Từ cao ốc trên sa mạc đến Con đường tơ lụa mới: Cách Trung Quốc thay đổi trật tự thế giới (P2)
So với các nước láng giềng, tăng trưởng của Trung Quốc gây ra lo ngại rằng một giai đoạn lịch sử không mong muốn sẽ hồi sinh – đó là chế độ cống nạp cũ, giúp củng cố vị thế của Trung Vương Quốc hay Vương quốc trung tâm (Middle Kingdom).
- 27-01-2019Từ cao ốc trên sa mạc đến Con đường tơ lụa mới: Cách Trung Quốc thay đổi trật tự thế giới (P1)
Trong nhiều thế kỷ, các quốc gia khác đã cúi mình thừa nhận sức mạnh đế quốc của Trung Quốc, họ cống nạp nhiều sản vật cho vị hoàng đế và chấp nhận vị thế chư hầu để đảm bảo thương mại và hòa bình. Giờ đây, Bắc Kinh đối mặt với cáo buộc rằng nước này đang điều hướng đầu tư, nhằm gài các đối tác vào bẫy nợ như một phương thức để thu giữ tài sản.
Năm ngoái, Sri Lanka giao quyền kiểm soát một cảng biển cho liên doanh Trung Quốc sau khi không trả được các khoản vay từ nước này. Malaysia gần đây hủy bỏ hai dự án dính dáng đến sự tài trợ của Trung Quốc. Đối mặt với sự phản kháng từ nước ngoài và lo ngại gia tăng với các khoản nợ trong nước, Trung Quốc hiện đánh giá lại quy mô và chi phí của các dự án liên doanh toàn cầu, mặc dù quy mô của chúng vẫn rất lớn.
Phương Tây nắm giữ vị trí thắng thế kể từ khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc.Tuy nhiên, Trung Quốc đang đặt ra thách thức mang tính nền tảng với trật tự đó. Hoa Kỳ và các đồng minh chiến thắng của mình đã dựng lên các thể chế, mà ít nhất nói một cách hoa mỹ thì trật tự đó được thiết kế để gìn giữ hòa bình nhờ thúc đẩy thương mại và cạnh tranh bình đẳng.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực hiện phân phối viện trợ có điều kiện, mặc dù thường xuyên đưa ra cáo buộc rằng Trung Quốc không tuân thủ các chuẩn mực bảo vệ nhân quyền và nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc lại không đi kèm với những tiêu chuẩn khắt khe như vậy.Trung Quốc tài trợ cho những kẻ chuyên quyền kiểm soát bất động sản có vị trí địa chính trị quan trọng. Họ chỉ cần các công ty của mình được hoạt động, đồng thời những bên nhận tài trợ tránh việc chỉ trích Bắc Kinh.
Thách thức mới mà Trung Quốc đặt ra với trật tự thống trị của phương Tây càng lớn trước thực tế rằng "kỹ sư trưởng" của trật tự đó là Hoa Kỳ hiện dưới sự lãnh đạo của vị Tổng thống công khai ủng hộ Chủ nghĩa dân tộc. Tổng thống Trump khơi mào chiến tranh thương mại và chế nhạo hợp tác quốc tế, ông nảy sinh nghi ngờ về việc gìn giữ triết lý dân chủ tự do mà Hoa Kỳlâu nay vẫn luôn bảo vệ.
Ông Tập tìm cách thay thế trật tự trên. Ông tự cho rằng đất nước của mình dẫn dắt hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các nguyên tắc. Mặc dù vậy, Trung Quốc đối mặt với cáo buộc về đánh cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp cho các công ty Nhà nước và bán phá giá sản phẩm trên thị trường quốc tế với mức giá thấp, không công bằng.
"Những điều đang diễn ra tại Hoa Kỳ trao cho Trung Quốc cơ hội vàng để thể hiện mình như người bảo vệ trật tự quốc tế", bà Jessica Chen Weiss, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Cornell cho biết.
Nếu Con đường Tơ lụa mới một phần dùng để chuyên chở hàng hóa từ các nhà máy Trung Quốc đến khách hàng ở những nơi khác trên thế giới, thì con đường này có vẻ nhất định phải đi qua Trung và Đông Âu.
Trung Quốc đầu tư biến cảng Piraeus của Hy Lạp thành trung tâm vận chuyển bận rộn nhất Địa Trung Hải. Đây là cửa ngõ dẫn vào phần còn lại của Liên Minh châu Âu với hơn 500 triệu khách hàng. Trung Quốc hứa hẹn tài trợ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ thủ đô Belgrade của Serbia đến thủ đô Budapest của Hungary. Trung Quốc đồng thời cam kết biến khu vực này thành hành lang vận chuyển nối với các tuyến đường cao tốc, sân bay, nhà ga, cảng biến và các nhà máy điện.
Thực tế này hình thành nên quá trình tố tụng đối với nhóm "16-cộng-1" (16-plus-1), khối hợp tác kinh tế gồm Trung Quốc và 16 quốc gia Trung và Đông Âu. Hội nghị thượng định mới đây của khối diễn ra vào một ngày mưa phùn tháng 7 tại thủ đô Sofia của Bulgaria. Quan chức của 16 chính phủ gồm những thành viên mới nhất và kém thịnh vượng nhất của Liên minh châu Âu đã chụp ảnh với phái đoàn Trung Quốc – quốc gia đủ giàu có và tham vọng để tài trợ cho tầm nhìn của 16 quốc gia còn lại.
Các nhà lãnh đạo của những nước còn lại trong Liên minh châu Âu cho rằng khối này lén lút tấn công các quy tắc và sự gắn kết của Liên minh. Bằng việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, Trung Quốc tự định vị mình là giải pháp thay thế cho các quỹ phát triển của Liên minh châu Âu.
Tiền của châu Âu đi kèm với quy tắc bảo vệ lao động và môi trường, đồng thời đòi hỏi dự án trao cho các công ty phải dựa trên nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh để bảo đảm tính công bằng. Trung Quốc lại có xu hướng phân phối quỹ của họ với những yêu cầu đơn giản hơn nhiều: Các công ty Trung Quốc phải có được dự án, không cần cạnh tranh và Bắc Kinh có được một đồng minh quốc tế.
Quan chức của Liên minh châu Âu đặc biệt lo ngại rằng tiền của Trung Quốc có thể làm suy yếu áp lực mà châu Âu đang áp dụng đối với các thành viên vi phạm nguyên tắc dân chủ. Châu Âu đe dọa giữ lại quỹ phát triển đối với Ba Lan và Hungary như sự trừng phạt cho động thái của Chủ nghĩa độc tài ở các nước này. Cả hai nước trên đều "thu xếp" những thẩm phán thân thiện với chính phủ trong tòa án và uy hiếp báo chí.
"Đây là sự hợp tác cùng có lợi dựa trên tin tưởng lẫn nhau mà không có bất kỳ nỗ lực nào can thiệp các vấn đề trong nước", Bộ trưởng Ngoại gia của Hungary, ông Peter Szijjarto, phát biểu trong cuộc phỏng vấn trước hội nghị thượng đỉnh ở Sofia.
Bulgaria rất hy vọng vào khoản đầu tư của Trung Quốc cho các dự án đường cao tốc liên kết các cảng biển. Chính phủ Bulgaria bất đồng với các thành viên còn lại của Liên minh châu Âu vì từ chối tham gia các tuyên bố quốc tế lên án hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Các quan chức của Bulgaria chuẩn bị họp mặt với Thủ tướng Lý Khắc Cường, dự định bàn bạc chuyện kinh doanh.
"Chúng ta đang nói về những chuyện khác nhau, chuyện thực tế liên quan đến cơ sở hạ tầng và những chuyện khác về mức độ dân chủ và nhân quyền của Trung Quốc", Phó thủ tướng Tomislav Donchev của Bulgaria phát biểu trong cuộc phỏng vấn một ngày trước sự kiện. "Sẽ là thiếu tôn trọng và thiếu tính xây dựng nếu chúng ta cố gắng hợp nhất chúng thành một".
Hội nghị thượng định diễn ra trong một trung tâm hội nghị rộng lớn có nguồn gốc từ kỷ nguyên thống trị của Liên Xô. Trong cuộc họp báo, thủ tướng Trung Quốc và Bulgaria khẳng định rằng khối 16-cộng-1 không có mục đích chia rẽ châu Âu.
Ông Lý Khắc Cường tìm cách xoa dịu lo ngại của châu Âu rằng Trung Quốc thách thức những quy tắc của họ. Ông hứa hẹn các dự án được tài trợ bởi Trung Quốc chỉ được thực hiện dựa trên đấu thầu cạnh tranh.
"Ở đây cần đấu thầu công khai và minh bạch", Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ana Brnabic của Serbia lại làm yếu đi sự khẳng định này. Trước đó, khi được hỏi về tuyến đường sắt cao tốc từ Belgrade đến Budapest, bà cho biết các công ty Trung Quốc sẽ thực hiện thi công.
"Trung Quốc là một đối tác chiến lược", bà nói."Chúng tôi không đưa ra đấu thầu".