Từ cậu bé khu ổ chuột đến tỷ phú 48 tuổi chưa bao giờ học đại học, người đàn ông này đã khiến cả nền kinh tế Hàn Quốc phải suy nghĩ lại
Thành công của Netmarble cũng như câu chuyện từ cậu bé khu ổ chuột đến tỷ phú thế giới của anh Bang đã trở thành nguồn cảm hứng của một thế hệ tài năng mới ở Hàn Quốc - nơi mà sự thống trị của các tập đoàn chaebol vẫn bị buộc tội là bóp nghẹt đổi mới.
- 10-05-2017Chân dung nữ Chủ tịch 35 tuổi vừa trở thành một trong những tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ
- 26-04-2017Sống tiết kiệm và lãi suất kép - Công thức thần kỳ tạo nên khối tài sản khổng lồ của các tỷ phú
- 25-04-2017Ông trùm Zara vượt Jeff Bezos trở thành tỷ phú giàu nhất thứ 2 trên thế giới sau 1 đêm bầu cử Pháp
Ở một quốc gia được thống trị bởi những tập đoàn gia đình cực lớn, chặng đường đi đến thương vụ IPO lớn nhất Hàn Quốc trong suốt 7 năm qua của anh Bang Jun-hyuk hoàn toàn khác biệt.
Sinh ra trong một nhà máy dệt đổ nát đến khi đi học cấp 3 thì bỏ học giữa chừng, Bang Jun-hyuk đã dùng 2 bàn tay trắng cùng với ý chí quyết tâm sắt đá để đưa Netmarble Games Corp trở thành một gã khổng lồ trong ngành game, giành được tình cảm của cả những người hâm mộ lẫn các nhà phê bình.
Ngày mai, cổ phiếu của công ty này sẽ chào sàn sau khi IPO thu về 2.660 tỷ won (2,3 tỷ USD) và đưa giá trị vốn hóa của công ty lên khoảng 13.000 tỷ won - cao hơn cả vốn hóa thị trường của LG Electronics - một tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Trong khi các chaebol như Samsung hay Hyundai chọn cách đi lên từ ngành sản xuất thì anh Bang lại đặt cược vào sức mạnh của smartphone và tập trung phát triển các phần mềm điện tử trên điện thoại. Ban đầu chỉ là một công ty có 8 nhân viên, sau 17 năm anh Bang đã phát triển nó trở thành nhà xuất bản 2 tựa game nổi tiếng của Hàn Quốc là Lineage 2 Revolution và MARVEL Future Fight. Trong khoảng thời gian đó, Netmarble đã được 2 tập đoàn lớn hỗ trợ là Tencent Holdings (đầu tư 500 triệu USD vào năm 2014) và CJ Group.
"Khả năng giành được mối quan hệ hợp tác với những gã khổng lồ internet ở nước ngoài như Tencent là chìa khóa dẫn đến thành công của Netmarble", Anthea Lai - chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence nhận định.
Hiện nay anh Bang sở hữu 24,5% cổ phần của Netmarble và với mức giá IPO nhận được, giá trị tài sản ròng của anh đã lên tới 2,9 tỷ USD (theo Bloomberg Billionaires Index). Anh cùng với Tencent và CJ E&M là 3 cổ đông lớn nhất của Netmarble.
Chọn con đường là một nhà xuất bản game (thay vì phát triển), Netmarble được tham gia vào nhiều mảng trong ngành game như quảng cáo, marketing, phân phối.
CEO của Netmarble - Kwon Young-sig tháng trước nói rằng việc phát hành cổ phiếu có thể cho phép Netmarble thực hiện các thương vụ M&A nước ngoài trị giá khoảng 5.000 tỷ won trong vài năm tới.
Sau khi bán được IPO ở mức giá trần, cổ phiếu Netmarble có tỷ lệ P/E rất cao lên tới 70 điểm - cao hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành như NCSoft Corp hiện có P/E 28 hay Nexon là 45.
Ở một quốc gia nơi mà 10 tập đoàn chaebol lớn nhất Hàn Quốc chiếm đến hơn một phần tư nền kinh tế, sự trỗi dậy của một công ty như Netmarble với 3.000 nhân viên cho thấy cách kinh doanh và giá trị thành công truyền thống đang thay đổi.
"Những người chỉ làm so sánh thị trường đơn giản có thể sẽ định giá thấp giá trị của công ty chúng tôi", anh Bang chia sẻ tại một cuộc họp báo hồi tháng 1. "Nhưng cũng có những người định giá cao bởi họ nhìn vào sức cạnh tranh mạnh của công ty chúng tôi".
Là sáng lập viên 48 tuổi và chưa bao giờ học đại học, Bang Jun-hyuk được ví như Steve Jobs của Hàn Quốc bởi cách anh đưa một công ty đốt cháy tăng trưởng trong nhiều năm từ trạng thái thua lỗ giống như những gì mà sáng lập viên Apple đã từng làm với công ty của anh trong những năm đầu thành lập. Nhưng trong khi Steve Jobs vẫn ở lại trong ngành công nghệ, Bang đã đi theo một hướng khác hoàn toàn trong năm 2006: mua cổ phần của một chuỗi cafe ở địa phương.
Netmarble đã phải mất một khoảng thời gian vật lộn khi anh ra đi: các tựa game không thể thu hút người dùng dẫn đến thua lỗ cả chục triệu USD. Bang trở lại Netmarble vào năm 2011. Anh tìm cách tiết kiệm chi phí chìm và tập trung phát triển phần mềm điện tử gắn với sự bùng nổ của smartphone.
Nhân viên chơi game trên điện thoại tại trụ sở Netmarble ở Seoul. Ảnh: Bloomberg.
Trong khi so sánh với Steve Jobs bị một số người nói là tâng bốc, nickname của anh trên mạng xã hội là "người tra tấn" nhân viên. Nhiều năm qua, tòa nhà văn phòng của các công ty phát triển phần mềm ở quận Guro được gọi là "ngọn hải đăng" bởi chúng vẫn sáng đèn ngay cả khi những người hàng xóm đã đi ngủ.
Văn hóa làm việc 24/7 phản ánh con người của Bang Jun-hyuk - người đàn ông không giàu có, không quyền lực chính trị, không bằng đại học danh giá đã phải làm gì để thành công ở một nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Với phương châm "làm việc để sống", anh Bang đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi khi 3 công nhân chết từ tháng 7 đến tháng 11 năm ngoái. Theo Netmarble, cái chết của cả 3 người này đều không liên quan đến công ty.
Nhằm trở thành một công ty toàn cầu, bắt đầu từ năm ngoái, Netmarble đã thực hiện một số thay đổi về văn hóa làm việc, trong số đó có quy định cấm làm việc qua đêm, ngay cả khi quy định này có thể sẽ trì hoãn việc phát hành một game mới. Netmarbel cũng cố gắng cải thiện hình ảnh công ty bằng cách thuê thêm người để giảm tình trạng làm việc quá tải.
Thành công của Netmarble cũng như câu chuyện từ cậu bé khu ổ chuột đến tỷ phú thế giới của anh Bang đã trở thành nguồn cảm hứng của một thế hệ tài năng mới ở Hàn Quốc - nơi mà sự thống trị của các tập đoàn chaebol vẫn bị buộc tội là bóp nghẹt đổi mới.
"Sự trỗi dậy của Netmarble sẽ khuyến khích các startup IT ở Hàn Quốc phát triển. Không giống như những ngành khác như công nghiệp nặng và công nghệ phần cứng mà trong đó Hàn Quốc đã hiện diện mạnh mẽ trên toàn cầu, phần mềm là ngành ít thâm dụng vốn, do đó rào cản gia nhập ngành thấp", chuyên gia thuộc Bloomberg Intelligence nhận định.