MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chối hợp đồng trăm tỷ cho Công Phượng-Văn Toàn, bầu Đức đang mưu tính một bước nhảy lịch sử?

14-05-2021 - 21:04 PM | Sống

Số tiền 4 triệu USD (khoảng 92 tỷ đồng) đã được một "đại gia" đặt lên bàn đàm phán, nhưng bầu Đức nhất quyết giữ Công Phượng và Văn Toàn lại sân Pleiku.

Bầu Đức lùi một bước để tiến nhiều bước?

4 triệu USD là một con số khổng lồ. Kỷ lục chuyển nhượng với một cầu thủ Việt Nam được ghi nhận cho tới lúc này là 500.000 USD, khi thủ môn Đặng Văn Lâm chuyển từ Hải Phòng sang Muangthong United năm 2019.

Tuy nhiên, bầu Đức đã từ chối lời đề nghị đầy hấp dẫn này. Ông không nghĩ đến chuyện xé lẻ các cầu thủ HAGL mà mong muốn "tụi nhỏ" được sát cánh với nhau thi đấu vì mục tiêu chung. Trong các chuyến xuất ngoại từng diễn ra, những Công Phượng , Xuân Trường hay Tuấn Anh cũng đều đi theo hợp đồng cho mượn.

Từ chối hợp đồng trăm tỷ cho Công Phượng-Văn Toàn, bầu Đức đang mưu tính một bước nhảy lịch sử? - Ảnh 1.

Bầu Đức từ chối bán cặp đôi Công Phượng-Văn Toàn với giá 4 triệu USD.

Mùa giải 2021 đang chứng kiến sự kiên trì của bầu Đức được đền đáp. HAGL trình diễn một thứ bóng đá vừa hiệu quả vừa hấp dẫn và dẫn đầu bảng xếp hạng V.League. Đội bóng phố Núi sở hữu hàng công xuất sắc nhất và hàng thủ vững chắc nhất. Trên phương diện cá nhân, Văn Toàn và Công Phượng liên tục ghi bàn và sánh ngang với những chân sút ngoại đắt giá.

Tuy nhiên, bầu Đức - người từng tự hào tuyên bố mình "lấy được tiền" của các CLB từ châu Á đến châu Âu - có lẽ không chỉ dừng tham vọng ở chức vô địch V.League. Đưa các cầu thủ con cưng ra nước ngoài, chinh phục những giải đấu tầm cỡ trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn luôn là một khát khao cháy bỏng của ông chủ CLB HAGL.

Sau những chuyến đi kém thành công, nhiều bài học đã được rút ra. Và ở thời điểm hiện tại, môi trường HAGL đang trở thành nơi chuẩn bị rất tốt để những Công Phượng, Văn Toàn, Vũ Văn Thanh... vươn xa.

"Người dẫn đường" Kiatisuk

Chìa khóa cho mong ước xuất khẩu cầu thủ là HLV Kiatisuk. Từ sự nghiệp cầu thủ đến HLV, "Zico Thái" từng tự trải nghiệm và chứng kiến rất nhiều trường hợp cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Sự chuẩn bị là yếu tố quyết định đến thành bại. Nếu không sẵn sàng, cầu thủ có thể rơi vào tình thế bế tắc và sa sút phong độ trầm trọng. Bản thân Công Phượng, Xuân Trường... cũng từng nếm trải điều này.

Ở chiều ngược lại, 3 học trò của HLV Kiatisuk thời còn dẫn dắt ĐT Thái Lan là Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan và Thitiphan Puangjan lại đạt được những thành công khi chinh chiến ở J1 League (Nhật Bản).

Từ chối hợp đồng trăm tỷ cho Công Phượng-Văn Toàn, bầu Đức đang mưu tính một bước nhảy lịch sử? - Ảnh 2.

Chanathip là học trò thân thiết của HLV Kiatisuk

Chanathip là ngôi sao tại Consadole Sapporo và từng lọt vào đội hình xuất sắc nhất giải. Theerathon là thành viên trụ cột trong chức vô địch J1 League 2019 của Yokohama F. Marinos. Thitiphan Puangjan cũng có tới 24 trận ra sân trong mùa giải duy nhất khoác áo Oita Trinita.

Điểm chung của 3 cầu thủ này là đều được chuẩn bị rất tốt trước khi xuất ngoại. Chanathip chơi tới gần 200 trận cho các CLB Thái Lan trước khi lên đường sang Nhật. Theerathon và Thitiphan cũng đều trải qua nhiều mùa giải lăn lộn tại Thai League. Họ sở hữu nền tảng thể lực tốt, có khả năng xử lý bóng dưới áp lực cao và thích nghi nhanh với văn hóa bản địa.

Dẫn dắt HAGL, HLV Kiatisuk cũng đang trau dồi những điều tương tự cho các học trò. Chỉ trong vài tháng, sự khác biệt được thể hiện rõ trên sân. Từng thú nhận điểm yếu lớn của bản thân là "dứt điểm", nhưng Văn Toàn giờ tự tin với cả những tình huống sút xa từ ngoài vòng cấm. Con số 7 bàn thắng sau 12 vòng đấu là minh chứng không thể thuyết phục hơn.

Từ chối hợp đồng trăm tỷ cho Công Phượng-Văn Toàn, bầu Đức đang mưu tính một bước nhảy lịch sử? - Ảnh 3.

Văn Toàn tiến bộ vượt bậc trong mùa giải 2021

Công Phượng vẫn giữ được những pha xử lý bùng nổ song đã bớt đi sự rườm rà và trở nên dứt khoát hơn. Ngoài ra, khả năng hỗ trợ phòng ngự của tiền đạo xứ Nghệ cũng được cải thiện đáng kể nhờ việc được kéo xuống hàng tiền vệ.

Vũ Văn Thanh cũng là một cái tên nổi bật. Dưới bàn tay HLV Kiatisuk, Văn Thanh trở thành một mũi nhọn tấn công đầy lợi hại bên hành lang phải HAGL. Khi thì xuống biên tạt bóng hoặc căng ngang cho đồng đội phía bên trong, lúc lại đột phá thẳng vào vòng cấm để tìm kiếm cơ hội ghi bàn, những gì mà hậu vệ người Hải Dương thể hiện ngày càng giống một cầu thủ chạy cánh hiện đại.

Ngoài khía cạnh chuyên môn, HLV Kiatisuk cũng cho học trò nhận ra sự am hiểu ngôn ngữ và văn hóa quan trọng ra sao. Nhìn cách chiến lược gia người Thái Lan nói chuyện với CĐV bằng tiếng Việt, trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh và ôm đàn hát những bài ca Việt Nam, có thể thấy ông đã nỗ lực thế nào để hòa nhập.

Các cầu thủ HAGL cũng là những người dễ kết thân với đồng đội khi ra nước ngoài thi đấu. Dù vậy, không phải tự nhiên mà Công Phượng từng được nhà báo Maarten Elst (Bỉ) yêu cầu chịu khó giao tiếp bằng tiếng Anh hơn trong thời gian khoác áo Sint Truidense. Ở đội bóng nào cũng vậy, phải hiểu ý nhau trên sân thì mới có thể chơi bóng một cách thoải mái.

Từ chối hợp đồng trăm tỷ cho Công Phượng-Văn Toàn, bầu Đức đang mưu tính một bước nhảy lịch sử? - Ảnh 4.

Vũ Văn Thanh từng được nhiều đội bóng nước ngoài quan tâm

Những ngôi sao hàng đầu của HAGL hiện đều trong độ tuổi 25-26. Họ vẫn còn đủ thời gian để học hỏi từ HLV Kiatisuk trước khi sẵn sàng hướng đến những giải đấu hàng đầu châu Á trong một vài năm tới.

Theo Domino

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên