MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK 2022 có điểm tựa khác hẳn khủng hoảng 2008-2009: Từ việc rất khó vay vốn ở thị trường nước ngoài đến khả năng huy động hàng trăm triệu USD vốn ngoại của DN Việt

18-11-2022 - 15:51 PM | Doanh nghiệp

TTCK 2022 có điểm tựa khác hẳn khủng hoảng 2008-2009: Từ việc rất khó vay vốn ở thị trường nước ngoài đến khả năng huy động hàng trăm triệu USD vốn ngoại của DN Việt

Chủ tịch VNDirect cho rằng vào năm 2008, nền kinh tế có "trục trặc" nhưng lúc ấy vốn điều lệ của các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại còn khá nhỏ, năng lực xử lý hậu quả chưa cao. Giờ đã khác!

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang là tâm điểm của khu vực với những biến động lớn. Từ mức đỉnh 1.500 điểm thiết lập hồi quý 1/2022, VN-Index liên tục giảm, có lúc nhúng xuống mốc 900 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư lo lắng trước nhiều sự kiện kinh tế, các vấn đề xảy ra trên thị trường trái phiếu và sự khó khăn của nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Tại Hội thảo được tổ chức mới đây của CTCK VNDirect, các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi so sánh cơn khủng hoảng của thị trường những năm 2008-2009 với hiện tại: Trong quá khứ chỉ số đã vượt qua như thế nào, và kịch bản xấu nhất thị trường sẽ về đâu?

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch VNDirect, bà Phạm Minh Hương, cho rằng câu chuyện hai giai đoạn hoàn toàn khác nhau.

Năm 2008, nền kinh tế có "trục trặc" nhưng thời điểm đó, vốn điều lệ của các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại còn khá nhỏ, và năng lực xử lý hậu quả chưa cao. Trong khi bây giờ thì khác, thị trường đang khó khăn nhưng các tổ chức tài chính đã có quy mô vốn lớn hơn rất nhiều, dẫn đến năng lực xử lý (cả về kinh nghiệm, giải pháp lẫn tài chính) ở mức cao hơn.

“Ngay như VNDirect hiện tại, vốn điều lệ cũng rất lớn. Vừa rồi, chúng tôi cũng đã vay vốn nước ngoài để dự phòng thanh khoản và có nhiều cách huy động vốn khác để ứng phó với thị trường ”, bà nói.

Chưa kể, những năm 2008-2009, việc vay vốn của các doanh nghiệp ở thị trường nước ngoài là rất khó. Trong khi hiện nay, như đã thấy, rất nhiều doanh nghiệp huy động hàng trăm triệu USD vốn ngoại.

Đơn cử, hôm 11/11 VPBank đã ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài chính lớn; hay SeABank cũng được Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) cấp khoản vay 200 triệu USD trong 7 năm; Chứng khoán Bản Việt (VCSC) với hạn mức lên đến 150 triệu USD (tương đương 3.675 tỷ đồng)…

Dù có dấu hiệu rút ròng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tăng, lạm phát tăng… song điều này không đồng nghĩa nhà đầu tư nước ngoài hết yêu thích Việt Nam. Rất nhiều dòng vốn ngoại đang chuẩn bị rót vào Việt Nam, thậm chí khối ngoại cũng đang có dấu hiệu mua ròng trở lại trên thị trường chứng khoán.

Dưới góc nhìn một tổ chức ngước ngoài, ông Soon Su Long – Tổng Giám đốc Maybank Việt Nam – cho biết: “Tôi đến Việt Nam 10 năm trước, lúc đó thị trường cũng rất xấu, đồng tiền mất giá nhanh… Và hôm nay, trong lúc khó khăn như hiện tại, Việt Nam vẫn có rất nhiều điều kiện tốt, đặc biệt đồng tiền đã mạnh hơn. 10 năm trước, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng chưa vững mạnh, quản trị rủi ro chưa tốt như hiện tại”.

Ông Soon cũng nhấn mạnh, đó không chỉ là góc nhìn cá nhân của ông, mà phần lớn định chế tài chính ngoại đều nhấn mạnh điều này khi nói đến Việt Nam. Sự khác biệt này còn đúng với thị trường chứng khoán, cụ thể có rất nhiều khác biệt lớn sau 10 năm.

Trong đó, quy mô thị trường, quy mô các doanh nghiệp niêm yết cũng như các thành phần tham gia đã và đang rất mạnh, chưa kể có kiến thức hơn trước nhiều. Và dù dòng vốn trong nước đang trục trặc, song nhìn rộng ra các nhà đầu tư ngoại vẫn rất hứng thú với Việt Nam, đặc biệt có Nhật Bản, Hàn Quốc….

“Lãi suất có tăng, song các nhà đầu tư nước ngoài không quá bận tâm vào việc này vì mặt bằng lãi suất Việt Nam so với khu vực vẫn ở mức hợp lý. Chưa kể, sự cố với nhóm doanh nghiệp bất động sản thực tế chỉ đại diện rất nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là nguyên nhân tại sao chúng ta không nên hoảng loạn mà phải bình tĩnh nhìn nhận vấn đề”, Tổng giám đốc Maybank nói thêm.

Thực tế thống kê sau hơn 2 thập niên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên, số lượng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6/2022 đạt con số là 2.186. Tổng khối lượng chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch trên cả ba sàn đạt gần 187.000 tỷ chứng khoán.

Vốn hoá thị trường cả ba sàn tại thời điểm 30/6/2022 đạt khoảng 7.842.166 tỷ đồng, gấp hàng nghìn lần so với con số khiêm tốn gần 1.000 tỷ đồng của năm 2000. Trong đó, vốn hoá HoSE hiện đạt 4.758.219 tỷ đồng, vốn hoá sàn HNX đạt 320.061 tỷ đồng và vốn hoá sàn UPCoM đạt 1.171.589 tỷ đồng.

Đi kèm với sự phát triển liên tục và đa dạng của quy mô cũng như các sản phẩm trên thị trường chứng khoán, lượng người tham gia đầu tư cũng nhanh chóng nở rộ, đặc biệt trong giai đoạn hai năm 2020-2021 và nửa đầu năm 2022. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,8 triệu tài khoản trong nửa đầu năm 2022, vượt qua con số kỷ lục 1,5 triệu tài khoản trong cả năm ngoái. Lượng tài khoản mở mới trong 6 tháng đầu năm nay chiếm đến 1/3 tổng số tài khoản chứng khoán trong hơn 22 năm hoạt động.

TTCK 2022 có điểm tựa khác hẳn khủng hoảng 2008-2009: Từ việc rất khó vay vốn ở thị trường nước ngoài đến khả năng huy động hàng trăm triệu USD vốn ngoại của DN Việt - Ảnh 1.
TTCK 2022 có điểm tựa khác hẳn khủng hoảng 2008-2009: Từ việc rất khó vay vốn ở thị trường nước ngoài đến khả năng huy động hàng trăm triệu USD vốn ngoại của DN Việt - Ảnh 2.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên