Từ câu nói 'Sợ nhất là mẹ và vợ quản lý công ty!' của shark Việt đến thực tế ly hôn phũ phàng giữa vợ chồng nhà sáng lập tập đoàn Trung Nguyên
Mọi cuộc hôn nhân sẽ có những sai lầm nhưng sự căng thẳng đặc biệt đối với các doanh nhân có thể tạo thêm nhiều áp lực lớn.
- 22-09-2018Trung Nguyên: "Bà Thảo bịa đặt về vai trò người sáng lập tập đoàn"
- 22-09-2018Vừa trở lại chức vụ ở Trung Nguyên chưa đầy 2 ngày, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại bị bãi nhiệm
- 20-09-2018Bà Lê Hoàng Diệp Thảo lần đầu tiết lộ "chiến lược tam giác", kế hoạch “phân vai”, đập tan nghi ngờ "cà phê đèn mờ" trong những ngày đầu cùng chồng gây dựng Trung Nguyên
Còn nhớ cách đây khá lâu, trong tập 5 chương trình Shark tank, startup chuyên cung cấp ăn vặt Vina Chuối nhận được đầu tư 2,3 tỷ đồng từ Shark Việt và Shark Dzũng. Để được 2 cá mập đến từ miền Trung cùng hợp tác đầu tư, nhà sáng lập Phạm Như Cần phải chia sẻ khá chi tiết thực tế về hoạt động kinh doanh cũng như vận hành công ty.
Một đoạn chất vấn khá thú vị giữa Như Cần và 2 shark trước khi quyết định đầu tư:
Shark Việt: Cổ đông hiện tại bao nhiêu người?
Phạm Như Cần: Cổ đông hiện tại thành lập là 1 mình em.
Shark Việt: Vốn điều lệ là bao nhiêu?
Phạm Như Cần: Vốn điều lệ của em là 3 tỷ.
Shark Dzũng: Vốn thực góp bao nhiêu?
Phạm Như Cần: Em đã đưa vào dự án đó khoảng 400 triệu.
Shark Việt: Ai quản lý tài chính cho bạn?
Phạm Như Cần: Có mẹ ạ. Mẹ sẽ là người giữ tài khoản, tất cả những thanh toán giao dịch nằm trong tài khoản.
Shark Việt: Sợ nhất là mẹ và vợ quản lý công ty!!!
Phạm Như Cần: Quy mô gia đình nên chúng ta phải ưu tiên những sinh hoạt chi phí hàng ngày…
Câu cảm thán của shark Việt khi biết được thông tin người quản lý tài chính cho Vina Chuối khiến các shark mỉm cười tán thành. Nếu soi vào thực tế câu chuyện ly hôn giữa nhà sáng lập tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo có thể thấy câu nhận xét này đáng phải suy ngẫm.
Duy trì một cuộc hôn nhân vốn dĩ là công việc không hề đơn giản. Tại Việt Nam theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM), tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Trong khi tại Mỹ, tỷ lệ ly hôn đã tăng gấp đôi cho người Mỹ trên 35 tuổi trong hai thập kỷ qua, theo một báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota.
Gần một nửa những người tham gia khảo sát đã kết hôn trải qua một lần ly hôn hoặc ly thân vào cuối những năm tuổi 50. Tại Mỹ cũng đã có những nghiên cứu nho nhỏ về chủ đề của các doanh nhân và ly hôn, nhiều người sáng lập cho biết áp lực quá lớn và nhu cầu chăm chút cho một công ty mới hình thành đã tàn phá cuộc hôn nhân của họ. Điều tồi tệ hơn, một cuộc hôn nhân cũng có thể dễ dàng phá hủy ngay cả một doanh nghiệp kinh doanh phát triển mạnh.
Ngay cả một số doanh nhân thành công nhất cũng đã trải qua thất bại hôn nhân. Năm 2015, người đồng sáng lập Google Sergey Brin ly hôn với vợ là Anne Wojcicki. Bà cũng là người đồng sáng lập công ty kiểm nghiệm DNA 23andMe. Vào năm 2010, hai người sáng lập Wynn Resorts Steve và Elaine Wynn đã ly dị lần thứ hai. Hay như nhà sáng lập tập đoàn Tesla Elon Musk cũng đã ly dị hai lần kể từ năm 2010.
"Mọi cuộc hôn nhân sẽ có những sai lầm, tất nhiên, nhưng sự căng thẳng đặc biệt đối với các doanh nhân có thể tạo thêm nhiều áp lực lớn", tạp chí Inc. nhận định. Thậm chí nếu bạn cố gắng bảo vệ vợ hay chồng mình khỏi các vấn đề điều hành hàng ngày khi vận hành công ty thì những câu chuyện nhân sự, bảng lương hay áp lực cá nhân cũng len lỏi theo bạn về nhà.
Đối với các doanh nhân và vợ/chồng của họ, một trong số vấn đề gây rạn nứt thường là tài chính. "Các nghề khác khiến vợ chồng xa nhà và hay bận tâm trong suy nghĩ, nhưng chúng không sản xuất ra những mối nguy hại như lo lắng và oán giận được tạo ra bằng cách đặt an ninh tài chính của gia đình liên tục gặp rủi ro."
Sau đây là 5 dấu hiệu bất ổn trong mối quan hệ của một cặp vợ chồng kinh doanh được Entrepreneurs chỉ ra.
1. Những cuộc tranh cãi không có hồi kết về việc thiếu thời gian
Không đủ thời gian chất lượng với vợ/chồng của bạn là một trong những nguyên nhân giết chết hôn nhân. Và hoạt động kinh doanh là một kẻ đánh cắp thời gian trắng trợn. Làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần, trừ cuối tuần, về nhà và tiếp tục làm việc trên máy tính, liên tục phải tham dự các sự kiện kết nối, những cuộc cuộc họp liên miên, nhiệm vụ kinh doanh khác luôn đòi hỏi rất nhiều thời gian.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến thời gian chất lượng bạn dành cho vợ/chồng của mình, khiến 2 người xa cách nhau. Cảm thấy xa lánh và quá tải là một công thức để đẩy vợ/chồng của bạn làm việc riêng của họ. Không chỉ vậy, từ đây sự oán giận sẽ sinh ra những cuộc tranh luận và dẫn đến sự thất vọng, tạo ra một môi trường tiêu cực trong gia đình.
Ưu tiên thời gian gia đình là giải pháp được đưa ra với các doanh nhân. Xây dựng lịch trình và thời gian trong mối quan hệ vợ chồng chất lượng, thời gian kinh doanh cân bằng với thời gian xã hội, gia đình. Linh hoạt và không đặt công việc kinh doanh của bạn trước mối quan hệ vợ chồng. Ngoài ra, các nhiệm vụ không yêu cầu sự chú ý của bạn nên thuê ngoài và sẽ giải phóng thêm thời gian của bạn.
2. Áp lực kinh doanh kéo theo stress trong mối quan hệ vợ chồng
Căng thẳng trong kinh doanh không chỉ gây ra những mệt mỏi về tinh thần, thể chất, mà nó còn gây áp lực lên một mối quan hệ. Và căng thẳng có thể đẩy bạn vượt quá giới hạn, gây ra những cơn giận dữ. Những dấu hiệu kiệt sức do căng thẳng gây ra như thiếu động lực, đau đầu liên tục, mất ngủ, giảm mức năng lượng, các triệu chứng cảm xúc và thể chất tiêu cực khác.
Lời khuyên là không nên bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo này và nên thực hiện các bước để khắc phục sự cố ngay bây giờ. Hãy phục hồi thể lực bằng một giấc ngủ ngon, uống ít caffeine và rượu và ăn uống lành mạnh, tập thể dục. Nghỉ trưa và nghỉ ngơi nhiều lần trong ngày và khám sức khỏe định kỳ tại bác sĩ.
3. Chủ đề kinh doanh thống trị các cuộc hội thoại
Hãy đối mặt với nó. Sở hữu một doanh nghiệp tương tự như có một em bé mới cho gia đình: Thú vị, đầy đam mê. Bạn có thể dễ dàng sống và hít thở công việc kinh doanh của mình. Dần dần, nó trở thành trung tâm của mọi cuộc trò chuyện. Điều này là tốt nếu bạn độc thân. Nhưng trong một mối quan hệ, bạn phải xác định rõ ranh giới khá mờ nhạt này.
Sẽ là không ổn khi để vợ hay chồng của bạn tự hỏi họ ở đâu trong cuộc sống của bạn. Cuối cùng, các nội dung kinh doanh không ngừng tạo ra sự phân tán. Bạn có thể có mặt trước mặt vợ chồng nhưng thực sự lại đang sống trong thế giới kinh doanh của riêng mình.
4. Những bất ổn tài chính có thể dẫn bạn tới con đường ly hôn
Có một mức lương được bảo đảm và thường xuyên mỗi tháng sẽ kết thúc khi bạn trở thành chủ doanh nghiệp. Sự ổn định từ công việc làm công ăn lương đã được thay thế bằng sự rủi ro điều này kéo theo nỗi sợ mất tất cả, sự căng thẳng gắn kết giữa bạn và vợ/chồng của bạn. Các cuộc cãi vã về tiền bạc là kẻ thủ kết liễu hôn nhân. Nó tạo ra những bất đồng, lan truyền tiêu cực giữa hai người. Thông thường, điều này cho thấy sự khởi đầu của cánh cửa mở dẫn đến ly hôn.
Tất nhiên điều này không thể không có giải quyết. Dù biết có một cuộc khủng hoảng tài chính là một khởi đầu tốt để giải quyết tranh cãi nhưng một số cặp vợ chồng cảm thấy khó khăn để nói về tiền bạc, cũng như giữ sự cởi mở trong giao tiếp. Các bước khác có thể bao gồm thiết lập hệ thống ngân sách và mở tài khoản ngân hàng chung. Nếu vợ/chồng của bạn vẫn đi làm công, tiền lương của họ sẽ giúp trả các hóa đơn.
Cuối cùng, không loại trừ việc tham vấn từ các chuyên gia tài chính hoặc cố vấn hôn nhân giúp các cặp đôi trong kinh doanh.
5. Thiếu sự hỗ trợ tình cảm từ vợ hoặc chồng
Sự hỗ trợ của vợ/chồng của bạn là rất quan trọng cho sự thành công trong kinh doanh. Không hỗ trợ giấc mơ hoặc tầm nhìn của bạn, đặc biệt là trong thời gian khó khăn có thể dẫn đến thất bại trong kinh doanh. Có thể họ cảm thấy bị đe dọa bởi vì doanh nghiệp của bạn thống trị mối quan hệ giữa 2 người. Hoặc có thể họ nghĩ rằng nó sẽ thất bại. Mặt khác, bạn có thể thay đổi so với trước đây? Dù thế nào thì đây cũng là một thách thức.
Làm thế nào để bạn sửa chữa nó? Hãy dành nhiều chú ý vào vợ hay chồng của bạn và làm cho họ cảm thấy an toàn và được đánh giá cao. Đừng để việc kinh doanh chiếm hết cuộc sống bạn. Hãy tìm hiểu mối quan tâm của họ. Đưa ra quyết định quan trọng cùng nhau. Hãy hỏi ý kiến của họ và lắng nghe những gì họ nói. Chia sẻ những khó khăn hoặc thành công của doanh nghiệp và lên kế hoạch cùng nhau tuy nhiên nên ở mức độ vừa đủ. Hãy luôn giữ những cam kết của 2 người trước đây.
Trí thức trẻ