MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ bộ phim 'Ký sinh trùng' đến đời thực ở Hàn Quốc: Văn hóa 'Học hoặc chết' trong xã hội trọng bằng cấp (P.4)

02-07-2019 - 10:19 AM | Tài chính quốc tế

Tại Hàn Quốc, không quan trọng trong ví bạn có bao nhiêu tiền, hãy cho mọi người thấy mình có bao nhiêu bằng cấp trong tay.

Tại Việt Nam, học hành chỉ là một trong những con đường đi đến thành công nhưng ở Hàn Quốc, đó lại mang ý nghĩa sống còn với cả đời người. Ngay cả khi đã có việc làm, người Hàn vẫn ép bản thân học đến…chết.

Trong bộ phim "Ký sinh trùng" (Parasite), nhiều người có lẽ thắc mắc khi việc thuê gia sư lại quan trọng và tốn nhiều tiền như vậy. Tuy nhiên nếu nhìn tổng thể văn hóa giáo dục nói chung và kỳ thi xét duyệt tư cách vào đại học (Suneung) nói riêng, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn cảnh về một cuộc sống chả khác gì nhà tù ở Hàn Quốc.

Có thể nói, xã hội Hàn chẳng khác gì một nhà tù khi mọi người chỉ chuyển từ nhà tù bé lên nhà tù lớn hơn qua mỗi giai đoạn đời người.

Vòng quay học, học nữa, học đến…chết

Mới đây, kỳ thi Suneung của Hàn Quốc đã khiến các chuyến bay tại đây phải chuyển hướng bay để giữ trật tự. Ngân hàng và thị trường tài chính cũng phải hoạt động muộn hơn bình thường trong khi các chuyến tàu điện ngầm và xe buýt phải tăng chuyến.

Tất cả những thứ trên chỉ để phục vụ 590.000 thí sinh tham dự bài thi dài 9 tiếng trên cả nước.

Suneung là bài thi đánh giá tiêu chuẩn vào đại học của từng học sinh. Chúng bao gồm những bài thi về văn hóa, lịch sử, luật, chính trị hay nhiều thể loại khác tùy định hướng nghề nghiệp và thí sinh hướng tới. Tương tự như Việt Nam, kết quả bài thi này sẽ được dùng để đánh giá khả năng thí sinh, qua đó định hình trường đại học họ có thể vào.

Từ bộ phim Ký sinh trùng đến đời thực ở Hàn Quốc: Văn hóa Học hoặc chết trong xã hội trọng bằng cấp (P.4) - Ảnh 1.

Điều trớ trêu là các công ty hiện nay tuyển nhân viên dựa trên họ học trường nào, rồi các tập đoàn cất nhắc nhân viên dựa trên mối quan hệ hơn là tài năng. Bởi vậy, vào được một trường đại học tốt sẽ tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp giới trẻ sau này.

Với tầm quan trọng đó, học sinh Hàn ôn thi cho Suneung từ rất sớm, vào tầm 13-14 tuổi. Không chỉ học chính quy, họ còn tham dự các lớp học thêm trong khi giới nhà giàu tuyển những gia sư đắt tiền để kèm cặp.

Năm 2015, chính phủ Hàn Quốc ước tính ngành dịch vụ gia sư có tổng giá trị lên đến 20 tỷ USD và dù bị cho là không xứng đáng với số tiền bỏ ra nhưng các phụ huynh vẫn cố cho con học thêm. Thông thường khoảng 25% thu nhập của các bậc cha mẹ Hàn là dùng để lo tiền học cho con.

Hệ quả tất yếu là các em nhỏ Hàn Quốc phải dành 16 tiếng mỗi ngày để học, chưa kể thời gian làm bài tập ở nhà.

Trong khi đó, hãng tin BBC cho biết chỉ khoảng 2% số thí sinh là đạt được nguyện vọng vào những trường danh tiếng như Đại học quốc gia Seoul (SNU), Đại học Yonsei (SKY)… những trường thuộc top chất lượng cao.

Trớ trêu thay, ngay cả những sinh viên tốt nghiệp các trường hạng sang này cũng chẳng dễ dàng tìm việc làm như đã đề cập ở phần 3. Tất cả vẫn xoay quanh câu chuyện "mối quan hệ" và làm sếp vui.

Một điều thú vị nữa là dù đã tốt nghiệp đại học, khoảng 70% sinh viên vẫn theo học lên bằng cấp cao hơn hoặc thi lấy những chứng chỉ nghề, học thêm các kỹ năng khác. Ngay cả những ông chú, bác đã có tuổi cũng vẫn ép bản thân học hành để tích lũy kiến thức.

Anh Lee Jin Hyeong, 35 tuổi, là một trong số hàng triệu người Hàn tiếp tục học thêm dù đã có sự nghiệp. Phần lớn thời gian của anh là ở thư viện hoặc phòng học riêng (Goshiwon). Với bằng cử nhân về công nghệ thông tin, anh Lee vẫn học thêm để thi vào làm cảnh sát.

Tại Hàn Quốc, sự cạnh tranh quá lớn đã khiến nhiều ngành nghề, từ công chức, nhà báo đến những vị trí giản đơn trong các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) đòi hỏi các bằng cấp, chứng chỉ thêm khi tuyển nhân sự.

Cô Kim Minji, 29 tuổi, cho biết mình đã thi hơn 50 chứng chỉ như vậy trong đời chỉ để cố gắng mưu sinh và xây dựng sự nghiệp.

"Đối với một số chứng chỉ, tôi biết chúng là cơ hội đổi đời nên tôi chẳng thể đi chơi cuối tuần mà cần phải dành thời gian ôn thi", cô Kim nói.

Từ bộ phim Ký sinh trùng đến đời thực ở Hàn Quốc: Văn hóa Học hoặc chết trong xã hội trọng bằng cấp (P.4) - Ảnh 2.

Thậm chí tại nhiều cuộc tuyển dụng, ứng viên còn phải có bài thi "tiếp rượu" với ông chủ. Các thí sinh sẽ bị thử khả năng uống rượu, nói chuyện, ứng biến và cách hành xử, thái độ. Tại Hàn Quốc, việc ký hợp đồng trên bàn rượu chẳng có gì là mới.

Những buổi kiểm tra như vậy thường kéo dài nhiều ngày, hay thậm chí nhiều tuần và thái độ của thí sinh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả. Cô Kim cho biết nhiều người bạn của cô đã phải thuê nhà nghỉ hàng tháng trên Seoul chỉ để thi tuyển công việc dù rất tốn kém.

Đáng buồn thay, ngay cả khi đã xin được việc, lao động Hàn Quốc vẫn cần thêm chứng chỉ, bằng cấp nếu muốn tăng lương hay lên chức. Trong các tập đoàn lớn, nhân viên sẽ phải tham dự những bài thi lên chức, hoặc đạt được một chứng chỉ hay thành tích nào đó để được cất nhắc.

Giáo sư Shin Gi Wook của trường đại học Stanford cho biết người Hàn Quốc bị ám ảnh với những bài thi, coi đó là thước đo đánh giá tiêu chuẩn của một người. Tại Hàn, đôi khi việc bạn có bao nhiêu tiền trong túi chẳng quan trọng bằng bạn có bao nhiêu bằng trong tay.

"Hàn Quốc là một xã hội có tư tưởng thống nhất và việc mọi người được đánh giá theo quy chuẩn bằng cấp. Chúng khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn", Giáo sư Shin nhận định.

Hiện khoảng 2/3 số lao động Hàn trong độ tuổi 25-34 có bằng đại học, mức cao nhất trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy vậy, phần lớn số thanh thiếu niên này từ bỏ hôn nhân, con cái hay các tương tác xã hội chỉ để học, thăng tiến rồi lại học tiếp. Gánh nặng người già, chi phí xã hội đè nặng lên đôi vai họ khiến cuộc sống chẳng khác nào nhà tù. Có chăng, họ chỉ chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác lớn hơn với mỗi giai đoạn cuộc đời.

"Một xã hội địa ngục"

Trên mạng xã hội và trong giới trẻ Hàn Quốc, từ "Hàn Quốc địa ngục" (Hell Joseon) đã chẳng có gì xa lạ. Thuật ngữ này ám chỉ một Hàn Quốc ít tương tác xã hội, thiếu việc làm cũng như cơ hội thăng tiến, giới trẻ thì đầy cảm xúc vô vọng với tương lai.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ của Hàn Quốc hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2015 và rõ ràng hệ thống học hành quá khắc nghiệt cùng sự đánh giá của xã hội qua bằng cấp đang giết dần thế hệ trẻ.

Giáo sư John Lie của trường đại học California đánh giá chính hệ thống giáo dục và tư tưởng văn hóa này đã giết chết sự sáng tạo của trẻ em cũng như tàn phá cấu trúc xã hội Hàn Quốc hiện nay. Các chỉ số đánh giá hạnh phúc đều cho thấy người dân Hàn chẳng mấy vui vẻ dù đang sống trong nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á và thứ 11 thế giới.

Từ bộ phim Ký sinh trùng đến đời thực ở Hàn Quốc: Văn hóa Học hoặc chết trong xã hội trọng bằng cấp (P.4) - Ảnh 3.

Theo thống kê, người Hàn Quốc xếp hạng thấp về hạnh phúc so với hầu hết quốc gia trong Tổ chức OECD. Tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc cũng tăng 100% từ năm 2000 đến 2011 và đối tượng trải khắp từ học sinh, sinh viên, người lớn cho đến người già, phụ nữ cho đến cánh mày râu.

Năm 2016, số liệu của OECD cũng cho thấy Hàn Quốc có thời gian làm việc dài hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác với trung bình mỗi người làm 2.069 giờ/ năm.

Tức nước vỡ bờ, một bộ phận học sinh, sinh viên Hàn Quốc đã biểu tình trong đợt thi Suneung lần này. Họ cho rằng việc phân loại trên chẳng khác dán mác chất lượng lên những miếng thịt bán ngoài siêu thị.

"Chúng tôi phản đối thi cử. Trường đại học không phải là tất cả", nhóm biểu tình hô vang ngoài tòa thị chính Seoul.

Đồng quan điểm, Giáo sư Shin cho rằng giới trẻ Hàn đang bị đầu độc với tư tưởng bằng cấp. Việc học quá sức khiến họ bị suy giảm sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Hệ quả là khi thoát ra khỏi cái nhà tù "bằng cấp" thì giới trẻ Hàn đã qua thời thanh xuân. Họ thiếu kinh nghiệm sống thực tế cũng như những trải nghiệm của cuộc đời.

Ông Shin cũng nhận định xã hội Hàn cho rằng giáo dục là nền tàng giữ ổn định, phát triển và giúp họ đạt được vị thế như ngày nay nên chúng được đặt vào vị trí trung tâm. Tuy nhiên, những hệ quả trái chiều đang xuất hiện và dần khiến xã hội mất ổn định.

"Liệu một xã hội Hàn hiện đại có cần kỹ sư, đầu bếp, ca sĩ… hay không? Tất nhiên là có. Nhưng liệu họ có cần bằng đại học hay chứng chỉ nào không? Tôi không nghĩ vậy", Giáo sư Shin nói.

Quay trở lại trường hợp của cô Kim Minji, một chuyên viên của công ty Anh, cho biết mình không phải thi thêm chứng chỉ nào nữa cho vị trí hiện tại nhưng vẫn sẽ học thêm cho sự nghiệp sau này.

"Tôi mặc dù chẳng muốn thi thêm bất kỳ bài thi nào nữa nhưng tôi nghĩ mình vẫn sẽ phải làm thôi. Xã hội mà, tôi sẽ phải học và thi cho đến cuối đời", cô Kim ngậm ngùi.

Từ bộ phim Ký sinh trùng đến đời thực ở Hàn Quốc: Văn hóa Học hoặc chết trong xã hội trọng bằng cấp (P.4) - Ảnh 4.

Theo AB

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên