Từ chuyện cô gái trẻ 5 tháng "nhảy" 6 công ty đến chuyện HSBC mất 145 năm để đưa người Việt vào vị trí Tổng Giám đốc
“Nhiều khi tôi vẫn nói đùa với các bạn là HSBC phải mất hơn 145 năm lịch sử mới đưa được người Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc”, CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải hài hước. “Thực sự tôi không phải người duy nhất đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ này. Nhiều bạn khác cũng hoàn toàn có khả năng. Nhưng một số người cho rằng họ không chờ được. Đường để lên vị trí cao, trọng yếu xa lắm, họ chọn chuyển sang ngân hàng khác hoặc sang ngành khác”.
- 24-03-2019Lương thưởng tăng mạnh, nhân viên ngân hàng trở lại thời hoàng kim
- 20-03-2019Mạo danh nhân viên ngân hàng lừa người vay chuyển phí làm thủ tục
- 15-03-2019Lợi dụng mác nhân viên ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng
Giang, kế toán, 23 tuổi, đang lóng ngóng xếp lại giấy tờ trong khi chờ nhận tài liệu công ty tại một phòng công chứng trên đường Ngụy Như Kon Tum.
Đây là công ty thứ 6 cô gái trẻ này làm việc. Chọn học ngành kế toán do nhà có chị cả làm ngành này. Công việc đầu tiên cũng do "người nhà" xin cho. Hai tuần sau, Giang bỏ việc vì "chán".
Cái "chán" ấy, giờ nhìn lại Giang cho là "do không được làm đúng chuyên ngành". Công việc thứ 2, 3, 4, 5 cứ nhanh chóng qua đi như vậy. Chỗ lương thấp, chỗ xa nhà, chỗ thì "đi du lịch xong về không còn động lực làm việc"... "Công việc em làm lâu nhất là 1 tháng", Giang kể.
Theo một khảo sát được công bố hồi cuối năm ngoái của Công ty Anphabe, tỷ lệ nghỉ việc đã lên cao nhất trong vòng 3 năm qua. Tỷ lệ nghỉ việc năm 2018 dự báo là 20%, trong đó 19% nhân viên cảm thấy thiếu gắn kết và quyết định ra đi, 1% nhân viên dù gắn kết nhưng vẫn ra đi vì có cơ hội tốt hơn.
"Thế hệ 8x và 9x hiện nay, tôi nghĩ các bạn có lợi thế về tự tin, năng động và ngoại ngữ tốt hơn thế hệ trước đây. Cái tôi nghĩ sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các bạn là mức độ ổn định chưa cao. Đa phần các bạn mong muốn mọi thứ rất nhanh, kiểu "nếu một năm làm tốt không được thăng chức thì tôi đi"", ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ với báo giới.
Trong Top 10 lý do thay đổi công việc, theo một báo cáo mới đây của Vietnamworks, lý do "Không có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp" chiếm vị trí đầu bảng với tỷ lệ 30%; đứng thứ 2 là yếu tố "Không hài lòng với mức lương", chiếm 24%.
" Nhảy việc sẽ nhận được mức lương cao hơn, được thăng lên vị trí mới nhanh hơn so với việc tiếp tục ở lại doanh nghiệp cũ là đúng với một số trường hợp", bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search, cho biết.
Tuy nhiên, theo phân tích của bà Lan, có một mẫu số chung dễ nhận thấy là: Bất kỳ ai khi bắt đầu một công việc, năm đầu tiên là năm học việc. Chúng ta học rất nhiều từ sản phẩm, quy trình, kỹ năng… Thế nên, khả năng nhân sự đóng góp được cho doanh nghiệp ngay trong năm đầu tiên là rất hãn hữu. Thay vào đó, công ty sẽ "cho đi" nhiều hơn là những gì công ty có thể "nhận lại".
Năm thứ 2 có thể coi là năm "đóng góp". Năm làm việc thứ 3, nhân sự lúc ấy có thể gọi là "master" trong toàn bộ quy trình và nắm vững cách thức để đạt được hiệu quả cao nhất có thể.
"Như vậy, nếu bạn "nhảy việc" ngay năm đầu tiên, bạn đã có cơ hội bước chân vào một công ty lớn, có danh tiếng tốt trên thị trường. Đương nhiên, nếu bạn "nhảy" sang công ty thứ 2, bạn có cơ hội gia tăng thu nhập cũng như đạt vị trí tốt hơn. Nhưng bạn cứ tưởng tượng cả 3 năm, mỗi năm bạn nhảy một công việc, có nghĩa là năm nào bạn cũng đang ở trong giai đoạn học, và có nghĩa là học chưa tới, thì kết quả cuối cùng bạn nhận được là gì? Là không có gì "đến đầu đến đũa" cả", bà Lan nhìn nhận.
"Nhiều khi tôi vẫn nói đùa với các bạn là HSBC phải mất hơn 145 năm lịch sử mới đưa được người Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc", ông Phạm Hồng Hải hài hước trong buổi trò chuyện với các tân sinh viên trong lễ khai giảng trường cũ - ĐH Kinh tế TPHCM cách đây ít tháng.
Năm 2014, ông là người Việt đầu tiên trong tập đoàn được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc của HSBC Việt Nam.
Việc được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc ấy, ông Hải nhìn nhận ngoài yếu tố may mắn, còn có yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.
"Thiên thời là thời điểm đó tập đoàn đang cần tuyển vị trí Tổng Giám đốc tương đối gấp, địa lợi là tôi đã trang bị kiến thức, chuyên môn, kỹ năng trong gần 20 năm tại HSBC, nhân hòa là các bạn đồng nghiệp và các lãnh đạo trong khu vực ủng hộ tôi", ông Hải chia sẻ trên Zing.
Một yếu tố "hỗ trợ" khác được ông Hải nhắc tới là chuyện "nhảy việc" của những đồng nghiệp đủ khả năng để cạnh tranh chức vụ Tổng Giám đốc này.
"Thực sự tôi không phải người duy nhất đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ này. Nhiều bạn khác cũng hoàn toàn có khả năng. Nhưng một số người cho rằng họ không chờ được. Đường để lên vị trí cao, trọng yếu xa lắm, họ chọn chuyển sang ngân hàng khác hoặc sang ngành khác".
"Đường đến vị trí quan trọng trong một tập đoàn như một cuộc đua marathon dài hơi vậy. Quan trọng không phải thắng từng chặng mà ai là người về đến đích", CEO HSBC Việt Nam trải lòng.
Lấy dẫn chứng "mẫu số chung" 3 năm làm việc, bà Lan nhìn nhận: Những bạn trẻ liên tiếp nhảy việc, rất nhanh chóng đạt được mục tiêu mới và vị trí mới. Nhưng sau 3 năm nhìn lại, kiến thức họ không thu nhận được bao nhiêu cả, và thậm chí không còn đạt những nền tảng cơ bản để họ có một "long run" - cuộc chạy đường dài trong sự nghiệp.
"Trong khi đó, những bạn chấp nhận ở lại làm công việc mà họ đã làm trước đó suốt 3 năm trời, thì những sự tích lũy về kiến thức, kinh nghiệm của họ thậm chí có thể tốt hơn, dẫn đến là bước nhảy tiếp theo của họ thậm chí còn nhảy vọt hơn rất nhiều so với các bạn thường xuyên nhảy việc", bà Lan nhận định.
"Tôi vẫn chia sẻ với các bạn nhân viên ở HSBC là việc nhảy việc không xấu, tuy nhiên nếu nhảy việc với một tần suất rất cao, cuối cùng chưa chắc việc nhảy đó sẽ giúp mình đi được đến đích nhanh nhất".
"Nhiều khi mình kiên nhẫn một chút xíu lại là con đường ngắn nhất đi đến đích mình mong muốn. Bởi thực ra, khi xây dựng nền tảng kiến thức tốt, xây dựng được niềm tin của ban lãnh đạo thì khi có cơ hội để bổ khuyết cho một vị trí lãnh đạo, đa phần mọi người sẽ nhìn bạn đó - người đã chứng tỏ được mình có đủ năng lực và đủ sự chín muồi để làm. Còn nếu các bạn nhảy rất nhanh, tôi nghĩ khó có tổ chức nào muốn bổ nhiệm các bạn vào vị trí lãnh đạo, bởi không chắc là thực sự các bạn có đủ sự chín chắn, kiến thức cho tổ chức đó hay không", vị lãnh đạo 24 năm ra trường chỉ gắn bó với một tổ chức chia sẻ.
Ông Hải tốt nghiệp ĐH Kinh tế TPHCM năm 1995, ngay sau đó ông được nhận vào HSBC làm việc với vị trí kế toán.
Khi được hỏi về lời khuyên "nhảy việc" có chiến lược cho các bạn trẻ, đại diện của công ty nhân sự Navigos Search cho rằng không có khái niệm đúng hay sai, hoặc tiêu chuẩn cho mỗi người trong mỗi lần nhảy việc.
"Đối với các bạn trẻ, các bạn có cơ hội để thử thách, có cơ hội phạm sai lầm và có thể sửa sai. Cho nên trong những năm đầu các bạn mới ra trường, có thể chấp nhận việc thay đổi công việc, thay đổi với tần suất nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường, hoàn cảnh, tính cách và bối cảnh của mỗi bạn đó. Chúng ta không thể nói là nên nhảy việc mỗi năm một công việc thì là tồi, hay 3 năm một công việc mới là tốt", bà Lan nói.
Tuy nhiên, chuyện "nhảy việc" liên tục và kết cục "không có gì đến đầu đến đũa" hậu quả là gì?
"Những chuyện đó sẽ ảnh hưởng đến con đường cuối cùng của bạn. Như người ta hay nói: Để biết được một người có thành công hay không thì hãy nhìn đến cuối cuộc đời của anh ta rồi hẵng nói, chứ không phải nhìn vào một địa vị nào đó ở một thời gian nào đó rồi gọi là thành công", nữ giám đốc cấp cao của Navigos Search nhận định.
Trí thức trẻ