Từ chối tiểu thư con đại gia để lấy đồng nghiệp, thầy giáo vất vả vừa chăm vợ sinh, vừa chăm heo đẻ vẫn thấy hạnh phúc
Cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả nhưng suốt 44 năm hôn nhân đã qua, chú Mển luôn cảm thấy hạnh phúc, đủ đầy vì có sự đồng hành của người vợ hiền lành, đảm đang.
Từ chối con gái đại gia, trúng tiếng sét ái tình của đồng nghiệp
Hơn 40 năm về trước, chú Kỷ Bỉnh Mển (70 tuổi, người gốc Hoa) và cô Lê Thị Kim Hương (67 tuổi) khi đó đều là giáo viên cùng dạy chung một trường.
Vốn là cây hài của trường nên chú Mển khá đào hoa, được nhiều người yêu quý. Tuy nhiên, chú đã bị trúng tiếng sét ái tình khi gặp cô Hương. Chú thấy cô là người duyên dáng, hiền lành, ít nói, hay cười, đảm đang.
Không biểu lộ vồ vập hay tấn công tới tấp, chú Mển từ từ tìm cách để làm quen, tiếp cận cô. Chú cũng nhờ mấy người đồng nghiệp giúp đỡ để có cơ hội được gần cô hơn.
Cô Hương và chú Mển đã bên nhau được 44 năm.
Cô chú kết hôn vào năm 1979.
Hôm đó, mấy anh chị em đồng nghiệp, khoảng 7-8 người rủ nhau đi ăn bánh bèo. Ăn xong mọi người giả bộ đi ra ngoài hết rồi đi luôn, chỉ còn lại hai cô chú. Chú Mển ngỏ ý chở cô Hương về. Trên đường, chú cố tình chạy xe kiểu “cà giựt”, phanh gấp liên tục để cô phải ôm chú, nếu không sẽ bị ngã.
Bản thân cô Hương thấy chú là người hiền lành, dí dỏm nên cũng có ấn tượng. Hai cô chú tìm hiểu thêm một thời gian.
Thời điểm đó, chú Mển được người cậu ruột làm mai cho một cô gái là con gái út trong gia đình người Hoa thuộc hàng đại gia. Sau bao trăn trở so sánh, dù chưa có lời thề non hẹn biển nhưng chú đã khắc ghi sâu đậm hình ảnh của cô nên quyết định từ chối để một lòng vun đắp tình cảm với cô Hương.
Tổ ấm của cô chú lần lượt đón 2 con gái trong vòng 5 năm.
Hơn 2 năm sau thì cô chú chính thức nên duyên vợ chồng. Ngày ấy cuộc sống còn khó khăn, đám cưới cô chú phải rước dâu bằng thuyền, ghe. Lúc đi thì nước xuôi nên chỉ mất một tiếng. Lúc về ngược nước nên mất ba tiếng, mệt nhưng ai cũng vui.
Một năm sau, cô chú sinh người con gái đầu lòng. Ngoài thời gian dạy học, cô chú còn nuôi thêm heo nái để phát triển kinh tế gia đình. Một tay chú Mển vừa lo công việc, vừa chăm vợ sinh, vừa chăm heo đẻ.
“Nhà cửa lúc bấy giờ chật chội lắm. Khi bà nhà tôi sinh đứa con đầu là đang ở cái nhà cách chuồng heo chỉ có 2 thước. Tôi cứ vừa chạy sang chăm heo rồi lại chạy về chăm vợ. Tối thì ngủ ở chuồng heo để canh chừng, bà ấy cần gì thì gọi lại lật đật chạy về.
Hồi đó vợ chồng tôi đi mua khô cá về cho heo ăn, lựa cái nào còn ăn được thì mình ăn, cái nào tệ quá thì nấu cám cho heo. Đến lúc bà ấy đi dạy lại thì hai vợ chồng cứ một người dạy buổi sáng, một người dạy buổi chiều. Người này về là người kia đi liền kẻo trễ, thay nhau lo việc ở nhà”, chú Mển kể.
Chú Mển nói chuyện rất duyên dáng.
Cô Hương hiền lành, hay cười.
44 năm hôn nhân hạnh phúc vẹn tròn
5 năm sau, cô chú có thêm người con gái thứ 2. Hai vợ chồng vẫn cứ chăm chỉ làm lụng, bám nghề dạy học, nuôi heo để trang trải cho cuộc sống gia đình, nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành.
Chén đĩa còn có lúc xô, vợ chồng sống với nhau không tránh khỏi lúc này lúc khác. Thế nhưng, chuyện giận hờn của chú Mển và cô Hương cũng rất hài hước. “Bận rộn nên vợ chồng có cãi nhau cũng phải cãi nhanh nhanh rồi còn đi làm không thì trễ mất. Giận nhau thì hai vợ chồng không nói chuyện mà viết lên tấm bảng ở nhà. Ví dụ tôi giận thì tôi chỉ viết lên bảng là: “Nhớ cho heo ăn”. Nói chung mỗi khi giận dỗi thì tôi cũng thường là người nhường nhịn, vì dù sao cũng còn nhiều việc vợ chồng phải trao đổi với nhau.
Ông nhà tôi cũng chịu nhịn lắm. Thỉnh thoảng có đi nhậu về muộn là biết lỗi, làm thinh rồi đi làm nhiệm vụ của mình”, cô Hương kể thêm.
Hai cô chú cười tươi khi nhắc lại những kỷ niệm vui buồn trong 44 năm hôn nhân.
Chú Mển nhắn nhủ cô Hương: "Mong chúng ta tay trong tay mãi mãi".
Sau này cô chú về hưu, chú chuyển sang làm phường còn cô bán tạp hóa. Các con của cô chú cũng đều đã có gia đình riêng.
Trải qua 44 năm hôn nhân, khi nói về nhau, cô chú vẫn nắm chặt tay, dành cho người bạn đời của mình sự trân trọng và yêu thương. Trong mắt cô Hương, chú Mển đã làm tròn bổn phận của một người chồng, một người cha, luôn yêu thương vợ con, nghiêm khắc nhưng không la rầy, đánh mắng các con bao giờ mà chỉ cần nói là các con biết sợ.
Còn với chú Mển, suốt bao nhiêu năm qua, chú cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy vì có cô sánh bước trong cuộc đời, cùng nhau đi qua những ngày khó khăn nhất để tạo ra một gia đình hạnh phúc trọn vẹn.
“Mong chúng ta tay trong tay mãi mãi”, chú Mển nhắn nhủ bà xã đang rưng rưng nước mắt xúc động.
Nguồn: Tình trăm năm
Thể thao văn hóa