Từ 22 - 25: Ở cùng một độ tuổi nhưng chúng ta có đến 3 thế hệ khác nhau!
Trải qua những năm đầu đời của tuổi trưởng thành, đó là những ngày thành phải tự quyết định con đường phía trước của bản thân. Qua những ngã rẽ, ta mới nhận ra xung quanh mình, những con người có chung một độ tuổi nhưng mang suy nghĩ của ba thế hệ khác nhau!
- 12-06-2020Trước 30 tuổi, tôi chỉ biết đâm đầu vào kiếm tiền; sau 30 tuổi, tôi tổng kết ra được 3 điều: Có thể giúp bạn bớt vất vả trên con đường làm giàu
- 06-06-2020Ngày hè vừa ăn bát miến lươn 30 năm tuổi phố Chân Cầm, vừa nghe bà chủ kể chuyện xưa ôm bụng bầu đi bán rong khắp phố cổ mưu sinh
- 05-06-20205 nguyên tắc quản lý tiền bạc ai cũng phải hiểu rõ trước tuổi 30 nếu muốn nắm chắc phần thắng trong "trò chơi làm chủ cuộc đời"
Trong giai đoạn từ 22 - 25 tuổi là giai đoạn bước chúng ta bước vào tuổi trưởng thành thực sự. Tự chủ kinh tế, tự quyết định công việc và tương lai của bản thân. Đây là độ tuổi mà ai ai trong chúng ta đều cảm thấy chênh vênh giữa guồng quay cuộc sống.
Trước ngưỡng cửa trưởng thành, con người ta có vô số lựa chọn. Chúng ta không ai giống ai nhưng đều có những bước đi cho riêng mình. Để rồi đến một ngày ta nhận ra bạn bè xung quanh đã không còn như trước nữa. Đã có những ngã rẽ, những định hướng thay đổi lối sống của khiến suy nghĩ của mỗi người trở nên khác nhau. Rồi đến một ngày, trong cuộc nói chuyện chung, ta mới nhận ra bạn bè giờ đây đã thuộc ba thế hệ với tư tưởng khác nhau trong cùng một độ tuổi.
KẺ VẪN ĐI HỌC - TRƯỞNG THÀNH VẪN CÒN LÀ XA VỜI
Có thể nói, từ 22-25 tuổi là một độ tuổi kỳ lạ khi trong nhóm bạn, kẻ đã ra trường nhưng có người vẫn còn đi học, người thì đã tiến tới hôn nhân. Trong khi những người bạn đã ra trường hoặc lập gia đình, bước tới việc phải làm chủ cuộc sống thì vẫn còn những người tiếp tục sự nghiệp cắp sách tới trường.
Sau 4 năm kể từ khi tốt nghiệp THPT, người học nhanh thì cũng đã đi làm được 1 năm hoặc đúng hạn thì cũng đã ra trường. Nhưng vẫn còn những người tiếp tục nếp sống tới trường trong khi chúng bạn lại đang quen dần với nếp sống công sở. Có thể, chương trình học của họ dài hơn hoặc nợ môn chưa ra được trường hay học lên cao hơn bằng hai, bằng thạc sĩ.
Ở họ, giờ đây cuộc sống người trưởng thành vẫn chưa bắt đầu. Vẫn đi học, họ vẫn có quyền phụ thuộc vào tài chính gia đình. Cuộc sống của họ vẫn chưa phải đối mặt với những lo toan thường nhật so với những bạn cùng trang lứa. Vẫn đơn giản là những tiết học, buổi kiểm tra nối tiếp nhau giữa các kì thi lặp lại vốn đã rất quen thuộc với chúng ta.
Nhưng thực tế, họ cũng rất sốt ruột khi nhìn xung quanh, bạn bè đều đã có công việc, đã đi làm, tự chủ cuộc sống. Những câu chuyện công sở rôm rả khi bạn bè gặp nhau nhưng họ còn chưa được trải qua. Họ vẫn còn nhiều lo lắng và lựa chọn cho thời gian sắp tới. Và trước khi bước vào cuộc sống trưởng thành, trước hết họ phải hoàn thành thật tốt chương trình học bản thân để có những bước đệm tốt cho tương lai.
NGƯỜI MỚI ĐI LÀM - CHẬP CHỮNG BƯỚC ĐẦU ĐỜI
Ra trường - đi làm, ai ai đều đứng trước biết bao lựa chọn khi bước vào những bước đầu tiên cuộc đời. Làm chủ bản thân, công việc, tài chính, phải tự mình cân bằng cuộc sống là những gánh nặng mà người trẻ mới đi làm phải đối mặt.
Bước chân đi làm, cũng là lúc bạn bắt đầu một nhịp sống khác, một guồng quay khác. Phải tập cách kỷ luật bản thân chặt chẽ. Cuộc sống xung quanh là những deadline công việc nối tiếp nhau. Học cách tiếp xúc với những xung đột nơi công sở, học cách cư xử chuẩn mực.
Chập chững những bước đầu tiên vào cuộc đời, bắt đầu những định hướng tương lai lâu dài cho bản thân. Ta phải học cách quản trị tài chính bản thân và bắt đầu tiết kiệm và đầu tư cho tương lai. Thị trường lao động vốn khắc nghiệt, nếu ta không có sự bứt phá và phấn đấu thì sẽ nhanh chóng đào thải. Cho nên đây là thời điểm người trẻ rèn luyện và đầu tư hết sức để phát triển sự nghiệp bản thân. Chấp nhận những thử thách và vượt qua những giới hạn để khám phá và tiến tới thành công là điều mà những người mới đi làm cần nỗ lực mỗi ngày.
NGƯỜI KẾT HÔN LẬP GIA ĐÌNH - MONG CẦU SỰ ỔN ĐỊNH
Trong số những người bạn cùng độ tuổi, lại có những người kết hôn và lập gia đình sớm. Trái ngược bạn bè cùng độ tuổi hiện nay còn đang tận hưởng sự tự do của tuổi trẻ, lại có những người đặt cuộc sống của mình vào gia đình và con cái. Cuộc sống "bỉm sữa" đến sớm với những ông bố bà mẹ trẻ buộc họ phải trưởng thành sớm hơn so với tuổi.
Khi những người bạn cùng trang lứa còn đang tập tự chủ cho chính mình thì họ phải lo toan cho gia đình và con cái. Như thế đồng nghĩa với việc họ phải hy sinh một phần sự nghiệp để cân bằng cuộc sống gia đình. Những người ông bố bà mẹ trẻ với cuộc sống giờ đây chỉ xoay quanh con cái và mong cầu sự ổn định.
Ở họ, sự nghiệp chưa thể phát triển rực rỡ. Họ không thể cố hết sức, hy sinh bản thân, toàn tâm toàn ý cho công việc. Gia đình luôn là thứ quan trọng và điều được ưu tiên. Nên với họ một công việc an toàn và ổn định là điều họ mong muốn để cân bằng được cuộc sống.
Kết luận: Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ nên trước ngưỡng cửa cuộc đời mỗi người lại chọn cho mình một hướng đi riêng, không ai giống ai. Từ 22 - 25 tuổi, dù là những người bạn đồng trang lứa nhưng chúng ta lại bắt gặp suy nghĩ của nhiều thế hệ khác nhau. Người mong cầu ổn định, người chập chững trước tương lai hay người lại tiến bước trên nấc thang sự nghiệp. Tất cả đọng lại, chúng ta đều có những chiếc đồng hồ riêng, lựa chọn riêng cho chính cuộc sống của mình. Miễn sao đó là những lựa chọn chúng ta tin tưởng và hạnh phúc với quyết định của mình.
Báo Dân sinh