MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ câu chuyện bánh mì thanh long đến máy ATM khẩu trang: Các chuyên gia nói gì về tính sáng tạo của người Việt?

Bên cạnh việc đánh giá cao công cuộc ứng phó với đại dịch của Chính phủ Việt Nam, các chuyên gia trên thế giới cho rằng những câu chuyện về tính sáng tạo và tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam chính là những tấm gương tạo động lực cho người dân khắp nơi vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có này.

Việt Nam được đánh giá là một ví dụ điển hình về việc thành công trong ứng phó với đại dịch Covid-19 vào tháng 5. Song đến tháng 7, Việt Nam đã phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai khi ca nhiễm đầu tiên sau 99 ngày không lây nhiễm trong cộng đồng.

Mặc dù vậy, thời gian vừa qua, bên cạnh các chính sách hiệu quả và kịp thời của Chính phủ, các chuyên gia trên khắp thế giới đã không khỏi ngạc nhiên về khả năng thích ứng, tính sáng tạo cũng như tình đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống dịch này.

Cụ thể, các chuyên gia đã chỉ ra những ví dụ tiêu biểu về tính sáng tạo của người dân và doanh nghiệp trong việc ứng phó với hai làn sóng dịch bệnh vừa qua tại Việt Nam.

Sáng tạo trong việc phòng ngừa dịch bệnh

Khi làn sóng dịch bệnh ập đến, không chỉ Chính phủ mà người dân cả nước cũng đã góp phần tạo ra nhiều sáng kiến nhằm ngăn ngừa sự lây nhiễm của dịch bệnh.

Khi làn sóng dịch bệnh lần hai tập trung ở Đà Nẵng, doanh nghiệp startup BusMap đã phối hợp cùng chính quyền để lập bản đồ theo dõi các ca lây nhiễm nhằm giúp người dân địa phương tránh các điểm nóng và tìm cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, trước đó Sở Y tế TP HCM đã đặt hàng với các kỹ sư công nghệ thông tin và công nghệ tự động hóa của "Vườn ươm sáng tạo" thuộc Bệnh viện Quân dân y miền Đông thiết kế, tạo ra sản phẩm "robot khử khuẩn phòng cách ly" từ công nghệ in 3D.

Các robot này được giao nhiệm vụ khử trùng bệnh viện và không gian công cộng với các mô hình khác nhau.

Nhiều học sinh trên khắp đất nước cũng đã lắp ráp các thiết bị rửa tay tự động khắp nơi. Bên cạnh đó, khi được xuất viện, bệnh nhân ca Covid-19 thứ 687 đã cùng bạn bè lập một dự án cung cấp miễn phí dung dịch sát khuẩn cho tuyến đầu chống dịch của thành phố Đà Nẵng, còn được gọi là 'Dự án 687'.

Trong những ngày đầu bùng phát dịch bệnh, ca khúc Ghen Cô Vy do nhạc sĩ trong nước phối hợp với Bộ Y tế sáng tác đã lan truyền khắp thế giới nhờ thông điệp và vũ đạo bắt tai.

Kể từ đó, nhiều người cũng đã viết các bài hát của riêng họ, trong đó có bài hát của hai cha con mang tên "Không lo lắng", nói về đợt sóng thứ hai ở Đà Nẵng và nhắc nhở mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Giảm bớt tác động tiêu cực lên xã hội do đại dịch 

Trong khi các biện pháp can thiệp trên chủ yếu nhằm phòng ngừa và kiểm soát, nhiều người dân và doanh nghiệp đã tập trung vào việc giảm bớt tác động xã hội tiêu cực do dịch bệnh Covid-19.

Ví dụ như một người thợ làm bánh nổi tiếng ở TP HCM, ông Kao Siêu Lực đã sử dụng thanh long để làm nhân bánh cũng như chia sẻ công thức của mình với cả nước. Mục đích của ông là giúp những người nông dân trồng thanh long vượt qua giai đoạn khó khăn này khi cây trồng của họ không thể xuất khẩu do các biện pháp đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội.

Không chỉ người dân mà cả các doanh nghiệp cũng áp dụng biện pháp này, dẫn đến sự ra đời của burger thanh long KFC. Thời gian tới, ông Kao đang chuẩn bị làm bánh trung thu thanh long.

Tại Hà Nội, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh đã thành lập quỹ từ thiện mang tên "Mỗi ngày Một quả trứng" nhằm cung cấp thực phẩm, khẩu trang và các mặt hàng thiết yếu cho người vô gia cư và các gia đình nghèo khắp miền bắc Việt Nam.

Tổ chức cũng đã giúp nhiều người có nhu cầu tìm việc làm và chỗ ở, đồng thời trợ cấp tiền thuê nhà cho họ.

Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh tại TP HCM đã xây dựng một máy ATM khẩu trang cho cộng đồng trong làn sóng dịch bệnh lần hai. Máy phân phát khẩu trang được bọc riêng, miễn phí với người điều khiển từ xa để đảm bảo phân phối công bằng và nhắc nhở người nhận rửa tay trước khi chạm vào máy.

Trong giai đoạn làn sóng dịch bệnh lần thứ nhất, ông Tuấn Anh cũng đã đặt cây ATM gạo đầu tiên trước văn phòng của mình. Trong hai ngày đầu, máy đã cung cấp 5 tấn gạo cho người dân.

Máy phát cơm và khẩu trang của ông Hoàng Tuấn Anh hiện nay đã được các doanh nhân và tổ chức từ thiện mở rộng trên cả nước.

Các chuyên gia kết luận rằng, những câu chuyện trên là những tấm gương giúp khích lệ người dân khắp nơi vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có này.

Q.L

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên