TTC Agris muốn huy động hơn 2.000 tỷ từ phát hành cổ phần
TTC Agris chào bán cổ phiếu tăng vốn, nguồn: TTC Agris
TTC Agris muốn huy động hơn 2.000 tỷ đồng từ phát hành 185 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và ESOP. Đồng thời, công ty cũng có chủ trương cổ phần hóa, niêm yết/ tái niêm yết công ty con, công ty liên kết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn từ nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Agris, HoSE: SBT) công bố Nghị quyết ĐHCĐ thông qua bằng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Theo đó, cổ đông đã duyệt phương án chào bán 148 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 12.000 đồng/cp, tỷ lệ 20% vốn.
Thông qua phương án phát hành, doanh nghiệp dự kiến thu về 1.777 tỷ đồng để bổ sung nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu thành công, vốn điều lệ sẽ tăng lên hơn 9.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trước ngày 31/12/2024 và sau khi được UBCK chấp thuận.
Nhìn vào lịch sử hoạt động, từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn đây là lần đầu tiên công ty mía đường chào bán cổ phiếu huy động vốn từ cổ đông hiện hữu. Trong quá khứ, doanh nghiệp thường tăng vốn bằng sáp nhập, phát hành ESOP, trả cổ tức cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức cho quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược.
Theo tài liệu họp ĐHCĐ thường niên sắp tới, HĐQT TTC Agris sẽ trình cổ đông phương án chào bán 37 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện 5% tổng số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Số tiền thu được 370 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.
Như vậy, thông qua 2 phương án phát hành, doanh nghiệp kỳ vọng thu về gần 2.150 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 9.370 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty còn có chủ trương cổ phần hóa, niêm yết/ tái niêm yết công ty con, công ty liên kết. HĐQT cho biết việc này nhằm đẩy mạnh định vị thương hiệu TTC Agris trên phạm vi toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn từ nhà đầu tư trong, ngoài nước. Hiện doanh nghiệp có 18 công ty con trực tiếp, 12 công ty con gián tiếp và 4 đơn vị liên kết.
TTC Agris là doanh nghiệp đầu ngành mía đường, gắn liền với tên tuổi bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT, - người được mệnh danh “Nữ hoàng ngành mía đường” với hơn 40 năm gắn bó trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong niên độ 2022 – 2023, sản lượng mía của TTC Agris đạt 2,5 triệu tấn, tăng 18% so với niên độ trước và chiếm 26% tổng sản lượng cả nước; tiêu thụ 1,3 triệu tấn đường, tăng 26% và chiếm gần 46% thị trường nội địa. Doanh nghiệp sở hữu vùng nguyên liệu xuyên biên giới với tổng diện tích 71.000 ha, trải dài ở 4 quốc gia gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc.
Các kế hoạch huy động vốn đề ra trong bối cảnh TTC Agris chuyển đổi mô hình kinh doanh. Niên độ vừa qua, công ty của bà Huỳnh Bích Ngọc đã chuẩn bị nguồn lực cho việc tiến vào thị trường tiêu dùng, dịch chuyển thế mạnh từ thuần sản xuất, phân phối sang thương mại, kinh doanh hàng tiêu dùng. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết niên độ 2023 – 2024 là năm tiền đề để công ty vận hành mô hình kinh doanh theo định hướng thị trường, kinh doanh đa kênh, đa ngành, đặc biệt là tham gia sâu hơn vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, khai thác chuỗi giá trị công nông nghiệp như mía, dừa, chuối, gạo...
Chí phí lãi vay bào mòn lợi nhuận
Bên cạnh đó, TTC Agris cũng đang có các khoản nợ lớn. Tổng nợ phải trả tính đến cuối niên độ 2022 – 2023 là 19.430 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay tài chính 11.687 tỷ đồng, riêng vay ngắn hạn 11.107 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn có 3.524 tỷ đồng chứng thư tín dụng trả chậm, tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu niên độ. Theo thuyết minh, đây là khoản phải trả cho các ngân hàng thương mại về việc mua nguyên liệu dưới phương thức mở L/C trả chậm tại các ngân hàng thương mại (UPAS L/C), thanh toán khi đến ngày đáo hạn L/C và chịu phí áp dụng.
Trong niên độ tài chính 2023 – 2024, khối Tài chính của TTC Agris cho biết sẽ bám sát biến động lãi suất trên thị trường, tìm cách tối ưu chi phí lãi vay, tìm kiếm các gói tín dụng dài hạn để cân đối nợ ngắn hạn, thực hiện gói tín dụng quốc tế và tăng hạn mức tín dụng ngắn hạn để đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về kết quả kinh doanh, niên độ 2022 – 2023, công ty đạt 24.743 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 35% nhờ dù bối cảnh ngành gặp nhiều thuận lợi, giá đường tăng phi mã. Song, lãi trước thuế 719 tỷ đồng, giảm 31%; lãi ròng 537 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận ròng suy giảm do chi phí lãi vay tăng mạnh từ 814 tỷ đồng lên 1.499 tỷ đồng.
Niên độ 2023 – 2024, TTC Agris đặt mục tiêu doanh thu giảm 17% xuống 20.622 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 18% lên 850 tỷ đồng.
Theo tradingeconomics.com, giá đường đã chạm đỉnh 10 năm vào cuối tháng 4 ở mức xấp xỉ 27 cent/pound và biến động quanh 22 – 27 cent/pound. Ban lãnh đạo TTC Agris dự báo giá đường năm 2024 sẽ khó thấp hơn 20 – 21 cent/pound.
Nguyên nhân là hiện tượng El Nino diễn ra sớm hơn ở khu vực châu Á (quý III) và khu vực châu Âu (quý IV), qua đó sản lượng đường có khả năng cao sẽ thiếu hụt ở các thị trường lớn như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc. Ấn Độ đã thông báo kế hoạch cấm xuất khẩu đường bắt đầu tư tháng 10. Đồng thời, giá dầu thô ở mức cao sẽ tác động đến việc chuyển hướng mía sang sản xuất ethanol, đặc biệt là Brazil. Với thị trường trong nước, giá tiếp tục tăng cùng đà tăng của thế giới và khả năng kiểm soát đường nhập lậu thời gian tới.
Nhà Đầu Tư