TTC AgriS thuộc top doanh nghiệp có điểm xếp hạng tín nhiệm cao nhất thị trường
Ngày 30/12/2022, Saigon Ratings - Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm độc lập tại Việt Nam (Credit Rating Agency-CRA) được Bộ Tài chính cấp Giấy phép hoạt động, đã công bố Báo cáo xếp hạng tháng 12/2022, trong đó, TTC AgriS được ghi nhận thuộc top doanh nghiệp có điểm xếp hạng tín nhiệm cao hàng đầu thị trường với xếp hạng ở mức “vnA+”, triển vọng “Ổn định”.
Chìa khóa khẳng định thương hiệu doanh nghiệp trên nền tảng đa quốc gia
Theo đó, xếp hạng tín nhiệm của TTC AgriS phản ánh vị thế dẫn đầu của công ty trong ngành mía đường Việt Nam cả về thị phần, doanh thu, lợi nhuận và năng lực sản xuất.
Triển vọng ở mức "Ổn định" của TTC AgriS phản ánh khả năng duy trì tăng trưởng doanh thu và EBITDA cao trong 3 năm tới. Biên lợi nhuận ổn định và có chiều hướng tăng do tăng trưởng của các phụ phẩm sau đường và cạnh đường. Các chỉ số đòn bẩy, khả năng trả lãi, và chỉ số DSCR được cải thiện và khả năng tiếp cận vốn vay và tái tài trợ từ các ngân hàng trong và ngoài nước của công ty được duy trì ở mức tốt.
Nhìn từ khía cạnh phân tích, đây là mức xếp hạng khả quan khi TTC AgriS nằm trong số doanh nghiệp có điểm xếp hạng tín nhiệm cao nhất thị trường và có thể đạt mức cao hơn nếu thị trường tài chính tiếp tục thuận lợi.
Triển vọng phát triển hệ số tín nhiệm của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới - Nguồn: Theo Báo Điện tử Chính phủ
Cuối tháng 12/2022, TTC AgriS đã chính thức ký kết, tiếp tục hợp tác với Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam). Theo đó, HSBC sẽ là đối tác chiến lược quan trọng của TTC AgriS, thực hiện các công tác đánh giá và cung cấp các giải pháp tài chính bền vững, đồng hành cùng TTC AgriS trong quá trình chuyển đổi và phát triển mô hình Commercial Value Chain quy mô toàn cầu.
HSBC cũng là đối tác chiến lược trong nhiều năm của TTC AgriS không chỉ tại Việt Nam mà còn mở rộng sang các thị trường quốc tế như Singapore, Úc,... Trong thời gian tới, HSBC sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác theo chiến lược phát triển với quy mô hợp tác đa quốc gia của TTC AgriS, tận dùng tối đa sự tương thích về thế mạnh và các giá trị mà cả 2 bên cùng hướng tới, vì mục tiêu phát triển lâu dài của TTC AgriS và HSBC, cũng như nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.
Trước đó, TTC AgriS cũng được Brand Finance định giá giá trị thương hiệu năm 2021 là 115 triệu USD, tăng 40% so với năm 2018, xếp hạng thương hiệu tăng từ AA+ lên AAA-.
Đặc biệt, với vị thế là Công ty đa quốc gia, mới đây TTC AgriS đã chủ động chuyển đổi mô hình quản trị và kinh doanh từ Sản xuất Nông nghiệp thuần túy sang mô hình Kinh doanh Kinh tế Nông nghiệp Thông minh, tích hợp Sản xuất - Xuất nhập khẩu - Thương mại dịch vụ Nông nghiệp. Song song đẩy mạnh hoạt động R&D để trở thành doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng cao - thương mại tiêu dùng tích hợp.
Phát triển xếp hạng tín nhiệm – Nâng hạng uy tín quốc gia
Mới đây, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thắt chặt khi Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Cụ thể, mặc dù phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp phát hành vẫn bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp.
Sau khi Nghị định 65 đi vào hiệu lực chính thức, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại vào đầu quý 4/2022 khi hàng loạt các công ty lớn phát hành các lô trái phiếu mới.
Tháng 5/2022, Bộ Tài chính đã triển khai "Đề án cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia tới năm 2030", phấn đấu tới năm 2030 nâng xếp hạng của Việt Nam lên hạng "Đầu tư" ở mức đủ khả năng thực hiện cam kết tài chính. Đây là động thái mạnh mẽ từ Chính phủ tiếp nối hoạt động hợp tác chính thức với cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất và có uy tín trên thế giới là Moody’s, S&P và Fitch.
Việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa bổ trợ cho nền kinh tế vĩ mô, gia tăng niềm tin với nhà đầu tư quốc tế vào uy tín của quốc gia, thúc đẩy huy động vốn nước ngoài cho cả doanh nghiệp, nhất là khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.
Trong đó, căn cứ quan trọng để hình thành dải lãi suất tham chiếu cho thị trường vốn của quốc gia được xây dựng trên kết quả xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có cơ hội xây dựng hồ sơ tín dụng, minh bạch thông tin và nắm được thông tin về mức lãi suất huy động vốn phù hợp. Căn cứ vào các phân tích đánh giá độc lập dựa trên cơ sở dữ liệu chuyên sâu của nhà xếp hạng nội địa về các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng sẽ có góc nhìn đa chiều giữa các công cụ nợ, lãi suất và mức độ rủi ro đi kèm. Qua đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc rủi ro để định hướng và ra quyết định đầu tư đúng đắn, giúp thị trường vốn vận hành trơn tru và hiệu quả.
Tổ Quốc