MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ cậu nhóc "cày game" cả ngày trở thành tỷ phú tự thân ở tuổi 40, CEO này chứng minh, tất cả những gì bạn cần để trở nên giàu có là "sự nhạy bén kinh doanh"

14-07-2018 - 23:36 PM | Sống

Đam mê game từ nhỏ, Min-Liang Tan đã quyết định từ bỏ ý định trở thành luật sư, "làm trái ý bố mẹ" để thành lập Razer vào năm 2005 chỉ bằng sản phẩm khởi đầu là một con chuột máy tính chuyên dụng cho game thủ.

Xuất phát từ một game thủ

Sinh ra trong một gia đình châu Á khá truyền thống, bố mẹ CEO Min-Liang Tan dường như đã vạch sẵn con đường phát triển tương lai dành cho cậu con trai của mình. Họ hi vọng Min-Liang Tan sẽ trở thành một luật sư.

"Mẹ tôi nói với tôi rằng tốt hơn hết tôi nên trở thành bác sĩ hoặc luật sư. Bởi vì tôi có chị gái là bác sĩ, một chị gái khác là luật sư và anh trai cũng là bác sĩ chuyên khoa lâm sàng rất được kính trọng. Anh ấy rất thông minh. Tôi cũng học ngành luật. Bố mẹ luôn muốn tôi sẽ trở thành luật sư. Vì thế, gia đình tôi sẽ có 2 bác sĩ và 2 luật sư. Điều đó rất lý tưởng phải không?", CEO Min-Liang Tan chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ CNBC.

Hiện tại, Tan đã trở thành tỷ phú tự thân nhưng không phải nhờ hành nghề luật như mong muốn của gia đình. Min-Liang Tan đã quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực game và thành lập công ty sản xuất thiết bị game mang tên Razer vào năm 2005, mà sản phẩm ra mắt lúc bấy giờ chỉ là một con chuột máy tính dành riêng cho game thủ. Năm ngoái, công ty của Min-Liang Tan đã thu về mức lợi nhuận 517.9 triệu USD, nâng giá trị vốn hóa thị trường của công ty lên 2.2 tỷ USD.

Chơi game luôn là niềm đam mê của Tan, "Giống như bất kỳ đứa trẻ nghiện game nào khác, tôi đã ôm lấy chiếc máy tính cả ngày, chơi trò chơi trên máy tính bất cứ lúc nào có thể. Thậm chí, bố mẹ từng la mắng tôi rất nhiều lần vì tôi chơi game quá nhiều. Nhưng tôi cảm thấy rất vui, niềm đam mê với game của tôi là không thể thay đổi", vị CEO 40 tuổi tâm sự.

Người bạn chơi game đầu tiên cùng với Tan chính là anh trai Min-Han Tan. Họ đã chơi các game từ thập niên 1980 như "Prince of Persia" và "Castle Wolfenstein" và phải sử dụng nước đá làm mát máy tính vì sợ bố mẹ phát hiện. Tuy nhiên khác với anh trai theo nghiệp bác sĩ, Min-Liang Tan sớm bộc lộ tài năng về lĩnh vực kinh doanh. "Những năm học trung học, trong ngày Valentine, em trai tôi mang đến trường cả tấn hoa hồng. Min-Liang Tan đã mua hoa của nhà cung cấp với giá rất rẻ và bán lại mọi thứ cho trường với giá cao hơn. Thậm chí, nó còn thiết lập trang mạng xã hội của riêng mình, tiếp cận các sự kiện và triển lãm thương mại nhằm phục vụ cho việc kinh doanh", anh trai Min-Han Tan chia sẻ về cậu em bướng bỉnh không chịu theo nghiệp luật sư như mong muốn của gia đình.

Cha mẹ của Tan rất kì vọng anh sẽ gắn bó với nghề nghiệp luật sư. Do đó, Tan đã không dám nói với cha mẹ mình khi bắt đầu khởi nghiệp với lĩnh vực công nghệ. "Tôi sẽ thành lập Razer. Nếu cha mẹ phát hiện ra, dù họ có thể không mấy vui vẻ khi tôi tự ý quyết định thay đổi nghề nghiệp nhưng tôi tin họ vẫn ủng hộ tôi". Đúng như Tan nói, anh đã vứt bỏ ý nghĩ trở thành luật sư để xây dựng công ty chuyên về thiết bị công nghệ game mang tên Razer vào năm 2005 cùng với một người bạn, đặt trụ sở tại Singapore và San Diego, California.

Từng bước đưa Razer trở thành "đế chế" trong lĩnh vực esports

"Nếu bạn nghĩ rằng chơi game chỉ dành cho những chuyên viên máy tính thì đó là một sai lầm nghiêm trọng. Game là ngành công nghiệp có giá trị 130 tỷ USD, đánh bại ngành công nghiệp kinh doanh điện ảnh toàn cầu (88.4 tỷ USD trong năm 2017). Điều đáng kinh ngạc là mỗi năm con số này đã tăng gấp đôi trong khoảng một thập kỉ qua", chuyên gia phân tích Neil Campling đánh giá Min-Liang Tan đã nắm bắt được thời cơ để khởi nghiệp với lĩnh vực game.

Từ cậu nhóc cày game cả ngày trở thành tỷ phú tự thân ở tuổi 40, CEO này chứng minh, tất cả những gì bạn cần để trở nên giàu có là sự nhạy bén kinh doanh  - Ảnh 1.

Min-Liang Tan đã thành công nắm bắt thời điểm ngành công nghệ thể thao điện tử đang trên đà phát triển mạnh. Hiện tại, Razer đã trở thành "đế chế" trong lĩnh vực esports, giúp CEO Min-Liang Tan trở thành tỷ phú tự thân ở tuổi 40.

Ngay từ khi tung ra sản phẩm đầu tiên và duy nhất là chuột Diamondback, hãng Razer đã thu được tiếng tăm không nhỏ trên thị trường công nghiệp thể thao điện tử (esports). "Một trong những vũ khí quan trọng nhất của game thủ là chuột. Làm thế nào để tạo ra một con chuột tốt hơn? Con chuột chơi game đầu tiên trên thế giới giành riêng cho các game thủ? Chúng tôi muốn một cái gì đó chính xác hơn". Vì vậy, Tan đã gửi một loạt các con chuột cho bạn bè và địa chỉ liên lạc nhờ họ trải nghiệm và phản hồi lại.

Thiết bị ngoại vi như chuột máy tính và bàn phím nổi tiếng của Razer đã gây ấn tượng trong giới game thủ nói riêng và những người sử dụng máy tính nói chung từ chức năng, tốc độ dịch chuyển đến thiết kế đèn cầu vồng đặc biệt.

Sự thành công của sản phẩm đầu tiên đã trở thành bàn đạp để Razer nhanh chóng phát triển, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tiếng tăm, bao gồm tỷ phú Hồng Kông Li Ka-Shing và chủ tịch Koh Boon Hwee, người đồng sáng lập công ty Credence Partners.

Vốn là game thủ, Tan hiểu được một game thủ cần gì và muốn gì. Chính sự quan tâm đến khách hàng tiêu dùng đã giúp Min-Liang Tan có được sự hâm mộ. Matthew Haag, cựu game thủ chuyên nghiệp của esports nói: "Niềm say mê của Tan, bạn không thể phớt lờ nó được. Ý tôi là, anh ấy là người lãnh đạo của toàn bộ công ty nhưng cũng là người thực sự yêu thích những sản phẩm mà anh ấy tạo ra, anh ấy hiểu được game thủ cần gì và muốn gì để mang đến cho họ những sản phẩm tốt nhất".

CEO Min-Liang Tan cũng nói: "Vì cho game thủ, do game thủ," là phương châm của Razer. "Chúng tôi đã xây dựng hệ sinh thái khổng lồ này về phần cứng, phần mềm và dịch vụ chỉ xoay quanh một đối tượng duy nhất, chính chúng ta, người chơi game". Giống như với bất kỳ môn thể thao nào, các chức năng chính xác của thiết bị có thể tạo nên sự khác biệt. "Là một game thủ, chúng tôi luôn tìm kiếm lợi thế cạnh tranh đó. Nó giống như định vị màn hình của bạn đúng cách thì đảm bảo rằng bạn sẽ thực hiện mọi thao tác trên máy tính thuận lợi hơn ". Nhờ thế, những game thủ chuyên nghiệp cũng trở thành người hâm mộ của Razer.

Razer không chỉ là công ty cung cấp thiết bị game chuyên nghiệp mà còn xây dựng một cộng đồng game thủ trải rộng mọi ranh giới địa lý. Đó là nền tảng phần mềm quan trọng nhất đối với sự phát triển của công ty. Razer đang chuyển hướng sang mô hình lai phần cứng - phần mềm và có điều kiện thuận lợi để mở rộng hơn.

"Nhắc đến chơi game, nhiều người thường nghĩ đối tượng là những cậu thiếu niên sống trong tầng hầm cùng cha mẹ, chơi game cả ngày, không chăm sóc bản thân. Nhưng bạn biết đấy, hiện nay khoảng một nửa số game thủ là nữ. Độ tuổi người chơi game cũng đã thay đổi, có game thủ già và cũng có game thủ trẻ. Bởi vì ngày nay, chơi game thực sự là hình thức giải trí độc đáo mà mọi người dễ dàng tiếp cận dù là từ điện thoại thông minh, máy tính bảng hay trên PC", CEO Min-Liang Tan đánh giá mục tiêu và đối tượng phát triển.

Lĩnh vực game và esports sẽ tiếp tục phát triển, sự tăng trưởng sẽ là một chặng đường dài. Trải nghiệm chơi game trở nên phong phú hơn mỗi năm và Razer tập trung vào cộng đồng chơi game lý tưởng là các thuộc tính của trò chơi từ hiệu suất, độ chính xác, tiêu điểm, tính thẩm mỹ nhất định.

Tham vọng của Min-Liang Tan không chỉ dừng lại trong lĩnh vực nghiên cứu về thế giới game mà vị tỷ phú 40 tuổi còn muốn đưa Razer trở thành một trong những thương hiệu giải trí lớn nhất thế giới. "Tôi không nghĩ đó là sự mạo hiểm hay dũng cảm. Hiện nay, chúng ta đang là thương hiệu lớn nhất thế giới về game, chúng ta có thể trở thành thương hiệu lớn nhất về giải trí không? Điều gì chờ đợi chúng ta ở phía trước? Đó là cảm giác thách thức và phiêu lưu để làm những thứ tuyệt vời hơn", Tan nói.

Nguyễn Nguyễn

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên