MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TTCK tuần 05/03 - 11/03] Chứng khoán Việt vẫn chưa thể “công thành” 1.130, TTCK thế giới đồng loạt hồi phục mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam nỗ lực vượt vùng đỉnh cũ. Trong khi đó, TTCK thế giới đồng loạt hồi phục tăng mạnh.

TTCK Việt Nam nỗ lực vượt vùng đỉnh cũ nhưng bất thành

Tuần qua, thị trường tiếp tục tăng điểm nhẹ, chỉ số VN-Index mặc dù gặp khó khăn trước sức ép giằng co tại vùng đỉnh tuy nhiên cuối cùng đều đã có sự nỗ lực giữ vững cột mốc được thiết lập tuần trước.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.123,41 điểm (+0,2%) và HNX-Index chốt phiên ở 127,58 điểm (+0,52%). Mặc dù có những phiên giao dịch thị trường dường như vượt mốc 1.130 điểm tuy nhiên càng tiến sát tới vùng đỉnh cũ, áp lực chốt lời tăng cao đã khiến chỉ số không thể bứt phá mạnh mẽ.  Đáng chú ý hơn cả là mặc dù trong các phiên đôi khi diễn ra đà rung lắc mạnh, nới rộng biên độ dao động nhưng dòng tiền vẫn tiếp tục chảy mạnh vào thị trường cho thấy những tiềm năng còn tăng trưởng tốt.

Dòng tiền hầu hết luân chuyển chính ở nhóm cổ phiếu Large Cap. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, ACB, BID, CTG, VPB… cũng đang là tâm điểm thu hút dòng tiền của thị trường và đồng loạt tăng kéo chỉ số trong những phiên giao dịch gần cuôi tuần. Các cổ phiếu có tính thị trường cao hơn như bất động sản cũng giao dịch khá tích cực thu hút dòng tiền trong những phiên giao dịch cuối tuần với nhiều mã tăng giá đáng chú ý như NLG, HBC…

Hiện tại thì chỉ số VNIndex vẫn đang dao động đi ngang kể từ ngày 26/02. CPTPP có thể chỉ có ít tác động ngắn hạn lên thị trường. Tuy nhiên nhận thấy thanh khoản ổn định trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn thay phiên giữ nhịp thị trường. Có lẽ VN- Index sẽ cần thêm chút thời gian tích lũy và để có thể thêm nhiều thông tin tích cực hơn nhằm hỗ trợ chỉ số có thể "break-out".

Vào những phiên cuối tuần, thị trường có vẻ được hỗ trợ từ thông tin ký kết hiệp định CPTPP. Tuy nhiên sự đồng thuận trên thị trường vẫn ở mức thấp, áp lực bán gia tăng nhanh chóng khiến VN-Index một lần nữa thất bại trong quá trình chinh phục hoàn toàn mốc đỉnh cũ. Hiệp định này theo đánh giá của các chuyên gia sẽ có tác động tích cực lên một số nhóm ngành xuất khẩu nhiều như dệt may, thủy sản. Ngành bất động sản khu công nghiệp có thể hưởng lợi gián tiếp khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng các nhóm này thì tỷ trọng đóng góp vào VN - Index không đáng kể. Hơn nữa, các cổ phiếu dệt may, thủy sản cũng đã phản ánh tích cực với thông tin trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây. Ngược lại các nhóm ngành như ngân hàng, vật liệu xây dựng, bất động sản tuy có tỷ trọng vốn hóa lớn nhưng có vẻ lại không chịu tác động từ CPTPP. Vì vậy, có lẽ CPTPP có tác động ngắn hạn không lớn.

Đối với thị trường CK phái sinh, trước các phiên biến động giằng co biên độ lớn của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh cũng ghi nhận một tuần giao dịch rất sôi động với các hoạt động trading trong những phiên rung lắc đảo chiều liên tục đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho các vị thế trading T+0. Trong khi đó rủi ro vẫn được đánh giá ở mức cao đối với các vị thế giữ lệnh trong trung hạn. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự gia tăng đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 32.256 hợp đồng.

TTCK thế giới đồng loạt tăng điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu hồi phục sau những tuần thua lỗ trước. Tất cả các chỉ số chính trở lại vùng tăng điểm tích cực. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.786 điểm (tăng 3,9%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.335 điểm (tăng 2,5%). Đặc biệt chỉ số Nasdaq Composite của nhóm ngành công nghệ cao đã vượt qua đỉnh cũ và đạt được kỷ lục mới trong ngày thứ Sáu, đóng cửa ở 7.560 điểm (tăng 4,7%). Chỉ số Russell 2000 Index của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng thể hiện rất tốt khi tăng 4,3% trong tuần.

Cùng với cổ phiếu công nghệ thông tin, cổ phiếu các ngành tài chính, công nghiệp và dịch vụ và nguyên vật liệu đều là những nhóm ngành tăng điểm tích cực trong tuần. Câu chuyện thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong tuần này là nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại vào hồi đầu tuần, nhưng sau đó những nguy cơ thực tế đã bị lu mờ dần, và tới cuối tuần tất cả thị trường đã lạc quan trở lại sau báo cáo việc làm ấn tượng được công bố bởi Bộ Lao động Mỹ.

Các chỉ số chính của châu Âu đã kết thúc tuần khá tích cực. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.224 điểm (tăng 2,2%), chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.274 điểm (tăng 3,1%), và DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.346 điểm (tăng 4,3%).

Tuy nhiên phiên cuối tuần của DAX 30 đã giảm điểm do chính sách thuế mới của Mỹ về thép và nhôm chính thức được thông qua. Đức là một nước xuất khẩu các sản phẩm thép, ôtô, và máy móc nên khá nhạy cảm với tin tức này. Đầu tuần, các quan chức của Ủy ban châu Âu đã trình bày trước các nước thành viên EU về danh sách hơn 100 sản phẩm của Mỹ trị giá 2,8 tỷ euro có thể bị ảnh hưởng để đáp trả hàng rào thuế mới của Mỹ.

Các chỉ số chứng khoán của Nhật Bản đã tăng điểm sau một tuần sôi động. Chỉ số Nikkei 225 tăng 1,4% và đóng cửa vào ngày thứ Sáu ở mức 21.469 điểm. Tuy nhiên, tất cả các chỉ số chứng khoán của Nhật Bản vẫn chưa đạt được đỉnh hồi đầu năm. Chỉ số Nikkei và TOPIX đều giảm khoảng 5,7% so với đầu năm. Đồng Yên giảm và đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức 106.85 Yên/ đô la Mỹ, mạnh thời điểm cuối năm 2017. Trong tuần, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã bỏ phiếu để duy trì chính sách kiểm soát lãi suất ngắn hạn ở mức -0.1% và dài hạn khoảng 0%.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Bloomberg, hầu hết các nhà kinh tế tin rằng BoJ sẽ không thay đổi lập trường chính sách tiền tệ trong năm nay khi Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cử Thống đốc Haruhiko Kuroda thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông Kuroda trước đây nhấn mạnh rằng BoJ sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu lạm phát. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, ông Kuroda cho biết BoJ sẽ thảo luận về việc bình thường hoá chính sách tiền tệ có thể bắt đầu vào năm 2019, cho thấy việc thắt chặt tiền tệ có thể xảy ra trước khi đạt được mục tiêu lạm phát.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục trong tuần qua. Chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.996 điểm (tăng 1,5%) và chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.307 điểm (tăng 1,6%). Trong tuần, các quan chức Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm nay, một trong những mục tiêu chính được công bố trong cuộc họp lập pháp hàng năm khi nước này tìm cách duy trì tăng trưởng ổn định trong khi hạn chế rủi ro tài chính.

Dường như mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 của Trung Quốc được cho là phù hợp so với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái. Báo cáo chính thức cho biết nền kinh tế đã tăng trưởng 6,9% vào năm 2017. Các quan chức cũng khẳng định lại quan điểm về chính sách tiền tệ thận trọng vào năm 2018 và họ sẽ đảm bảo thanh khoản ở mức hợp lý và ổn định.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên