000 MW từ nguồn điện mặt trời, còn ban đêm thì mặt trời không có nên mất gần như toàn bộ 17.000 MW từ điện mặt trời trang trại và mái nhà.

Bên cạnh đó, theo ông Hà Đăng Sơn, việc cung ứng các nguyên liệu truyền thống như than, khí cũng gặp nhiều khó khăn, khó để đàm phán mua điện Trung Quốc với mức giá hợp lý vì bản thân Vân Nam (Trung Quốc) cũng đang thiếu điện. Một số tổ máy nhiệt điện than ở miền Bắc như Phả Lại, Vũng Áng, Nghi Sơn 2, Thái Bình 2 vừa bị sự cố phải khắc phục khi nước làm mát cho lò hơi nóng theo thời tiết khiến công suất phát điện của các nhà máy này giảm đi.

Về điện nhập khẩu, tại buổi trao đổi với một số cơ quan báo chí về tình hình cung cấp điện và một số vấn đề liên quan mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, tổng sản lượng điện nhập khẩu hàng năm chỉ hơn 10 triệu kWh/ngày, chưa tới 1,3% sản lượng điện toàn quốc; trong đó nhập từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ khoảng 7 triệu kWh/ngày, mua của Trung Quốc từ năm 2005 với sản lượng 4 triệu kWh/ngày.

Về lý do nhập khẩu điện, theo EVN, năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc. Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc.

Thêm nữa, tiến độ hàng loạt các dự án nguồn điện khu vực phía Bắc đưa vào chậm so với quy hoạch điện đã được phê duyệt trước đó đã gây áp lực đến cung cấp điện.

Thiếu điện đã thực sự hiện hữu. Ngày 19/5/2023, công suất hệ thống điện lên cao nhất tính từ đầu năm và đạt 44.600 MW, tiêu thụ sản lượng điện là 932 triệu kWh. Tin vui nhất là từ ngày hôm nay 10/6, công suất nguồn điện miền Bắc có phần được cải thiện do đưa vào vận hành trở lại khoảng 1.000 MW công suất. Nhưng mới bắt đầu vào cao điểm hè nên thách thức của hệ thống điện trong mùa nóng 2023 còn ở phía trước.

Bài 2: Nút thắt từ cơ chế đầu tư

Theo Mai Phương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên