MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chức năm 37 tuổi rồi tiêu hết sạch tiền tiết kiệm chỉ sau 1 năm, tôi nhận ra chân lý 'thô nhưng thật': Tài chính chưa vững thì đừng vội nghỉ việc

01-03-2023 - 15:52 PM | Sống

Từ chức năm 37 tuổi rồi tiêu hết sạch tiền tiết kiệm chỉ sau 1 năm, tôi nhận ra chân lý 'thô nhưng thật': Tài chính chưa vững thì đừng vội nghỉ việc

Ở tuổi trung niên, đừng nghỉ việc nếu số dư trong tài khoản không thể giữ cho cuộc sống của bạn “êm ấm” ngay cả khi bạn không có việc làm trong hơn 1 năm.

*Dưới đây là bài chia sẻ của một tài khoản có tên Khổng Bảo được đăng trên trang Maimai.cn của Trung Quốc.

Tôi 37 tuổi, từng là quản lý cấp trung của một công ty lớn nhưng đã nghỉ việc được hơn 1 năm. Sau nhiều năm cống hiến cho công ty cũ, đến năm ngoái, tôi cạnh tranh với một đồng nghiệp khác cho vị trí giám đốc marketing. Tuy nhiên, tôi thua cuộc vì người kia là người thân của lãnh đạo cấp cao.

Là một người luôn tự tin rằng năng lực và kinh nghiệm của bản thân sẽ giúp tôi có được vị trí này. Do đó, kết quả nhận được khiến tôi không giấu được sự thất vọng. Không những thế sau lần này, một trong những cấp dưới của tôi giờ lại ngang hàng với tôi khiến các đồng nghiệp khác không khỏi bàn tán. Điều này làm tôi vô cùng mệt mỏi khi đi làm. Cuối cùng, 1 tháng sau đó tôi quyết định từ chức và đổi nghề sang làm chủ một cơ sở giáo dục và đào tạo để tìm cảm hứng mới cũng như thử thách bản thân.

Từ chức năm 37 tuổi rồi tiêu hết sạch tiền tiết kiệm chỉ sau 1 năm, tôi nhận ra chân lý thô nhưng thật: Tài chính chưa vững thì đừng vội nghỉ việc - Ảnh 1.

Đầu tiên, tôi dồn tiền thuê một căn phòng gần nhà, thuê thêm 2 giáo viên và bắt đầu thực hiện các khóa học trực tuyến. Cứ nghĩ rằng việc dạy học trên Internet đang rất phổ biến nên tôi sẽ sớm thu hồi vốn và có lãi. Thế nhưng kết quả một lần nữa lại nằm ngoài dự tính của tôi.

Sau 3 tháng mở khóa học, tôi không tuyển được một học sinh nào. Sang tháng thứ 4, tôi lại dồn tiền chạy quảng cáo và gỡ lại một ít tiền nhờ bán tài liệu giảng dạy trực tuyến. Đến tháng thứ 5, tôi phải đóng cửa cơ sở giáo dục của mình vì thua lỗ nặng. Tuy nhiên, chuyện này vẫn chưa kết thúc, phí quản lý nhượng quyền thương mại, tiền lương của giáo viên tổng cộng đã tiêu tốn của tôi hơn 300.000 NDT trong khi tôi chỉ kiếm về được 2.000 NDT. Thế là chỉ sau gần 1 năm nghỉ việc, tôi đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm bao năm đi làm cho startup thất bại của mình.

Giờ đây tôi đang mông lung không biết phải làm sao. Tôi đã 37 tuổi rồi nhưng không có việc làm ổn định, cũng chẳng còn đồng tiết kiệm nào cho bản thân để lo liệu cho tương lai. Nghĩ kỹ lại, tôi đã quá bốc đồng khi xin từ chức mà không có kế hoạch gì rõ ràng cho bản thân. Nếu bạn cũng đang phân vân giữa việc rời đi hay tiếp tục cống hiến cho công ty thì hãy cân nhắc xem bản thân đã sẵn sàng cho việc nghỉ việc hay chưa.

Tôi khuyên bạn, nếu chưa có 4 điều quan trọng sau thì đừng vội nghỉ việc:

1. Có năng lực cạnh tranh

Khả năng cạnh tranh cốt lõi được đề cập ở đây có thể là kinh nghiệm làm việc mà bạn đã tích lũy được trong nhiều năm làm việc. Đó cũng có thể là những kỹ năng đặc biệt khác hoặc có thể là khách hàng và tài nguyên các mối quan hệ mà bạn có.

Những điều nêu trên đều là những yếu tố đảm bảo để bạn tồn tại hoặc thậm chí sống tốt hơn sau khi nghỉ việc. Hãy xem xét năng lực của bạn, cân nhắc những lời gợi ý công việc mới từ bạn bè…Sở hữu một kỹ năng có thể kiếm tiền dù chính hay phụ đều là cách tốt để giúp bạn vượt qua cuộc khủng hoảng nghỉ việc hay bị sa thải.

2. Đã có một khoản tiết kiệm “kha khá”

Khoản tiết kiệm được đề cập ở đây không có nghĩa là bạn phải có rất nhiều tiền, mà là số tiền bạn tiết kiệm được phải có khả năng chống lại nhiều rủi ro sau khi bạn nghỉ việc. Những người trung niên nghỉ việc đều phải trả giá đắt hơn, đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với những người trẻ tuổi. Vì vậy, ngoài việc phải có một bản lĩnh mạnh mẽ thì một khoản tài chính đủ vững để chống lại rủi ro là điều vô cùng cần thiết.

Từ chức năm 37 tuổi rồi tiêu hết sạch tiền tiết kiệm chỉ sau 1 năm, tôi nhận ra chân lý thô nhưng thật: Tài chính chưa vững thì đừng vội nghỉ việc - Ảnh 2.

Nếu không biết mình cần tiết kiệm bao nhiêu tiền để phòng ngừa rủi ro, bạn có thể tự hỏi mình một số câu hỏi như: “Tiền tiết kiệm của bạn có thể duy trì chi tiêu hàng ngày của bạn khi thất nghiệp trong bao lâu?”, “nếu bạn gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, nó có đủ để giải quyết không?”, “khoản tiết kiệm hiện tại của bạn có thể giữ cho chất lượng cuộc sống không bị giảm xuống ngay cả khi bạn không có việc làm trong hơn một năm không?”

Nếu các câu hỏi trên bạn đều có thể trả lời là “có”, điều đó có nghĩa là bạn có đủ tự tin về tài chính để hiện thực hóa ý tưởng nghỉ việc của mình.

3. Có giá trị cá nhân

Cái “mác” cá nhân ở đây không có nghĩa là bạn là phó chủ tịch, giám đốc, giám sát viên hay những chức danh cao ngất ngưởng khác trong công ty. Mà là khi ai đó nhắc đến bạn, họ sẽ nghĩ ngay đến một khả năng nào đó của bạn. Ví dụ, khi bạn nghỉ việc và tìm việc mới, bạn bè và người thân tìm thấy cơ hội việc làm ở lĩnh vực mà bạn giỏi sẽ lập tức nhớ đến bạn và giới thiệu công việc đó cho bạn.

Hoặc khi bạn là một người có tài năng xuất chúng ở lĩch vực chuyên môn, gặt hái được những giải thưởng, thành tựu riêng thì bạn có thể tồn tại độc lập. Một khi bạn được công nhận, bạn sẽ trở thành người không thể thay thế được. Lúc đó, bạn cũng có đủ tự tin để rời bỏ công việc của mình bất cứ lúc nào. Dù bạn nghỉ việc ở nơi này thì cũng được những nơi khác săn đón.

4. Có sức khỏe tốt

Điều cuối cùng tôi muốn nhắc nhở bạn đó là “thân thể chính là vốn liếng quý giá nhất của chúng ta”. Bất cứ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, một cơ thể khỏe mạnh, một sức khỏe tốt chính là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng bạn có thể tiến hành mọi kế hoạch của bản thân.

Có sức khỏe, bạn sẽ tạo ra nhiều giá trị của bản thân hơn nữa. Có sức khỏe, bạn sẽ tạo ra nhiều của cải hơn nữa. Do đó, trước khi nghỉ việc hay có mốt kế hoạch quan trọng nào khác, hãy để ý xem sức khỏe của mình có cho phép hay không. Nếu có thì bạn có thể tự tin 50% rồi đấy.

( Theo Maimai.cn)

Ánh Lê

Thể thao văn hóa

Trở lên trên