[TTCK tuần 16/10 - 22/10] Chứng khoán Việt “hụt hơi”, TTCK thế giới muôn màu muôn vẻ
Thị trường chứng khoán thế giới vừa trải qua một tuần muôn màu sắc thái tại thời điểm công bố báo cáo tài chính, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam lại có một tuần lễ hơi đuối khi những ngày cuối tuần đang gần cận kề.
- 21-10-2017Nhóm Dragon Capital chính thức công bố sở hữu 20% cổ phần của FPT Shop
- 21-10-2017KDH phá đỉnh thiết lập 7 năm trước, Vietnam Ventures vẫn mua thêm 3,8 triệu cổ phiếu
- 21-10-2017VPB, HAX, KDH, ISDI, NTL, PHC, TTB, VE1, KPF, MEC, CTP: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu
TTCK Việt Nam hụt hơi khi càng về gần cuối tuần
Thị trường có một tuần tăng điểm nhẹ, tuy vậy vào những phiên gần cuối tuần chỉ số VN-Index đã điều chỉnh khiến xu thế chung của thị trường quay lại trạng thái giằng co với sắc đỏ chiếm ưu thế đa số trên sàn. Chính sự gia tăng của áp lực bán đã khiến VN-Index thất bại trong việc chinh phục cột mốc 830 điểm.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 826,84 điểm, tăng 5,89 điểm (+0,72%) và HNX-Index chốt phiên ở 108,14 điểm, giảm 0,97 điểm (-0,87%) so với tuần liền trước. Điểm nhấn lớn nhất trong tuần qua là nhóm cổ phiếu Large Cap đã giúp thị trường tiếp tục có những phiên tăng điểm đầu tuần. Trong đó SAB, VPB , VCB , VIC, GAS, MWG , ROS … thay phiên nhau nổi sóng và nâng đỡ VN-Index giữ vững nhịp tăng.
Điểm đáng quan tâm tuần qua là mặc dù điểm số tăng nhưng ngoại trừ một vài nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường thì số còn lại diễn ra cho thấy đang không mấy tích cực. VN-Index liên tục có những phiên rung lắc khi đang cố gắng nỗ lực vượt qua mốc điểm số 830.
Phiên giao dịch cuối tuần đã cho thấy thị trường đang diễn ra sự rung lắc khá mạnh, dù phiên sáng ngày thứ 6 chỉ số VN-Index đã có lúc vượt ngưỡng kháng cự 830 điểm thì ngay từ đầu giờ chiều, áp lực bán ra đã ép chỉ số quay đầu giảm điểm sâu và đóng cửa dưới mức tham chiếu. Sắc đỏ như tràn ngập khắp thị trường đặc biệt là các cổ phiếu có vốn hóa lớn với 20 mã cổ phiếu giảm giá trong nhóm VN30.
Tuần qua với 3 phiên liên tiếp đóng cửa ở mức giá trần, sắc tím của ROS chiếm một góc lớn trong biểu đồ nhiệt của HOSE nhưng xung quanh đó, một loạt những cổ phiếu nổi đình nổi đám của thị trường đều giảm khá mạnh. Không thể phủ nhận rằng dù ROS hỗ trợ rất tốt nhưng điều này vẫn là không đủ để kéo sự hưng phấn quay trở lại với thị trường
Đáng chú ý hơn cả là cổ phiếu APC (CTCP Chiếu xạ An Phú) có những diễn biến nhanh chóng bất ngờ trong tuần. Trước đó vào phiên giao dịch ngày 18/10 và phiên buổi sáng 19/10, APC đã bất ngờ giảm điểm và sau đó khớp sàn với khối lượng đáng kể tuy nhiên đến đầu giờ chiều phiên giao dịch ngày thứ 5, cổ phiếu đã được giải thoát và tăng trần lên mức giá cao nhất trong phiên. Về hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp sau khi công bố, APC vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, doanh thu 9 tháng của năm 2017 doanh nghiệp đạt được hơn 108 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 45%. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận kết quả ấn tượng với gần 47 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 63% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, VJC (CTCP Hàng không VietJet Air) tuần qua cũng được đẩy lên mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Hiện nay cổ phiếu đang giao dịch xung quanh mức giá 111.000 đồng/cp. Gần đây VJC cũng lần đầu tiên lọt vào vị trí thứ 10 trong danh sách “Top 10 DN tư nhân tốt nhất Việt Nam”, đây cũng là dấu mốc quan trọng kỉ niệm tròn 10 năm thành lập của VietJet Air. Tính đến thời điểm hiện tại, VietJet Air đang là một trong những DN thuộc khối tư nhân đang trên đà tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Mặc dù DN cũng mới niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong năm nay nhưng lại đang nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư trong và ngoài nước trong thời điểm hiện tại.
Đối với thị trường CK phái sinh, chốt tuần 3 hợp đồng đều đồng thuận giảm điểm ngoại trừ hợp đồng VN30F1806 .Phiên giao dịch ngày thứ 5 tuần qua cũng là phiên ghi nhận hợp đồng VN30F1710 đáo hạn và mở ra hợp đồng VN30F1806 sẽ bắt đầu giao dịch từ ngày 20/10 trở đi. Tuần tới đây VN30 có khả năng hồi phục và thử thách ngưỡng 820 chính vì vậy nhà đầu tư cần cân nhắc, mua khi VN30 điều chỉnh và chốt lời nhanh khi VN30 chạm 820-823.
TTCK thế giới muôn màu sắc thái tại thời điểm công bố BCTC
Tại Mỹ, thời điểm báo cáo lợi nhuận đang công bố đa số khá tốt khiến thị trường tiếp tục tăng điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 636 điểm lên mức 23.328 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20 điểm lên mức 2.575 điểm, còn Nasdaq 100 thì không thay đổi trong tuần qua. Các cổ phiếu tiếp tục tăng điểm vững chắc và lập những mức giá cao kỷ lục mới trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý 3. Kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến của IBM đã giúp cổ phiếu này tăng gần 9% vào ngày thứ Tư, đóng góp cho đà tăng ấn tượng của chỉ số Dow Jones Industrial Average. Ngành chăm sóc sức khỏe cũng có sự tăng trưởng ấn tượng, đại diện là cổ phiếu Johnson & Johnson khi công bố lợi nhuận vượt dự đoán. Ngành tài chính ngân hàng cũng báo cáo lợi nhuận cao hơn, đây là kết quả của các đợt tăng lãi suất trong thời gian vừa qua. Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng tăng trở lại. Trong tuần qua, chỉ có nhóm cổ phiếu năng lượng giảm điểm cùng với giá dầu vào cuối tuần khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ kỳ này tăng lên khiến nhu cầu khai thác dầu giảm.
Tại châu Âu, Chỉ số STOXX 600 đại diện cho chứng khoán Châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần trở lại đây trước khi phục hồi trở lại sau khi có dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ và Trung thúc đẩy các cổ phiếu ngành khai khoáng, hàng hóa, và cổ phiếu ngân hàng. Chỉ số DAX 30 của Đức, được đánh giá là chỉ số chứng khoán mạnh nhất châu Âu, đã chạm vào mức 13.089 điểm vào ngày thứ Tư, và chỉ số CAC 40 của Pháp trong tuần cũng tăng nhẹ 0,16%. Trong khi đó tình hình chính trị tại Tây Ban Nha lại căng thẳng trở lại khiến chỉ số IBEX 35 của nước này giảm 0,32%. Tại Anh, chỉ số FTSE 100 giảm 16 điểm xuống 7.519 điểm, còn trái phiếu của Anh lại tăng sau khi Ngân hàng Trung ương Anh cho biết sẽ tăng lãi suất trong tương lai gần.
Chứng khoán Nhật Bản đã có 14 ngày liên tiếp tăng điểm, chuỗi tăng điểm dài nhất trong 30 năm qua. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.457 điểm, tăng 236 điểm (1,1%) trong tuần. Tính từ đầu năm đến thời điểm này, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 12,3%, và chỉ số TOPIX Index tăng ở mức 14,0. Đồng Yên giảm và đóng cửa ở mức 113 yên/ đô la Mỹ.
Đối với Trung Quốc, chỉ số Hang Seng Index bất ngờ giảm điểm vào ngày thứ Năm và hồi phục nhẹ vào ngày thứ Sáu, đóng cửa ở mức 28.489 điểm, giảm 172 điểm (0,6%). Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,8% trong quý III. Tốc độ này đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2017 là khoảng 6,5%. Theo các nhà phân tích quốc tế, trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn nước này tăng trưởng với một tốc độ chậm hơn nhưng cần phải chắc chắn.